Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

‘Tự sướng’ với con số tăng trưởng ‘ảo’

Lục Dương

SMO - Sự chênh lệch quá lớn giữa GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) và GNI (Tổng thu nhập quốc dân) trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra rằng: Tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi các doanh nghiệp nội phần nhiều đã suy kiệt.


Trong khi kinh tế Việt Nam mải say sưa với con số GDP vẫn tăng trưởng qua các năm mà quên một điều cốt yếu rằng: GDP không loại bỏ số tiền mà người Việt Nam phải dành ra để trả nợ, và khoản lợi nhuận doanh nghiệp nước ngoài chuyển về nước họ. Trong khi đó, GNI - chỉ tính theo hoạt động sản xuất kinh doanh của công dân hay pháp nhân một nước, bất kể họ đang ở đâu - phản ánh chân thực hơn nền kinh tế Việt Nam thực sự đã làm được những gì - lại thường xuyên bị bỏ quên trong các báo cáo.

Theo số liệu của WB, trong khi GDP 2012 của Việt Nam đạt được 141,7 tỷ USD thì GNI lại chỉ đạt 134,2 tỷ USD. Điều đó cũng có nghĩa là chênh lệch giữa hai con số lên đến 7,5 tỷ USD - quá nhiều so với mức chênh 0,6 tỷ USD năm 2003. Nếu tính theo bình quân đầu người thì lại càng thấy rõ cách biệt khi năm 2003, GDP bình quân đầu người chỉ hơn GNI bình quân đầu người 12 USD, đến năm 2012, khoảng cách này đã tăng gấp 16 lần, lên đến 196 USD. Và dự báo sự chênh lệch này có thể còn mở rộng hơn nữa trong tương lai, khi Việt Nam phải trả nợ lãi nước ngoài ngày càng nhiều, doanh nghiệp nội bán một phần tài sản cho nước ngoài, hay doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước, hoặc đến một thiên đường thuế nào đó, khiến cho GDP không bị ảnh hưởng, tiếp tục tăng, song GNI có thể bị tụt giảm đáng kể. Trong khi đó, nợ nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn nhất trong nợ công - vốn là hệ quả của những khoản vay dài hạn và ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức GIZ công bố hôm 22/11, cứ mỗi quý, Việt Nam phải trả nợ nước ngoài 25.000 - 26.000 tỷ đồng. Tình hình sẽ càng bi đát tùy theo mức độ mất giá của tiền đồng. Từ đó khiến thu nhập của người dân Việt Nam cũng bị kéo xuống theo, dù trên danh nghĩa vẫn tăng, thoát khỏi nhóm nước nghèo nhất thế giới và đánh mất một khoản viện trợ không nhỏ vốn chỉ dành cho người nghèo.

Tương tự, xuất khẩu vẫn tăng trưởng hàng năm, song khoảng cách giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa vẫn còn quá xa. Trong tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10 tháng năm 2013, phần doanh nghiệp trong nước chiếm cũng chỉ vào khoảng 40%. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN - chỉ ra một sự thật rằng: Riêng xuất khẩu của các nhà máy Samsung đã chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, bằng với xuất khẩu tất cả các mặt hàng nông nghiệp cộng lại.

Việt Nam đang phấn đấu để trở thành một nước công nghiệp, và thời hạn cho mục tiêu đó đang ngày càng đến gần. Song, sau hơn 20 năm đổi mới, dù xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đạt 22,92 tỷ USD, Việt Nam thực chất cũng chỉ đóng vai trò của một nước gia công. 60% số tiền mà trên danh nghĩa FPT kiếm được lại về tay IBM hay Oracle. Thế nên, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM mới xếp FPT vào nhóm “bán buôn máy móc và thiết bị phụ tùng”!

Lĩnh vực dệt may cũng trong tình trạng tương tự, khi đến 70% vẫn là gia công thuần túy, và 70% nguyên phụ liệu là hàng nhập khẩu, phần lớn lại từ Trung Quốc. Trong khi đó, giá nguyên liệu, chi phí sản xuất như điện nước, xăng dầu đều tăng hơn 100% còn giá gia công chỉ tăng có 20-30% trong vòng 10 năm qua, nên thu nhập thực chất của ngành phải nói là giảm, chứ không tăng. Rồi một loạt các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, nông sản, cà phê… đều không khả quan gì hơn. Thế nên, mới có chuyện, dù kinh tế Việt Nam chạy với 4 động cơ tăng trưởng, song chỉ nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là mang về con số tăng trưởng khủng, còn kinh tế nhà nước, kinh tế dân doanh và khu vực nông nghiệp đều rơi vào trạng thái ảm đạm và đầy bi quan.

Không thể phủ nhận vai trò của các doanh nghiệp nước ngoài với bất kỳ một nền kinh tế nào. Đặc biệt với một quốc gia đang phát triển lại ở trong thế khá bế tắc, khi doanh nghiệp nội địa trở nên co cụm, một loạt chương trình hỗ trợ chưa tỏ ra hiệu quả… thì sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI vẫn mang đến sự lan tỏa tích cực nhất định. Chẳng hạn như góp phần phát triển cải tiến kỹ thuật, yêu cầu nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, gia tăng việc làm, thúc đẩy cạnh tranh, đóng góp một chút thuế phí cho ngân sách luôn chi nhiều hơn thu… Thế nhưng, về lâu dài, cái cần hướng tới vẫn là con số tăng trưởng và thu nhập thực chất cho người dân Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp FDI hiển nhiên không thể được coi là một thành phần thực sự trong quá trình được gọi là “công nghiệp hóa” của một quốc gia, mà chỉ có thể đóng vai trò chất xúc tác. Hơn nữa, quá lệ thuộc vào nước ngoài, thì một khi kinh tế thế giới chịu cú sốc bất lợi, như cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn xuất phát từ Mỹ năm 2007-2009 vừa qua, thì rất nhanh chóng, nhà đầu tư sẽ phải rút vốn về để bảo toàn lực lượng. Khi ấy, Việt Nam sẽ lại rơi vào cảnh giật gấu vá vai để tồn tại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét