Ngày 6 tháng 8, 2013
Trong bản tuyên bố chung giữa Tổng Thống Obama và Ông Trương Tấn Sang có một điểm ít ai nhắc đến nhưng rất đáng chú ý: Việt Nam sẵn sàng ký Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Chống Tra Tấn (UN Convention Against Torture, gọi tắt là CAT) vào cuối năm nay. Đây là một dấu hiệu tốt, nếu Việt Nam thi hành điều họ cam kết. Nó là một mục tiêu quốc tế vận mà BPSOS đề ra từ năm 2010. Nếu đẩy lùi rồi chấm dứt được nạn tra tấn và bạo hành của công an, thì đó sẽ là một đóng góp đáng kể cho việc bảo vệ các nhà tranh đấu và cho dân ở trong nước.
Tháng 4 năm 2010 BPSOS thiết lập hoạt động thường trực ở Thái Lan để lo hồ sơ tị nạn của ngày càng đông đồng bào chạy sang từ Việt Nam. Qua các hồ sơ xin tị nạn, chúng tôi nhận thấy sự gia tăng sử dụng các hình thức tra tấn và bạo hành bởi công an trong các trại giam, trong các nhà tù và ngay cả ngoài đường phố.
Tại buổi họp với Ngoại Trưởng Hillary Clinton cuối năm 2010, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ ý định sẽ ký CAT và đề nghị Hoa Kỳ trợ giúp Việt Nam để chuẩn bị cho điều này.
Nếu thực tâm chống tra tấn thì đâu có khó gì để phải chuẩn bị và cần trợ giúp. Ông Dũng chỉ cần ban hành một quyết định của thủ tướng ngăn cấm mọi hình thức tra tấn và bạo hành bởi nhân viên chính quyền hay thành viên của tổ chức đảng, ấn định hình phạt thật nặng cho những ai vi phạm, thành lập cơ cấu độc lập để tiếp nhận các đơn khiếu tố của nạn nhân hay nhân chứng, và có biện pháp để bảo vệ họ trước sự trả thù của những thủ phạm có quyền thế. Như thế là đủ và Việt Nam có thể ký kết ngay CAT.
Cũng vào cuối năm 2010 BPSOS bắt đầu cuộc quốc tế vận để đòi hỏi chính quyền Việt Nam ngưng các hình thức tra tấn và bạo hành đối với tù nhân và thường dân. Năm 2011 chúng tôi viết bản báo cáo gởi riêng cho Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc nhằm hỗ trợ cho các hồ sơ xin tị nạn. Trong các buổi họp với Bộ Ngoại Giao kể từ năm 2011, chúng tôi chia sẻ thông tin về tra tấn với họ để chuẩn bị cho cuộc đối thoại nhân quyền với Hà Nội vào cuối năm.
Đầu năm 2012, BPSOS và Hiệp Hội Quốc Tế Cho Nhân Quyền (ở Đức) quyết định chung sức để tố giác và vận động chấm dứt tình trạng tra tấn ở Việt Nam. Tại buổi điều trần ngày 24 tháng 1, 2012 tại Quốc Hội Hoa Kỳ, chúng tôi đặt vấn đề tra tấn thành một chủ điểm mà Hoa Kỳ cần áp lực Việt Nam trong lãnh vực nhân quyền. Từ đó, vấn đề tra tấn đã được thường xuyên nêu lên bởi các vị dân biểu quan tâm đến tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Đầu năm 2013, BPSOS nộp bản phúc trình tóm tắt về tra tấn cho Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc để chuẩn bị cho cuộc kiểm tra định kỳ về nhân quyền đối với Việt Nam, sẽ diễn ra vào tháng 1 hoặc 2 năm 2014. Ngày 31 tháng 7, BPSOS đã nộp một số hồ sơ về tra tấn nhắm vào phụ nữ cho Uỷ Hội Về Tình Trạng Nữ Giới, một bộ phận của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ. Uỷ hội này sẽ thực hiện cuộc kiểm tra toàn cầu vào tháng 3 năm 2014.
Bên cạnh đó là các báo cáo cho Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ trong các trường hợp cụ thể vừa diễn ra như trường hợp của Ts. Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu Cày, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Xuân Nghĩa... và mới đây là ở Xuyên Mộc. Các tù nhân lương tâm đã tuyệt thực để phản đối các hình thức tra tấn như biệt giam, cùm chân, đánh đập, từ chối dịch vụ y tế…
Việt Nam muốn ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ vào cuối năm nay. Đây là thời điểm thuận lợi nhất để nêu vấn đề tra tấn và thúc đẩy Việt Nam thực hiện điều họ đã hứa hẹn: ký Công Ước LHQ Về Tra Tấn. Bản phúc trình chi tiết về tra tấn sẽ được BPSOS nộp cho Hội Đồng Nhân Quyền LHQ trong thời gian tới đây.
Tra tấn và bạo hành là vũ khí đàn áp vô cùng thô bạo và nguy hại đến cả thể xác, tinh thần và tính mạng của các nhà tranh đấu. Loại trừ vũ khí này ra khỏi bàn tay của chế độ độc tài là giảm đi một mối nguy hại cho đội ngũ tiên phong của nền dân chủ tương lai.