Văn học nghệ thuật phải chịu trách nhiệm một phần trước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ.
GS Đình Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin có lần kể lại chuyện ông suýt “vỡ nồi cơm” khi dựng vở Bạch đàn liễu. Vở diễn kể “câu chuyện nhỏ” về một chủ tịch xã tên Quyền, muốn cậy quyền chiếm hai cây bạch đàn của một gia đình nông dân.
Phê phán nạn tham nhũng, cửa quyền của một cán bộ loại “khoeo chân”, cẩn thận đến mức “không dùng phương pháp tả thực mà sử dụng gián cách” với hậu trường thể hiện một trang báo lớn với những tin tức tích cực. Rồi “thủ pháp” bóng lão Quyền to dần, trùm lên bóng của đôi thanh niên. Rồi dùng cầu bập bênh để ám thị một ý niệm: sở dĩ có kẻ ngồi được trên cao là do có người cam tâm ngồi dưới thấp…
Ấy thế mà ngay sau khi công diễn, xuất hiện liền câu vè: Đình Quang tiến sĩ tài ba/ Dựng chuyện cây liễu chửi cha chính quyền.
Số phận của Bạch đàn liễu bấy giờ như một thân bạch đàn bầm dập trong bão phê phán, đùn đẩy, sửa chữa, duyệt lên duyệt xuống.
Đúng là “hài kịch”. Ngay cả khi tác giả đổi tên nhân vật từ “Quyền”, thành “Quyết”, thì không ngờ lại trùng tên một cán bộ cao cấp của… Bộ Công an.
Sáng tạo ở ta khổ thật. Đến nỗi GS Quang tự trào bằng cái câu chèo của Tào Mạt: “Đã làm Hề thì đừng làm Quan”.
Nhắc lại câu chuyện “Bạch đàn liễu” là vì hôm qua, GS Quang tái xuất hiện để thử trả lời câu hỏi vì sao Việt Nam “có rất ít tác phẩm đạt đỉnh cao tương xứng với sự nghiệp cách mạng và cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc”- câu hỏi đang được đặt ra trong một hội nghị toàn quốc về sáng tạo văn học do Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức.
Trong cái hội nghị đó, các văn nghệ sĩ hẳn phải dựng lông tóc khi nghe Chủ tịch Hội đồng, PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh lý giải “Một số văn nghệ sĩ vẫn còn tâm lý e dè, ngại bộc lộ chính kiến, còn thờ ơ, né tránh mặt trái của đời sống xã hội, những biểu hiện tiêu cực của bộ máy công quyền vì sợ bị “chụp mũ”, bị “định kiến”… nghệ sĩ chưa dám dấn thân, chưa hết mình cho đứa con tinh thần của mình nên sáng tác của họ không phản ánh được khát vọng nhân dân, không phải tấm gương phản chiếu hiện thực xã hội”.
Còn PGS-TS Đào Duy Quát thì lên án: “Văn học nghệ thuật phải chịu trách nhiệm một phần trước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân hiện nay”.
Đấy nhé, văn nghệ sĩ các vị kém, phải chịu trách nhiệm về sự suy thoái của “bộ phận không nhỏ” là vì các vị nhát, chưa viết đã sợ bị “chụp mũ”, “định kiến”. Là vì các vị không dám dấn thân. Là vì con các vị là con ghẻ. Là vì các vị cứ né bên này, đúng lề bên kia chứ nào có ai cấm đoán gì.
“Ở trên trời nhìn xuống đám đông” ư? Đó là dâm thư. Không chấp.
“Đại gia” ư? Nhạy cảm, cường điệu, nhận định chủ quan, không có lợi cho người đọc.
Cái mà chúng tôi cần là sự dấn thân. Dấn thân giữa cái tốt và cái tốt hơn, chứ không phải giữa cái xấu và cái xấu xa.
Thì chính GS Đình Quang hôm qua cũng xác nhận “tính xung đột của sân khấu” đã “khai tử” từ những năm 50 của thế kỷ trước, với “đao phủ” là thuyết vô xung đột ở Liên Xô cũ. Theo đó, “trong xã hội chủ nghĩa, mâu thuẫn giai cấp đối kháng đã được giải quyết, không có xung đột thật sự mà chỉ có mâu thuẫn giữa cái tốt và cái tốt hơn”.
Tiếc là GS Quang đã không đọc nốt vế sau cái câu của anh hề già đã nói với nhà vua “Đã làm Quan thì chớ làm hề”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét