BBC - Chiều ngày 19/2/2014, trong hội nghị giữa chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của đồng bào chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống xâm lược ngày 17/2/1979.”
Song ông biện luận cho sự kiện nhà nước không tổ chức tưởng niệm bằng câu nói:
“Chúng ta làm gì cũng phải tính lợi ích cao nhất của đất nước.”
Lời phát biểu của ông chắc chắn không đáp ứng được lòng mong ước của cử tri cả nước, và bất nhất với lời phát biểu trước đây của ông trước công chúng.
Những hoạt động tưởng niệm là một hoạt động mang tính nhân văn, đạo đức, lịch sử và văn hóa của một quốc gia có chủ quyền độc lập thì tại sao lại không có tính lợi ích cho đất nước?
Ngoại trừ là sức ép áp đặt từ Trung Quốc lên trên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và được cho là không có lợi cho giới cầm quyền hiện nay.
Trung thành với sự thật
Tấm gương Nhật Bản và Mỹ thì khác.
Tuy hai nước này là đồng minh cùng ký kết hợp tác an ninh quân sự, nhưng hằng năm Nhật Bản vẫn tổ chức lễ tưởng niệm và đưa vào lịch sử về trận quyết tử Trân Châu Cảng - ngày tang thương Mỹ ném bom nguyên tử tại Nagasaki và Hiroshima.
Lịch sử bắt buộc Mỹ, Nhật và cả thế giới phải thừa nhận sự thật không thể chối cãi. Và người Mỹ còn dựng lại bộ phim điện ảnh trận đánh Trân Châu Cảng với một cách nhìn khách quan dù đó là thất bại bi thảm đối với họ.
Nhìn lại lịch sử nước ta, “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu“ - một khoảng thời gian thật dài mà cả dân tộc phải thống khổ dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc.
Nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy đánh đuổi giặc ngoại xâm gìn giữ giang sơn xây dựng nhà nước có Quốc hiệu Văn Lang, Vạn Xuân nhưng vẫn không có được độc lập chủ quyền thật sự. Lịch sử gọi đó là thời kỳ Bắc thuộc.
Ngàn năm về trước, vua chúa Trung Hoa vẫn xem Việt Nam là là một đơn vị hành chính và cử các quan thái thú qua cai trị, khai thác bóc lột của cải đem về nước.
Mãi cho đến năm 938, khi Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, xây dựng triều vương, thì thời kỳ Bắc thuộc mới kết thúc và mở ra kỷ nguyên mới cho nền độc lập chủ quyền của nước ta.
Từ đó về sau, song song bên cạnh các triều đại Tống, Mông Nguyên, Minh, Mãn Thanh của Trung Quốc là triều đại nhà Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê. Trước sức mạnh quân sự và âm mưu xâm chiếm của Trung Quốc, các vua nước ta vẫn giữ sự hiếu hòa, đối ngoại mềm dẻo nhưng không đánh mất chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.
Toàn dân vẫn đồng lòng hợp sức phù vua đánh bại các cuộc xâm lược của kẻ thù. Chủ quyền đất nước và độc lập dân tộc vẫn được bảo tồn trước sức mạnh của Trung Quốc qua các triều đại phong kiến.
Đó cũng là di sản quí báu mà các bậc tiền nhân cha ông ta hy sinh máu xương để lại cho hậu thế. Lịch sử bắt buộc phải ghi nhận. Trong tinh thần đó, cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988 và cuộc chiến biên giới Việt- Trung 1979 cũng không thể ngoại lệ vì đó cũng là ba cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.
Nhưng bài học lịch sử đó hiện không được giảng dạy một cách trung thực và đầy đủ ở Việt Nam.
Con tôi là học sinh lớp 7 nhưng rất mơ hồ về lịch sử Việt Nam qua các triều đại phong kiến.
Có một lần bé hỏi tôi: ”Ba ơi! Tại sao ba gọi nhà Đường, Hán, Tống, Nguyên, Minh, Mãn Thanh là giặc Tàu? Thế Tàu, Trung Quốc với các nhà Đường, Hán... liên quan gì với nhau? “.
Đó cũng là một trong những lý do có chuyện các em học sinh Bấm xé đề cương ăn mừng ngay tại trường khi nghe tin môn lịch sử không đưa vào đề thi tốt nghiệp PTTH ngày 29/3/2013 tại Trường THPT Nguyễn Hiền, Sài Gòn.
Nếu không vì những quyền lợi chính trị chi phối, lịch sử luôn là môn học được coi là ưa thích đối với học sinh, nếu viết đúng chính sử.
Nhưng nay, môn lịch sử trở thành bộ công cụ tuyên truyền có định hướng của Đảng như cố tình xóa nhòa đi những danh nhân, chứng tích hào hùng của bề dày lịch sử chống Trung Quốc.
Chủ quyền độc lập của một quốc gia là không những chủ quyền biên cương, lãnh hải về địa lý mà còn chủ quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, dựa trên các hiệp ước quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Mỗi quốc gia có quyền hành xử quyền hạn của riêng mình, trong đó có quyền bảo vệ sự thật lịch sử của mình.
Nếu Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản vì sợ ảnh hưởng của Trung Quốc trên phương diện ngoại giao hoặc bị lệ thuộc mà cấm đoán, hoặc không dám hoạt động tưởng niệm ngày 17/2/1979, không dám đưa sự kiện đó vào bộ môn lịch sử nhà trường thì xem như tự đánh mất dần một phần chủ quyền độc lập trước bá quyền Trung Quốc.
Lợi ích đất nước, không thể dựa trên sự nhượng bộ yếu hèn khiếp nhược như thế, vì sự nhượng bộ lần này sẽ kéo theo nhiều lần nhượng bộ khác để rồi mất dần dần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét