(TBKTSG Online) - Theo quyết định của Tòa án nhân dân TP Hà Nội, vụ xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm sẽ diễn ra từ ngày 20-5 đến 5-6. Trước phiên tòa này, các luật sư đã có văn bản đề nghị Quốc hội giám sát vụ án. Trong văn bản này, các luật sư cho rằng không phải vụ bầu Kiên mà chỉ có vụ Huyền Như mới là "đại án tham nhũng".
Cụ thể, các luật sư cho rằng trong vụ án Nguyễn Đức Kiên, ông Kiên cùng các cá nhân nguyên Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu chỉ bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; ông Kiên cùng hai cá nhân khác bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cá nhân ông Kiên bị truy tố về tội kinh doanh trái phép và trốn thuế.
“Không hề có một tội danh nào liên quan đến nhóm hành vi tham nhũng theo quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng trong vụ án Nguyễn Đức Kiên”, bản kiến nghị của các luật sư khẳng định.
Cụ thể, theo Luật phòng chống tham nhũng và định nghĩa của Tổ chức Minh bạch quốc tế, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ quyền hạn đó để trục lợi cho cá nhân mình. Về hành vi cố ý làm trái, cả Kết luận điều tra và Cáo trạng vụ án Nguyễn Đức Kiên đều xác định ông Kiên và các cá nhân nguyên Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu không hề có tư lợi cá nhân.
Do đó, việc xác định đây là “đại án” tham nhũng là không đúng bản chất sự việc, tạo định kiến cho các cơ quan tố tụng, tạo tâm lý và dư luận xã hội bất lợi cho các cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ án.
Trong khi đó, với vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, theo kết luận điều tra, cáo trạng, từ tháng 3-2010 đến tháng 9/2011, với chức danh Quyền Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Huyền Như đã chiếm đoạt hơn 4.900 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân, hiện chưa thu hồi được 3.900 tỉ đồng, trong đó hầu hết thực hiện tại Vietinbank bằng các thủ đoạn như làm giả hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank với khách hàng, đóng dấu thật của Vietinbank và chỉ định tài khoản nhận ủy thác là của 1 doanh nghiệp khác (của Huyền Như) tại ngân hàng khác không phải Vietinbank, sau đó Như soạn giấy xác nhận để lãnh đạo Chi nhánh Vietinbank ký xác nhận đã nhận đủ tiền, sau đó chiếm đoạt.
Hay Huyền Như dùng chứng từ giả, ký chữ ký giả, sử dụng dấu giả tại Vietinbank để chuyển tiền, rút tiền trên tài khoản của khách hàng. Đồng thời bị cáo này cũng tự ý trích tiền trên tài khoản hợp pháp của khách hàng tại Vietibank để lập sổ tiết kiệm mang tên khách hàng, sau đó nhờ người đứng tên hồ sơ vay giả, giả chữ ký, vay vốn tại Vietinbank.
Tất cả các thủ đoạn trên đều liên quan đến Vietinbank. Và tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng này đã bị chiếm đoạt. Theo quy định của pháp luật, tham ô là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền, tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Huyền Như đã vi phạm đúng tội này nhưng cáo trạng lại ghi Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các khách hàng gửi tiền và làm giả con dấu, tài liệu; Võ Anh Tuấn cùng một số cá nhân khác đồng phạm với Huyền Như về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Duy nhất trong vụ án chỉ có bị cáo Phạm Anh Tuấn, không phải là đối tượng chính trong vụ án, bị kết tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi tham nhũng. Ngoài ra không có ai bị xử lý về hành vi tham nhũng, dù tổng số tiền chiếm đoạt xấp xỉ 5.000 tỉ đồng.
Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự, TAND tối cao đã có ý kiến: “Huỳnh Thị Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của Vietinbank do mình có trách nhiệm quản lý là hành vi phạm tội tham ô tài sản, chứ không phải hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, chưa có trường hợp nào hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình quản lý lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản”.
Như vậy, đã có dấu hiệu bỏ sót tội danh tham ô, hành vi tham nhũng nặng nhất trong một vụ được coi là “đại án” tham nhũng. Do Huyền Như không phạm tội tham ô, các nguyên nhân và điều kiện phạm tội tại Ngân hàng Công thương đã không được làm rõ trong phiên xét xử sơ thẩm.
Bốn luật sư đã ký vào văn bản đề nghị Thường vụ Quốc hội giám sát vụ án xét xử Nguyễn Đức Kiên bao gồm luật sư Hoàng Đôn Hùng, Bùi Quang Nghiêm, Vũ Xuân Nam, bảo vệ quyền lợi cho ông Nguyễn Đức Kiên, luật sư Lưu Văn Tám, bảo vệ quyền lợi cho ông Lý Xuân Hải.
Cho đến nay, sau khi văn bản kiến nghị này gửi đến Quốc hội, chưa có thông tin phản hồi chính thức.
Chỉ có hôm qua, 8-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương rà soát vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo của hai vụ án trên, trên cơ sở đó xác định tội danh và quyết định mức hình phạt theo đúng luật định, xét xử công bằng, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để sót người, lọt tội, nhưng cũng không làm oan người vô tội.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần làm rõ và đầy đủ những vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, không loại trừ tổ chức, cá nhân nào. Đồng thời, tòa án cũng có hình thức xử lý tương xứng, đáp ứng kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân, có tác dụng tốt trong việc răn đe, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, trong đó có tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và làm cho kinh tế-xã hội phát triển lành mạnh hơn.
Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn nêu rõ yêu cầu nói trên của Chủ tịch nước, gửi tới các cơ quan pháp luật hữu quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét