Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Khó mà phạt được Facebook

Ngọc Lan

(TBKTSG) - Giới sử dụng mạng xã hội Facebook đang xôn xao về Nghị định 185/2013, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 quy định về xử phạt hành vi vi phạm thương mại điện tử (TMĐT), trong đó có việc thiết lập các trang web bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý.

Báo chí mấy ngày gần đây thi nhau giật tít, kiểu “Bán hàng “chui” qua Facebook sẽ bị phạt từ 40-60 triệu đồng”, “Bán hàng qua Facebook không đăng ký sẽ bị xử phạt”... kèm theo đó là viện dẫn nguyên văn điều này, điều kia từ Nghị định 52 về TMĐT và Nghị định 185 cùng lời giải thích rối rắm của một vài đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương). Điều này khiến cho cách hiểu về quy định mới ban hành ngày càng không đúng. Ví dụ như, việc giải thích rằng chỉ giới thiệu hàng hóa trên Facebook, sau đó việc mua bán tiến hành ngoại tuyến vẫn phải đăng ký, nếu không sẽ bị xử phạt do đây là một phần trong quy trình hoạt động TMĐT...

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, trong văn bản gửi cho báo chí thông báo về Nghị định 185 ghi rõ: kể từ ngày 1-1-2014, các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT dưới các hình thức trang web TMĐT bán hàng, trang web cung cấp dịch vụ TMĐT và các loại hình trang web khác do bộ này quy định nếu không đăng ký, thông báo sẽ bị xử phạt. Mức phạt hành chính cao nhất đối với cá nhân từ 10-50 triệu đồng. Với tổ chức, doanh nghiệp cao nhất lên đến 100 triệu đồng. Do vậy, để không bị xử phạt, chủ của các trang web bán hàng và chủ các trang web cung cấp dịch vụ cho hoạt động TMĐT phải đăng ký miễn phí (qua hình thức trực tuyến tại địa chỉ www.online.gov.vn).

Hành vi như thế nào thì bị xử phạt? Thiết lập trang web mà không thông báo với cơ quan quản lý (Bộ Công Thương); thiết lập trang web cung cấp dịch vụ TMĐT khi chưa được xác nhận đăng ký, giả mạo thông tin đăng ký trên trang web, lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh TMĐT để huy động vốn, để kinh doanh hàng giả, hàng nhái...

Tóm lại là việc xử phạt theo quy định mới hướng đến đối tượng là người thiết lập các trang web TMĐT để trực tiếp kinh doanh hoặc cho người khác kinh doanh trên đó như sàn giao dịch TMĐT và Nghị định 52 cũng quy định rõ thế nào là trang web TMĐT. Do vậy những người dùng Facebook như một công cụ tiếp thị, dù có phần phục vụ kinh doanh đi chăng nữa cũng không phải là đối tượng của nghị định này.

Trả lời báo giới tối 13-1, bà Lê Thị Hà, đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, chính thức xác nhận: “Mức phạt chỉ áp dụng cho chủ sở hữu trang web TMĐT và chỉ xử phạt nếu họ không đăng ký với Bộ Công Thương”. Bà cũng nói rõ hơn là những người dùng Facebook để bán hàng không phải đăng ký và không bị phạt. Bởi họ chịu các quy định quản lý khác của Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... như các hình thức kinh doanh thông thường khác.

Như vậy là đã rõ. Vấn đề là Facebook có được hiểu là trang web TMĐT không, có xử phạt được Facebook theo các nghị định không vì Facebook là trang mạng xã hội nước ngoài không có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam? Bà Hà khẳng định, Facebook có tên miền “.vn”, mọi click của người dùng vào địa chỉ: www.facebook.com.vn hoặc www.facebook.vn” đều dẫn đến www.facebook.com, do vậy Facebook thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 52, tức là phải đăng ký như một trang web TMĐT với Bộ Công Thương.

Vậy Facebook đã làm theo yêu cầu này hay chưa? Ông Nguyễn Ngọc Tước, đại diện của Facebook tại Việt Nam, nói với TBKTSG rằng ông sẽ xem kỹ vấn đề này và sớm có câu trả lời.

Vấn đề đặt ra Nghị định 185/2013 cũng như nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành hàng năm nhằm tạo môi trường quản lý, kinh doanh thuận lợi hơn và minh bạch hơn, nhưng thực tế từ ngữ rối rắm hoặc câu chữ không được giải thích rõ ràng đã dẫn đến những sự thắc mắc và tất yếu là sẽ gây tranh cãi trong thực tế, nên không dễ áp dụng. Ví dụ như Bộ Công Thương coi Facebook là trang web TMĐT nhưng cả thế giới nhìn nhận Facebook là mạng xã hội.

Kể cả trường hợp Facebook có đăng ký với bộ đi nữa thì chắc chắn việc xử phạt chủ trang web (buộc cải chính thông tin, phạt tiền và thu hồi tên miền “.vn”) trong trường hợp những người kinh doanh trên đó vi phạm quy định về hàng giả, hàng nhái là rất khó khả thi. Bởi vì với số lượng hàng triệu người dùng và dùng đăng ký ảo rất lớn, phải tự chịu trách nhiệm về mục đích sử dụng của mình thì việc thu hồi tên miền của chủ sở hữu trang web là không dễ. Trường hợp có thu hồi tên miền “.vn” đi chăng nữa, sẽ không quá quan trọng đối với một mạng xã hội lớn như Facebook, nơi người ta chỉ cần click vào cái đuôi “facebook.com” là dễ dàng sử dụng.

Vì vậy, đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin xác nhận rằng, cuối năm 2014, sẽ lại ban hành riêng một nghị định quy định trách nhiệm người bán hàng trên mạng xã hội, chứ vẫn chưa dừng ở Nghị định 52 và 185.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét