(TBKTSG Online) - Theo Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM (Hascon), với thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay, việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành tiềm ẩn nhiều rủi ro và không khả thi bằng giải pháp nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa.
Hôm nay, 21-3-2015, Hascon đã tổ chức hội thảo khoa học “Xây mới sân bay Long Thành hay nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất” tại Văn phòng Quốc hội phía Nam. Tại đây, các nhà khoa học thuộc Hascon đã chỉ ra hàng loạt “điểm yếu” của dự án sân bay Long Thành.
TS. Nguyễn Thiện Tống, Chủ tịch Chi hội khoa học công nghệ hàng không (thuộc Hascon) cho rằng dự án sân bay Long Thành được tính toán sơ sài “không bằng một luận văn tốt nghiệp”.
“Quyết định về diện tích, sản lượng, địa điểm sân bay được hỗ trợ bằng những phân tích minh họa chứ không phải nghiên cứu tiền khả thi dựa vào đánh giá thị trường, đánh giá tính khả thi về tài chính…”, ông Tống nói.
Theo ông Tống, số liệu được sử dụng trong dự án sân bay Long Thành không rõ ràng, không đáng tin cậy. Ông đơn cử như số liệu thống kê về số hành khách ở sân bay Tân Sơn Nhất của Bộ Giao thông vận tải công bố cao rất nhiều lần so với số liệu của Cục thống kê TPHCM.
Về vốn đầu tư, ông Tống cho rằng giải trình của chủ đầu tư – Tổng công ty cảng hành không (ACV) – có sự mâu thuẫn. Theo ACV, vốn vay ODA (chiếm 50% giai đoạn 1 dự án) do ACV vay lại của Chính phủ và tự hoàn trả. Ông Tống đặt cau hỏi: “Làm sao ACV có khả năng hoàn trả trong khi những hạng mục đầu tư là phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn?”
Về kỳ vọng sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay trung chuyển lớn của khu vực, ông Tống cũng cho rằng đó “là ảo tưởng, là viển vông”. Theo ông, để thành sân bay trung chuyển thì Long Thành không thể đủ sức cạnh tranh với Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan), Chek Lap Kok (Hồng Kông), Kualua Lumpur (Malaysia)… chí ít là ở chất lượng dịch vụ.
Theo TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hascon, với điều kiện kinh tế của đất nước như hiện nay thì nên nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất và Biên Hòa sẽ khả thi và an toàn hơn là đầu tư sân bay Long Thành (tốn kém và nhiều rủi ro). Ông Phúc cho rằng, để nâng cấp hai sân bay nói trên không tốn kém như Bộ Giao thông vận tải nói.
“Bộ Giao thông vận tải nói để mở rộng Tân Sơn Nhất phải giải tỏa 500.000 dân nhưng cả quận Tân Bình chỉ có 430.000 dân, vậy con số 500.000 dân có chính xác và trung thực?” ông Phúc nói.
Tại hội thảo này, các nhà khoa học thuộc Hascon đã cố gắng chứng minh khả năng có thể mở rộng, nâng cấp của sân bay Tân Sơn Nhất và Biên Hòa. Tuy nhiên, hiệu quả và cái lợi của việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất và Biên Hòa so với đầu tư mới sân bay Long Thành cụ thể như thế nào thì các nhà khoa học thuộc Hascon cũng chỉ là đưa ra những phỏng đoán, thiếu số liệu chứng minh thuyết phục.
TS. Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng khoa học Hascon cho rằng, để tính toán hiệu quả của dự án sân bay Long Thành cũng như dự án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất và Biên Hòa phải tập trung vào việc định ra giá trị và vị thế chiến lược mà các sân bay đạt được trong tương lai. Điều này đòi hỏi một sự phân tích công phu và sắc sảo về tất cả khía cạnh thể hiện trong việc phân tích dự án.
Và, cũng theo ông Thơ, dù tính toán, phân tích bằng phương pháp nào thì vấn đề đạo đức vẫn là điều mang tính quyết định khi diễn dịch các số liệu và kết quả. Vì vậy, ông Thơ cho rằng, nên chăng cần thông qua một ủy ban đạo đức để đánh giá tính chính xác của các số liệu trước khi các đại biểu quốc hội bấm nút thông qua dự án đầu tư sân bay Long Thành.
Dự kiến, dự án sân bay Long Thành sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 5-2015 tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét