(TBKTSG) - Thông thường, cái gì nhìn thấy được thì gọi là hữu hình, còn cái gì không nhìn thấy được thì gọi là vô hình. Nói vậy là để loại trừ những người có thể nhìn thấy được cả cái vô hình. Họ có thể là đấng siêu nhân, cũng có khi chỉ là người bình thường nhưng có khả năng đặc biệt nào đó.
Triết gia Adam Smith có lý thuyết “bàn tay vô hình” luận giải sức mạnh của nền kinh tế thị trường. Những lãnh tụ của nhiều cuộc cách mạng dùng “sức mạnh vô hình” từ lực lượng quần chúng để đạt được mục tiêu. Vậy thì, cái hữu hình là cái có thể nhìn thấy, có thể đong, đo, đếm được, nhưng cái vô hình cũng có thể trở thành sức mạnh vật chất hữu hình, nghĩa là, cũng sẽ có thể đong, đo, đếm được.
Thương hiệu có những điều hữu hình và cả những điều vô hình, nhưng người ta vẫn lượng giá được. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp hàng đầu đều xem xây dựng thương hiệu mạnh là chiến lược sống còn. Nhưng chỉ “xây dựng thương hiệu” thì chưa đủ, phải luôn quan tâm đến “quản trị thương hiệu”, “giữ gìn thương hiệu”. Từ “thương hiệu doanh nghiệp”, người ta đúc rút ra những giá trị cốt lõi để xây dựng “thương hiệu quốc gia”, “thương hiệu địa phương”, từ đó, thu hút nhà đầu tư, khách du lịch, tạo ra niềm tin để doanh nghiệp và người dân sinh sống, học tập, sản xuất, kinh doanh. Vậy là, những điều vô hình thuộc về tinh thần đã có thể biến thành những giá trị hữu hình thuộc về vật chất.
Người ta hay nói đến “tinh thần Nhật Bản” đã làm cho “xứ sở mặt trời mọc” trở nên cường thịnh; “tinh thần Làng mới” đã làm cho Hàn Quốc; một đất nước nghèo khó nhất thế giới, trở thành quốc gia công nghiệp hàng đầu; “tinh thần Do Thái” đã đưa một xứ sở khô cằn trở thành một quốc gia khởi nghiệp luôn tươi mới. Với “tinh thần nhân dân”, lịch sử nhân loại đã chứng kiến nhiều cuộc cách mạng vĩ đại trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Với “tinh thần nông dân”, có quốc gia đã làm nên những cuộc cách mạng trong nông nghiệp và ngày nay là “Nông nghiệp 4.0”. Với “tinh thần doanh nhân”, nhiều quốc gia trở thành đất nước công nghiệp hiện đại, tạo ra những thương hiệu hàng đầu thế giới.
Mà đâu cần lòng vòng xứ này, xứ nọ, lịch sử dân tộc mình cũng đã minh chứng cho “sức mạnh tinh thần” là như thế nào. Từ “tinh thần nhân dân” đã làm nên “tinh thần Diên Hồng” tại hội nghị dân chủ đầu tiên của Việt Nam năm 1284, rồi “tinh thần Đồng Khởi” năm 1960, “tinh thần Điện Biên Phủ” năm 1954 chấn động địa cầu và kết thúc hành trình giải phóng dân tộc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Từ giá trị của những điều vô hình như vậy, trong bộn bề trên con đường phát triển, cần khơi gợi và xây dựng “tinh thần nhân dân”, “thương hiệu địa phương”. “Tinh thần nhân dân” tạo cho người dân ý chí tự lực, tự đứng trên đôi chân của mình, cùng tham gia quản trị cộng đồng, xem vận mệnh của mình gắn chặt với vận mệnh của quê hương. “Thương hiệu địa phương” là tổng hòa thương hiệu của các chủ thể trong xã hội. Nông dân biết làm nông tử tế, làm ra nông sản sạch, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Doanh nhân quan tâm xây dựng mối quan hệ hài hòa với người lao động, không làm những gì ảnh hưởng đến môi trường. Trí thức đóng góp cho xã hội bằng tài năng thật sự chứ không phải dựa vào học hàm, học vị. Bộ máy công quyền kiến tạo, hoạt động vì sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân. Đội ngũ lãnh đạo biết truyền cảm hứng, dẫn dắt xã hội cùng thay đổi theo nhịp thay đổi của nhân loại.
Nhiều lãnh đạo thường chỉ đeo đuổi đến những điều đong, đo, đếm được, như chỉ tiêu tăng trưởng khu vực này hay khu vực kia, rồi thu - chi ngân sách, đầu tư công trình này, dự án nọ, rồi năng suất sản lượng... Cũng dễ hiểu thôi, những con số, chỉ số, những công trình thì hiện hữu, người dân có thể đánh giá thành tích của người lãnh đạo. Trong khi đó, những điều vô hình như “thương hiệu địa phương”, “tinh thần nhân dân” thì lại trừu tượng, có khi hôm nay là tốt nhưng ngày mai lại khác. Để đạt được kết quả hiện hữu từ những điều vô hình, cần một thời gian dài trong khi “tư duy nhiệm kỳ” còn bám víu đâu đó.
Xây dựng cái hữu hình đã khó thì xây dựng những điều vô hình lại càng khó hơn nhiều lần. Nó đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì và niềm tin. Nó đòi hỏi người lãnh đạo có khả năng thuyết phục và truyền cảm hứng vì không thể chỉ đơn thuần làm việc bằng mệnh lệnh hành chính. Muốn vậy, trước hết người lãnh đạo phải hiểu được giá trị tương lai của những điều vô hình sẽ được chuyển hóa thành nguồn lực hữu hình. Người lãnh đạo trước hết phải thuyết phục chính mình để tự tin thuyết phục người khác làm theo.
Ai cũng có dịp đi đây, đi đó nên sẽ có sự so sánh giữa xứ người và xứ mình. So sánh chính là sự kỳ vọng làm sao để quê hương mình phát triển, để tự hào được sống ở một nơi đáng sống. Muốn vậy, mỗi người hãy cùng hành động chứ đừng chỉ “dòm ngó” và “chỉ trích”. Ngôi nhà đang xây dựng dở dang không tránh khỏi chỗ này thì bụi bặm, chỗ kia thì thấm dột nên mỗi người hãy chung tay làm cho ngôi nhà “của chúng ta” ngày càng đẹp hơn, vững chãi hơn.
Có một giải thích về “thương hiệu” nghe thật dung dị: “Thương hiệu là cái hiệu để người ta thương”. Vậy “thương hiệu địa phương” là một kiến tạo biểu tượng tốt đẹp về một vùng đất nào đó được tạo ra trong tâm trí của nhiều người.
Và dường như có điểm gì đó tương đồng giữa “hữu hình” và “hữu hạn”, “vô hình” và “vô hạn”. Sự kết nối vô hình giữa ba chủ thể “nhà nước” - “thị trường” - “xã hội” sẽ đem lại nguồn lực và động lực vô hạn trên con đường phát triển. Sự kích hoạt các giá trị của doanh nghiệp tư nhân từ người đứng đầu Chính phủ đang giải phóng nguồn lực và tạo ra động lực vô hạn - trong lúc các động lực hữu hình đã tới ngưỡng. Cải cách bộ máy sẽ tạo ra nguồn năng lượng, làm cho bộ máy hoạt động thông suốt, mọi ách tắc bị xóa bỏ. Vai trò kiến tạo của hệ thống sẽ tạo ra nguồn lực vô hạn. Sự kích hoạt và kết nối tư duy từ xã hội là nguồn lực vô hình nhưng sẽ tạo ra nguồn lực vô hạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét