Dân Trí - "Tăng trưởng và phát triển là cuộc đua maraton đường trường chứ không phải cuộc chạy đua nước rút. Chúng ta cần biến khát vọng thịnh vượng cho dân tộc bằng hành động cụ thể, phấn đấu trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á. Bây giờ chưa được, nhưng tại sao lại không và luôn phải tìm câu trả lời làm gì để đạt được điều ấy".
Phát biểu tại phiên đối thoại chính sách trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại Hà Nội hôm nay (11/1), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh sự kỳ vọng mỗi người dân Việt Nam cần thay đổi cách nghĩ, cách làm để biến ước mơ và khát vọng nền kinh tế Việt Nam thịnh vượng trở thành hiện thực.
Theo Thủ tướng: Năm 2017 là thành công của nền kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng 6,81%, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Châu Á và toàn cầu. Cải cách kinh tế được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể, cạnh tranh bình đẳng công bằng... củng cố lòng tin của nhà đầu tư và DN, tạo ra sinh khí mới cho nền kinh tế.
“Cần thẳng thắn thừa nhận kinh tế Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức trong trung và dài hạn, trong đó làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là yêu cầu quan trọng nhất thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ nói: Năm 2018, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành và địa phương phải phấn đấu cùng mục tiêu tăng trưởng trên mức Quốc hội giao, năng suất lao động xã hội cao hơn hẳn so với trước, các chỉ số môi trường được cải thiện, nền kinh tế có chuyển biến mạnh mẽ, sức sống, năng lực cạnh tranh nền kinh tế từng ngành, từng địa phương, từng DN; Mọi người dân Việt Nam nhất là người nghèo phải có cuộc sống tốt hơn, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nền Kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, điểm đến đầu tư hấp dẫn khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng: Chúng ta không được chủ quan và thỏa mãn, không được phép cho bộ máy phát triển dừng lại. Việt Nam cần kiên trì thay đổi mô hình mới dựa trên nền tảng năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm dần sự phụ thuộc tài nguyên, lao động giá rẻ. Chúng ta phải coi thành tựu năm 2017 là cơ sở tự tin hơn trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và tăng trưởng bền vững, tạo ra nền móng vững chãi hơn để kinh tế tăng trưởng cao và lâu dài.
"Cần biến khát vọng của dân tộc thịnh vượng thành hành động cụ thể, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, phấn đấu trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á. Bây giờ chưa được, nhưng tại sao lại không và luôn phải tìm câu trả lời làm gì để đạt được điều ấy", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng: Vấn đề quan trọng của kinh tế Việt Nam hiện nay là làm thế nào để Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững. Đây là 2 mục tiêu có thể mâu thuẫn nhau nhưng Hàn Quốc và Nhật Bản đã làm được. Chúng ta cần làm gì để đạt 2 mục tiêu có vẻ mâu thuẫn này.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng: Được biết, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên thực hiện các biện pháp để tăng trưởng, phát triển hài hòa 2 mục tiêu trên là: Năng lượng xanh và phát triển bền vững; Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh công nghệ hoá; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cải cách quản trị rủi ro trong tín dụng thương mại, đầu tư.
Tăng trưởng và phát triển là cuộc đua maraton đường trường chứ không phải cuộc chạy đua nước rút.
Với 1.500 đại biểu là các học giả kinh tế hàng đầu quốc tế và Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế vĩ mô 2018 là nơi đóng góp nhiều ý kiến, tham luận và sáng kiến cho Việt Nam về tăng trưởng, phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương sau Diễn đàn cần phải tập hợp các ý kiến, tham luận của các diễn giả để tập hợp báo cáo Bộ Chính trị, hoàn thiện Đề án tăng trưởng nhanh và bền vững để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thứ và Chính phủ để ban hành những quyết sách phát triển trong thời gian tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét