Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Chuyên gia Mỹ lo ngại khả năng nổ súng trên Biển Đông

(Petrotimes) – Xung quanh vụ tàu chiến Mỹ và Trung Quốc suýt va chạm trên Biển Đông, nhiều chuyên gia đã bày tỏ ý kiến lo ngại về khả năng xảy ra nổ súng trong một vụ việc tương tự.

Mặc dù Mỹ - Trung, ai đúng ai sai trong cách thuật lại vụ việc hôm 5/12 vẫn chưa có đáp án, song, trong bài nhận định đăng trên báo mạng The Diplomat hôm 17/12, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viên Quốc phòng Australia xác nhận rằng, chiếc USS Cowpens của Mỹ đã được giao nhiệm vụ giám sát hành trình của tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh từ khi chiếc này tiến vào hải phận trong vùng Biển Đông. Về sự cố ngày 5/12, ông cho biết :

“Ngày 5/12, một chiếc trong đội tàu bảo vệ chiếc Liêu Ninh đã liên lạc vô tuyến với chiến hạm Mỹ Cowpens và yêu cầu chiếc này khỏi khu vực. Tàu USS Cowpens trả lời rằng họ đang ở hải phận quốc tế, do đó từ chối thay đổi hành trình. Ngay sau đó, chiếc Cowpens đã bị một chiếc tàu đổ bộ Trung Quốc đuổi theo, qua mặt rồi đột ngột quay mũi chỉ cách mũi tàu Mỹ khoảng không đầy 500 mét và dừng lại. Vào lúc đó chiếc Cowpens đã bị buộc phải bẻ lái khẩn cấp để tránh va chạm”.

Diễn tiến vụ việc là như trên, nhưng theo Giáo sư Thayer, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, nổi tiếng với quan điểm hiếu chiến, đã đổ lỗi cho chiếc USS Cowpens là đã thâm nhập vào vùng bảo vệ có bán kính 40km của tàu sân bay Liêu Ninh, đã bám đuôi và sách nhiễu đội tàu hộ tống cho chiếc Liêu Ninh, thậm chí đã có hành vi gây hấn trước.

Theo ông Rick Fisher - thành viên kỳ cựu của Trung tâm sách lược và thẩm định quốc tế, Trung Quốc nhận thấy việc các tàu của Mỹ theo dõi hoạt động của Bắc Kinh từ hải phận quốc tế trong vùng Biển Đông và biển Hoa Đông là "không thể chấp nhận được".

Ông nhận định: “Trong cả hai lĩnh vực, lực lượng hải và không quân Trung Quốc đã tìm cách can thiệp vào việc thu thập tình báo của Mỹ và tôi dự kiến cuộc tranh đua mèo đuổi chuột này sẽ tiếp tục. Và nếu phía Trung Quốc quyết định hành động, sự việc càng trở nên nguy hiểm.”

Trước đó, tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng cảnh báo những vụ đối đầu như thế rất nguy hiểm: “Ðiều chúng ta không muốn là một sai lầm xảy ra ở đây, và khi ta có vấn đề như vụ tàu USS Cowpens thì đó là loại sự kiện rất dễ gây khiêu khích có thể châm ngòi hay khơi mào cho một sai lầm tiếp theo.”

Chuyên gia về châu Á Richard Cronin - Giám đốc Chương trình Ðông Nam Á của trung tâm Stimson cũng chia sẻ quan điểm này. Ông nhận định: “Có nhiều khả năng xảy ra một sự cố, có thể sẽ không leo thang thành một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng chắc chắn sẽ kèm theo một vụ nổ súng nào đó và để lại nhiều thiệt hại về ngoại giao.”

Cũng theo ông Cronin, Trung Quốc còn đang biểu dương sức mạnh qua việc đơn phương áp đặt một “vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) ở biển Hoa Ðông trên không phận quần đảo Senkaku đang do Nhật Bản kiểm soát.

Ông Cronin nói: “Do đó, tất cả nhằm mục đích đẩy người Mỹ ra và cũng nhằm mục đích tìm cách bành trướng các quyền hạn mà họ tự cho là có.”

Mỹ đã bác bỏ vùng phòng không. Trong khuôn khổ chính sách xoay trục chiến lược sang châu Á của chính quyền Obama, Ngoại trưởng John Kerry vừa đi thăm Việt Nam và Philippines đã cam kết viện trợ hơn 70 triệu USD cho các quốc gia Đông Nam Á để giúp họ tăng cường an ninh, bảo vệ lãnh hải.

Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố: "Không nên áp đặt ADIZ (tại biển Hoa Đông) và Trung Quốc nên tránh thực hiện những hành động đơn phương tương tự ở bất kỳ đâu và đặc biệt là ở Biển Đông."

Theo chuyên gia Rick Fisher, việc Trung Quốc tăng cường củng cố và thể hiện sức mạnh quân sự là biện minh cho chính sách xoay trục châu Á của Washington. Ông nói:

“Nhưng việc Trung Quốc tăng cường các hành động trên cũng gia tăng áp lực đối với Mỹ trong việc xem xét lại kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng, xét lại sách lược và tăng tốc các chuẩn bị quân sự", ông Fisher nói.

Minh Châu (tổng hợp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét