(NCTG) “Hành động của các cô bảo mẫu là đáng lên án. Nhưng sâu xa hơn, cốt lõi vấn đề là phải thay đổi quan điểm và thói quen giáo dục đã ăn sâu, ngấm kỹ”.
Mấy ngày nay, nhìn đâu cũng thấy chuyện về hai cô bảo mẫu. Tôi không đủ thời gian và kiên nhẫn để có thể đọc hết các bình luận dưới mỗi bài báo, hay các đường link trên Facebook. Người ta chửi rủa các cô ấy không thương tiếc: nào là “chó chứ không phải người”, “lũ mặt người dạ quỷ”... rồi đòi “ăn gan”, “cắt tiết”, “xẻ thịt”... Các nhà báo hăm hở tác nghiệp, chụp ảnh, đưa tin tới tấp (nào là các bảo mẫu khai gì, gia đình các bảo mẫu xấu hổ thế nào..., rồi Facebook của họ cũng bị lôi ra soi mói, chửi rủa).
Sự căm phẫn ấy cũng là điều dễ hiểu vì hai bảo mẫu đã có những hành động vô cùng phản sư phạm với lũ trẻ còn quá non nớt, ngây thơ. Nhưng nói thật, khi xem ảnh và clip này, tôi không ngạc nhiên. Vì sao ư?
Năm tôi bốn tuổi, nhà tôi chuyển từ ngoại thành vào thành phố. Tôi đi học ở một trường mẫu giáo gần nhà. Với tôi, đó cũng là quãng thời gian không lấy gì làm tốt đẹp. Các cô giáo luôn xỉa xói vẻ bề ngoài của tôi: “Người đâu mà đen đủi, xấu xí thế không biết”. Những bạn có bố đi tàu vốt-cô, có váy đẹp luôn được các cô yêu quý, chọn làm quản ca, lớp trưởng hay giao cho nhiệm vụ... mách lẻo. Các cô luôn hù dọa trói tay, nhốt xuống hầm. Chả là trong trường có một cái boong ke cũ từ thời chiến tranh, bên ngoài phủ đầy cây. Đối với những đứa trẻ như tôi, cái boong ke ấy là một nỗi sợ kinh hoàng. Đã có lần, chỉ vì tôi bê đổ bát cơm mà cô giáo đã nhốt tôi vào một phòng tối, chuyên để đồ, nói là để “cho chuột chạy qua chân cho chừa”.
Các cô giáo đối với tôi không khác gì... “yêu tinh”. Đến giờ, thi thoảng mẹ tôi vẫn kể lại sự đau khổ của bà mỗi sáng khi phải “đánh vật” để đưa tôi tới trường. Nhà tôi ở trên tầng ba một khu nhà tập thể. Mỗi khi mẹ vác được cái xe đạp xuống đường thì tôi chạy vọt lên trên gác. Vì mới chuyển tới, chưa quen ai để nhờ trông xe hộ, mẹ lại te tái vác xe lên gác để bắt tôi xuống. Cứ mẹ lên thì con chạy xuống, mẹ xuống con lại chạy lên. Có lần khi đã “bắt” được con ngồi yên vị trên xe rồi thì đi được một đoạn, tôi nhảy từ trên xe xuống đường, suýt bị xe đằng sau đâm phải khiến mẹ chỉ còn biết ôm mặt khóc.
Tôi chưa đủ nhạy cảm để hiểu được nỗi khổ của mẹ, rằng mẹ phải đi làm kiếm tiền, nếu đi làm muộn mẹ còn bị trừ lương, bị kiểm điểm. Tôi chỉ biết khóc lóc, không hiểu vì sao mẹ lại muốn đẩy con tới chỗ những cô giáo ác như quỷ đó. Khi tôi kể chuyện ở trường cho mẹ, mẹ chỉ im lặng. Một hôm, mẹ nói sẽ đến gặp cô giáo. Mẹ đã chuẩn bị đủ tiền để mua cho hai cô giáo mỗi cô một gói mì chính và một cái nón. Từ lúc có gói mì chính và cái nón, mặc dù các cô cũng chẳng xởi lởi như các bạn nhà giàu khác (chắc họ biếu quà “xịn” hơn), nhưng các cô cũng không dọa nạt tôi như trước nữa. Có lẽ nhờ gói mì chính và cái nón mà một phần nào tuổi thơ của tôi không còn bị ám ảnh bởi cái trường mầm non kinh hoàng đó nữa.
Đó là lý do tại sao tôi không ngạc nhiên khi xem những hình ảnh về hai cô bảo mẫu. Điều tôi ngạc nhiên là cái thời tôi đi mẫu giáo đã gần ba chục năm rồi, nghĩa là một phần ba thế kỷ đã trôi qua, thế mà những trò phản sư phạm ấy vẫn tiếp diễn. Hai cô bảo mẫu kia chỉ là một cái mắt xích bị phanh phui ra trong cái chuỗi đầy ung nhọt ấy mà thôi. Cho dù họ bị tử hình, hay bị xẻ thịt lột da như đám đông mong muốn, liệu giáo dục có được cải tạo. Còn hàng nghìn, hàng vạn các cô bảo mẫu khác ngược đãi trẻ chưa bị phát hiện.
Người ta bàn nhiều đến việc lắp camera. Theo tôi, điều này không cần thiết vì đó chỉ là phương pháp đối phó và phần nào giả dối. Bố mẹ lo lắng cho con mình và suốt ngày chỉ lên mạng nhìn camera xem con mình làm gìm thì làm sao mà làm việc được nữa. Cô giáo chỉ vì “sợ” chiếc camera sẽ tố cáo mình mà ngon ngọt với học sinh, nhưng có thể đánh đập các bé ở những chỗ mà các cô biết thừa là camera chẳng có. Nhiều khi những gì diễn ra trước camera thật giả tạo và khiên cưỡng.
Có người lại nói đến việc học đạo đức trong trường sư phạm. Liệu đạo đức con người dễ dàng có được chỉ qua vài trang giấy?
Nói đến nghề “nuôi dạy trẻ”, người ta thường hay nói đùa là “nuôi dạy hổ”. Điều đó đủ để thấy nghề này không hề dễ dàng gì, và cũng như ngầm ám chỉ rằng làm nghề này “phải ang ác” một tí mới được. Các bé đang trong thời kỳ “khủng hoảng tuổi lên ba” nên rất bướng bỉnh, không “thiết quân luật” thì sao dạy được. Có nhiều phụ huynh ở nhà không dạy được con nhưng đến trường cô giáo nói thì nghe răm rắp. Dạy trẻ bằng dọa dẫm, đòn roi là giải pháp của nhiều bậc cha mẹ và giáo viên. Đến ông bà, nhẹ nhàng hơn, nhưng khi không nói được cháu thì dọa “không ăn đi ông ba bị bắt bây giờ”, “hư là chú công an bắt đấy”, “nhìn thấy cái chú có râu kia chưa? chú ấy mắng bây giờ”...Hay có lần tôi còn được yêu cầu: “Cô ơi, cô quát to lên cho cháu ăn giúp chị với”. Thế nên chuyện cô bảo mẫu nhấc đứa bé, nhúng đầu vào phi nước, tát vào mặt, bóp cổ... hẳn cũng nằm trong cái tư duy giáo dục “dọa cho sợ” mà thôi.
Theo tôi, cách giáo dục đúng là “thuyết phục để hợp tác”. Tất nhiên, để làm được điều đó phải mất nhiều nỗ lực hơn đe nẹt, dọa dẫm. Bạn có thể nói rằng các cô phải trông nhiều cháu thế, làm sao mà có thời gian để “thuyết phục” các cháu hợp tác được. Nhưng đó mới là cái các trường sư phạm cần dạy thay vì mớ lý thuyết về đạo đức sáo rỗng.
Một quan niệm rất sai lầm nữa là vấn đề ăn uống. Người ta vẫn còn quan niệm trẻ con phải bụ bẫm. Lên các diễn đàn làm cha mẹ, có thể thấy hàng loạt cha mẹ bị áp lực với vấn đề cho con ăn uống. Họ chọn các sữa, các sản phẩm nhập ngoại với giá cắt cổ, học các mẹ kiểu Nhật, kiểu Pháp, kiểu Đức... để con có các “tỷ lệ vàng”. Nuôi con tăng cân, chóng lớn không khác những cuộc đua tăng trọng cho lợn. Các bà mẹ có con tăng cân nhanh thì tự hào trong khi những mẹ con chậm tăng cân thì rền rĩ, khổ sở, vật vã.
Nhiều mẹ tự nguyện chi thêm tiền cho các cô giáo vì “cháu nhà mình khảnh ăn lắm, phải nhờ cô quan tâm hơn, cô mới đút cho ăn, chứ cứ để tự ăn thì chả có gì vào bụng”. Những bữa ăn trở thành nỗi kinh hoàng cho các bé và cả sự ức chế, áp lực của người mẹ. Tôi từng tận mắt chính kiến có những bà mẹ bành mồm, bành miệng, quát tháo, dọa dẫm bắt con ăn mặc cho đứa trẻ giãy dụa trong nước mắt rồi sặc, chớ. Liệu sự “bạo hành về tinh thần” kia có đáng để đánh đổi thêm vài thìa cháo? Nếu quay clip lại, chắc chắn nhiều bà mẹ cũng sẽ giật mình vì mình chẳng khác hai cô bảo mẫu kia là bao.
Bữa ăn cho trẻ rất quan trọng nhưng không phải tất cả. Sự quan tâm, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái có ý nghĩa nhiều hơn thế. Nhiều cha mẹ kêu ca mình phải đi làm kiếm tiền, không có thời gian dành cho con. Ban ngày họ đổ dồn hết trách nhiệm cho nhà trường. Còn tối về các mẹ thì lao vào FB, tán gẫu với bạn bè hoặc xem bộ phim Hàn đẫm nước mắt trên TV... Các bố sau giờ làm còn mải rẽ quán bia nhậu với bạn bè, không quên nhắn tin “anh đang bận họp đột xuất”... Chỉ cần vứt cho con cái điện thoại di động, cái ipad cho nó ngồi yên chơi mệt nghỉ hay xem hoạt hình thoải mái. Thế nên ở trường có xảy ra chuyện gì, cha mẹ là những người biết sau cùng và chỉ biết bày tỏ sự căm phẫn, đòi “xẻo thịt lột da” cô giáo.
Hành động của các cô bảo mẫu là đáng lên án. Nhưng sâu xa hơn, cốt lõi vấn đề là phải thay đổi quan điểm và thói quen giáo dục đã ăn sâu, ngấm kỹ. Có lẽ trong lúc chờ đợi sự thay đổi ấy, nhiều người đành chọn cái cách giống “gói mì chính và cái nón” mẹ tôi đã làm thuở nào. Nếu họ còn không thể có nổi “gói mì chính và cái nón ấy” nữa thì đành phải chấp nhận thực tế mà thôi. Chỉ có những đứa trẻ đáng thương vô tội đang khóc lóc vật vã và cố gắng để làm “những đứa trẻ vâng lời” như người lớn mong muốn.
Hoài Vũ, từ Burgshwalbach (CHLB Ðức)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét