TVNN - "Sự giảm công suất gây lãng phí lớn trong năng lực sản xuất của xã hội và không khuyến khích, thậm chí cản trở đầu tư mới của doanh nghiệp. Đầu tư ít thì cầu lại không thể tăng nhiều" - Bà Phạm Chi Lan chia sẻ.
LTS: Nhân chuẩn bị kết thúc năm 2013, năm được coi là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015, Tuần Việt Nam có bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về những đánh giá của bà.
Nông dân không có động lực làm nông
Xin bà cho biết những nét nổi bật của kinh tế Việt Nam trong năm 2013.
Tôi nghĩ rằng về cơ bản kinh tế Việt Nam trong năm 2013 vẫn tiếp tục gánh chịu những khó khăn của mấy năm trước dồn lại, và dù có cố gắng khắc phục cũng chưa tạo được những cải thiện rõ rệt. Một số chỉ số kinh tế vĩ mô được chính phủ đưa ra cho thấy có nhích hơn năm ngoái như tăng GDP, giảm lạm phát, tăng xuất khẩu, thu hút FDI..., nhưng bên cạnh các chỉ số được cải thiện thì cũng có những mặt tiếp tục xấu đi.
Trong những điều đáng lo ngại, theo tôi, đầu tiên là nông nghiệp và nông dân.
Trong năm nay có một số báo cáo được đưa ra về phát triển nông nghiệp và cuộc sống của nông dân, nói chung đều cho thấy nông nghiệp rất khó khăn, thu nhập thực tế của đông đảo nông dân trong mấy năm qua bị giảm xuống theo đà lạm phát, và mức tăng giá các loại chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Giảm mạnh nhất là thu nhập từ nông nghiệp của số lớn hộ nông dân, bây giờ chỉ chiếm chưa tới 30% tổng thu nhập của họ.
Điều đó nói lên cái kẹt của nông nghiệp và cuộc sống của nông dân. Và điều đó có thể khiến người nông dân không có động lực để tiếp tục làm nông nghiệp nữa.
Tình trạng này cũng giải thích vì sao năm nay rộ lên câu chuyện nông dân bỏ ruộng. Việc bỏ ruộng diễn ra ở rất nhiều nơi, kể cả những nơi vốn dĩ thiếu ruộng như miền Trung, hay Thái Bình và các tỉnh ở khác đồng bằng Bắc Bộ.
Điều đó có những nguy cơ gì về lâu dài trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo hay không?
Đối với sản xuất lúa gạo của cả nước, kể cả xuất khẩu, thì trước mắt điều này chưa đáng lo lắm, bởi chỉ riêng đồng bằng sông Cửu Long đã đủ nuôi cả nước và xuất khẩu, và khi nào đồng bằng sông Cửu Long còn trồng được lúa thì chúng ta còn yên tâm.
Tất nhiên về trung hạn và lâu dài thì vẫn phải lo nguy cơ đồng bằng sông Cửu Long cũng không còn trồng lúa được nữa vì bị nhiễm mặn do sự khai thác quá mức nguồn nước ở đầu nguồn con sông và nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Nhưng hiện tượng nông dân bỏ ruộng phản ánh một thực tế là nông nghiệp ở nhiều vùng năng suất quá thấp, chi phí quá cao, lợi ích mang lại cho người nông dân quá hạn hẹp và do vậy không có khả năng cạnh tranh để tồn tại và động lực để phát triển.
Mức tăng trưởng nông nghiệp của cả nước trong mấy năm vừa rồi đã giảm chỉ còn 2,6-2,7% từ mức tăng 3-4% trong nhiều năm trước. Có rất nhiều lý do cho tình hình này, từ mức đầu tư quá thấp cho nông nghiệp, đến vấn đề đất đai, tổ chức sản xuất nông nghiệp, cơ cấu sản phẩm, công nghệ sản xuất, thương mại nông sản..., bên cạnh những tác động tiêu cực của thiên tai và việc mất đất nông nghiệp cho công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Nói chung, nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, về thị trường và chính sách cho nông nghiệp đã mất dần tác dụng của nó và đứng trước thách thức phải thay đổi để tạo nên hệ thống mới kích thích phát triển nông nghiệp một cách lâu dài, bền vững hơn. Và điều quan trọng nhất để phát triển nông nghiệp, theo tôi, là phải đảm bảo cho người nông dân sống được và sống ngày càng khá giả lên bằng nông nghiệp, chứ mục tiêu của nông nghiệp đối với nông dân không thể chỉ là xóa đói giảm nghèo.
Còn đối với nền kinh tế thì hậu quả là nếu nông nghiệp suy giảm, nền kinh tế sẽ mất một nền tảng quan trọng. Nông nghiệp vừa là an ninh lương thực cho đất nước 90 triệu dân, vừa là nguồn hàng xuất khẩu lớn mang lại 27-28 tỉ đô la mỗi năm cho Việt Nam, vừa là nơi cung cấp lao động và sản phẩm cho các ngành công nghiệp, dịch vụ.
Nông nghiệp còn là bệ đỡ cho nền kinh tế nước ta mỗi khi có khủng hoảng, như thời kỳ khủng hoảng tài chính ở châu Á cuối thập kỷ 1990, hoặc những năm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09 vừa qua. Những lúc đó, nông nghiệp vừa giúp an ninh lương thực, tăng trưởng xuất khẩu, vừa giúp nền kinh tế đỡ gánh nặng về thất nghiệp khi những người xuất thân từ nông thôn đi làm việc trong công nghiệp, dịch vụ có thể quay về với nông thôn, nông nghiệp để nương tựa lúc khó khăn.
Ai sẽ trả nợ cho Vinashin?
Tức là mọi chuyện bây giờ phụ thuộc vào sự phát triển của công nghiệp - dịch vụ, bởi lối quay về nông nghiệp là không còn nữa?
May là điều này chỉ đúng với những người đang bỏ hẳn ruộng đồng. Tôi hy vọng chương trình tái cơ cấu nông nghiệp được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, trên tinh thần thực sự "giác ngộ" về trách nhiệm đối với nông dân, lấy lợi ích của nông dân làm trọng tâm, coi nông dân là chủ thể, sẽ giúp khắc phục những vấn đề của nông nghiệp và lấy lại vị thế xứng đáng của nông dân, nông nghiệp trong phát triển kinh tế-xã hội của nước nhà. Cần nhớ dù nông nghiệp chỉ còn là 20% GDP, nhưng vẫn là hơn 25% kim ngạch xuất khẩu, và nhất là thu hút 50% lực lượng lao động và gắn với số phận của khoảng 65% dân số cả nước sống ở nông thôn.
Công nghiệp - dịch vụ thì rõ ràng là quan trọng rồi, vì các ngành này mà không phát triển, hay thụt lùi, thì sẽ gây ra những vấn đề kinh tế - xã hội vô cùng lớn. Và đấy là mối lo thứ hai của tôi, từ góc độ nhìn vào những "nhân vật" chính đang hoạt động trong hai lĩnh vực đó.
Cục Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đã công bố có 54.932 doanh nghiệp ngưng hoạt động trong 11 tháng đầu năm nay, tăng so với hơn 54.200 doanh nghiệp đóng cửa năm trước. Biểu đồ doanh nghiệp ngưng họa động tiếp tục đi lên từ 40 ngàn năm 2010 đến 53 ngàn năm 2011, 54 ngàn năm 2012 và 55 ngàn năm 2013.
Biểu đồ đi lên nói lên điều gì? Tất cả những khó khăn của doanh nghiệp kéo dài đến nay vẫn chưa được giải quyết về cơ bản. Thêm một cái đau nữa là càng về sau thì chúng ta càng mất đi những doanh nghiệp khá hơn, vì có những đơn vị đã có thể trụ được suốt từ khi kinh tế suy giảm năm 2008 tới giờ nhưng vẫn không thoát nổi trận đào thải doanh nghiệp dữ dội lần này.
Với số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động như vậy, số lượng người mất việc làm là bao nhiêu?
Tôi không biết, vì các cơ quan không công bố. Tôi nghĩ Cục Đăng ký Kinh doanh có số liệu đăng ký về việc làm cũng như các thông số cơ bản của tất cả các doanh nghiệp. Lẽ ra mỗi khi tổng hợp về số doanh nghiệp ngưng hoạt động, họ phải đưa ra cả những thông tin liên quan như các doanh nghiệp đó thuộc những ngành nào, qui mô nhỏ, vừa, hay lớn, thuộc thành phần kinh tế nào, vốn đầu tư bao nhiêu, số người mất việc làm là bao nhiêu, lý do chính đẩy doanh nghiệp tới quyết định đóng cửa là gì...
Nếu có được những thông tin như vậy, các nhà làm chính sách mới biết được bức tranh thực của doanh nghiệp, biết ngành nào, khu vực nào khó khăn nhất, tác động đối với lực lượng lao động, với các ngành kinh tế và điều kiện vĩ mô ra sao, để có những chính sách cụ thể phù hợp. Nhưng rất tiếc là không có những thông tin, số liệu đó, còn tại sao thì tôi không hiểu.
Tuy nhiên, thông thường về lao động chúng ta có thể dựa vào con số đã có từ trước, là bình quân mỗi doanh nghiệp sử dụng 20 lao động để nhân với 55 ngàn doanh nghiệp đóng cửa là biết. Còn con số do các cơ quan lao động đưa ra là mỗi năm tạo thêm được cả triệu việc làm, thì tôi không biết từ nguồn tuyển dụng nào. Chính một số đại biểu quốc hội đã chất vấn điều này, và họ nói rằng họ không tin vào những con số đó, vì nó không có cơ sở.
Cục Quản lý Kinh doanh cũng công bố số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới trong 11 tháng đầu năm nay là hơn 60 ngàn. Nhưng thực sự đâu phải tất cả các doanh nghiệp này đã hoạt động, vì vậy trong số lao động họ tuyên bố tuyển dụng vẫn không ít người thực tế chưa có việc làm. Mọi chuyện phải chờ đến khi họ vận hành thực sự, hoặc chạy đủ công suất thì các con số mới có ý nghĩa thực.
Tình hình nông nghiệp và doanh nghiệp như vậy đã tác động trực tiếp tới đời sống của người dân và sức mua của thị trường trong nước. Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương, nhưng còn bao người mất việc làm cùng hàng chục triệu người trong khu vực nông nghiệp và doanh nghiệp phi chính qui không thuộc diện làm công ăn lương, nên giá cả tăng hoặc đứng ở mức cao vẫn đánh nặng vào thu nhập của họ. Vì vậy việc tiêu thụ hàng hóa trên thị trường trong nước nhìn chung vẫn tiếp tục khó khăn.
Thế tại sao chính phủ báo cáo là tồn kho giảm xuống?
Có một lý do rất lớn khiến tồn kho giảm là số lớn doanh nghiệp còn hoạt động cho biết họ giảm công suất rất đáng kể. Sự giảm công suất gây lãng phí lớn trong năng lực sản xuất của xã hội và không khuyến khích, thậm chí cản trở đầu tư mới của doanh nghiệp. Đầu tư ít thì cầu lại không thể tăng nhiều.
Ngân hàng Thế giới trong báo cáo mới công bố cũng nhận xét rằng Việt Nam trước nay tăng trưởng dựa rất nhiều vào cầu nội địa, nhưng chưa bao giờ cầu nội địa lại tăng thấp như năm nay, ở mức chỉ khoảng 6,5% so với mười mấy phần trăm trước đây. Họ lo ngại cho sự phục hồi của chúng ta về điều đó.
Thế bức tranh kinh tế năm nay toàn sự ảm đạm thôi sao?
Nói chung, năm nay bức tranh kinh tế vẫn còn ảm đạm. Tuy rằng, ngoài GDP, lạm phát, xuất khẩu, FDI..., cũng có những con số khác được báo cáo là tốt hơn, như nợ xấu ngân hàng giảm xuống, hoặc nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 1,3 triệu tỷ đồng, thấp hơn con số 1,7 triệu tỷ đồng của năm ngoái.
Tuy nhiên rất tiếc rằng không có sự giải thích hợp lý về các con số giảm nợ đó, nên vẫn gây nghi ngại. Chẳng hạn giảm nợ xấu của ngân hàng có giảm thật không, bởi vì chỉ khi người vay nợ trả bớt nợ thì mới coi là giảm nợ, chứ chuyển nợ từ tài khoản này sang tài khoản khác thì cũng không có ý nghĩa gì. Hoặc là bán nợ cho Công ty VAMC cũng là cách để chuyển nợ từ chỗ này sang chỗ kia thôi, bản thân khoản nợ đó vẫn chưa mất đi được. Việc giảm nợ xấu nếu không được thông báo đầy đủ có thế gây tâm lý chủ quan và tiếp tục tăng đầu tư một cách thiếu cẩn trọng.
Về nợ của DNNN tôi cũng chưa thấy các giải pháp đủ mạnh để giải quyết thực sự. Ví dụ, Vinashin giải thể và thành lập SBIC, thì khoản nợ to tướng của Vinashin ai trả?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét