(Soha.vn) - Sau vụ đẩy lương dân Nguyễn Thanh Chấn vào tù, 6 điều tra viên còn sống, đều được thăng chức và nắm những vị trí trọng yếu của một cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật.
Dư luận đã đặt những dấu hỏi to đùng, thậm chí phẫn nộ khi thấy các vị chức sắc “đồng thanh tương ứng” phủ nhận đánh đập, ép cung ông Chấn.
Tuy nhiên xét về nhiều mặt, thì việc phủ nhận của những 6 vị có thâm niên đối phó với tội phạm ấy, là thái độ cực kỳ… bình thường. Nếu không ép cung, nhục hình thì đương nhiên họ phải phủ nhận để bảo vệ mình. Còn nếu họ có tì vết, thì theo lẽ thông thường, họ cũng sẽ phủ nhận.
Trên thế giới có cả triệu đạo chích theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng nhiều chục năm mới có một tên cướp ở Mỹ tự nguyện trả lại tiền cho người bị anh ta cướp từ 12 năm trước.
Lịch sử cũng cho thấy, chỉ có những võ sĩ Samurai chính hiệu – biết xả thân, dám hy sinh - mới dám tuẫn tiết bằng cách tự mổ bụng, moi gan ruột mình. Họ bày trước trời xanh gan ruột ngay thẳng, trong sạch của mình lần cuối.
Những kẻ không có lòng tự trọng, chỉ thích “hy sinh vì…bản thân mình”, dĩ nhiên, chẳng ai dám tự xử như vậy cả. Ngoài việc không đủ dũng khí để moi gan ruột thì họ còn sợ thiên hạ thấy được trong đó quá nhiều “đồ ăn tạp” khác tích tụ.
Xét về “cái lý của nhà nước”, khi chưa có kết luận của cơ quan pháp luật đủ thẩm quyền, thì những “tội danh” ép cung, nhục hình mà ông Nguyễn Thanh Chấn tố cáo bằng…mồm, đều không đủ căn cứ.
Nhưng trong nhiều trường hợp thì “cái lý lòng dân” lại rất khác. Phiên tòa lương tâm đã được nhân dân mở ngay khi ông Chấn được trả tự do. Cho nên có rất nhiều vụ mà tòa án pháp lý bất lực nhưng tòa án lương tâm vẫn xử chung thân.
Một tên trộm bị tóm sống sau khi đột nhập nhà các quan chức và khoắng đầy túi kim cương, hột xoàn, vàng bạc, USD. Tên trộm bị tòa án xử tù, nhưng các “ông quan - nạn nhân vụ trộm” cũng trở thành kẻ trộm trong phiên tòa dư luận. Làm công ăn lương, phục vụ nhân dân thì lấy đâu ra tiền tỉ dư thừa để đạo chích ngứa nghề?!
Trong vụ án Lê Văn Luyện, theo luật, tòa án pháp lý không thể xử tử tên sát thủ chưa đủ 18 tuổi ấy, nhưng tòa án lương tâm đã xử tử hắn.
Trở lại vụ án oan 10 năm của ông Chấn, dù “tòa án dư luận” cũng đã đã có phán xét của riêng mình, nhưng không vì thế mà các cơ quan pháp lý được quên đi phần việc của mình.
Không thể trông vào những bản tự giải trình của 6 điều tra viên để khép lại 10 năm oan trái của một người vô tội, cũng như không thể trông vào sự nghi ngờ của dư luận để kết tội 6 nhà chức trách.
Ngay bây giờ, cơ quan thực thi pháp luật cần khởi tố vụ án ép cung, nhục hình để nhanh chóng tìm ra gương mặt thật của người gây oan trái.
Công lý không thể ngồi ì trông chờ sự thức tỉnh của lương tâm kẻ cướp.
Bùi Hải