Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Nghịch lý lương tối thiểu tại Việt Nam

Hồ Bá Tình

(TBKTSG) - Thời gian qua, vấn đề tăng lương tối thiểu được dư luận quan tâm rất nhiều. Một số ý kiến cho rằng tốc độ tăng lương tối thiểu của Việt Nam nhanh hơn nhiều so với tăng năng suất lao động là điều bất cập. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tăng lương tối thiểu là cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Lương tối thiểu tăng nhanh

Mức tăng lương tối thiểu của năm 2018 đã gây ra một cuộc tranh luận rất lớn trong xã hội. Phía đại diện người lao động là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 13,3%, tương đương mức tăng của năm 2017. Trong khi đó, đại diện cho phía người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại đề xuất không tăng hoặc tăng tối đa ở mức dưới 5%. Cuối cùng, mức tăng lương tối thiểu năm 2018 được thống nhất là 6,5%.

Mới đây, tại hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển chính sách (VEPR) tổ chức, các chuyên gia kinh tế chỉ ra một số bất cập trong việc tăng lương tối thiểu ở Việt Nam. Theo đó các chuyên gia cho rằng lương tối thiểu tăng trung bình hàng năm của Việt Nam đạt hai con số trong giai đoạn 2007-2015, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng.

Đặc biệt, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động, với việc tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động (thu nhập bình quân) tăng từ 25% năm 2007 lên mức 50% năm 2015. Các chuyên gia lo ngại chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu tiếp tục kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thực tế không tác động nhiều đến thu nhập thực

Hiện nay, lương tối thiểu của Việt Nam được chia bốn vùng với mức lương lần lượt là 3,75 triệu đồng/tháng; 3,32 triệu đồng/tháng; 2,9 triệu đồng/tháng và 2,58 triệu đồng/tháng. Mức lương tối thiểu áp dụng tùy thuộc tay nghề người lao động (lao động được đào tạo thêm 7%) và ngành nghề (phụ cấp độc hại). Trên thực tế, mức lương tối thiểu ở trên thấp hơn nhiều so với mức lương thực nhận của đa số người lao động ở các khu vực chính thức. Mức lương tối thiểu hiện nay được nhiều doanh nghiệp vận dụng như là mức lương ghi trên hợp đồng lao động phục vụ cho việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính bắt buộc như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế... Lương thực nhận của người lao động là lương theo sản phẩm hoặc theo hiệu quả kinh doanh...

Về lý thuyết, khi mức lương tối thiểu thấp hơn nhiều so với lương thực tế thì việc tăng lương tối thiểu không đóng vai trò gì trong việc làm tăng lương người lao động. Thậm chí, với người lao động tại những doanh nghiệp đang sử dụng mức lương tối thiểu để làm căn cứ đóng các loại bảo hiểm thì có thể làm cho thu nhập ròng của người lao động bị giảm. Thực vậy, thông thường doanh nghiệp rất khó ngay lập tức điều chỉnh lương tổng hoặc đơn giá tiền lương theo sản phẩm. Do vậy, nếu mức lương đóng bảo hiểm tăng thì số tiền tuyệt đối trích từ thu nhập của người lao động để đóng các loại bảo hiểm cũng sẽ tăng theo làm cho lương thực nhận (lương ròng) sẽ giảm.

Đối với những ngành thâm dụng lao động như dệt may, chế biến thủy sản, chi phí tiền lương chiếm đến 70-80% tổng chi phí của doanh nghiệp (không bao gồm nguyên liệu cơ bản). Trên thực tế, thu nhập của người lao động trong các ngành này đang cao hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu hiện nay. Do đó, việc tăng lương tối thiểu không giúp làm thu nhập ròng của người lao động tăng, thậm chí còn giảm. Còn đối với doanh nghiệp, việc tăng lương tối thiểu trở thành một gánh nặng cho doanh nghiệp bởi các khoản đóng góp bắt buộc sẽ gia tăng.

Như vậy, nghịch lý của việc tăng lương tối thiểu là làm cho lương ròng của rất nhiều người lao động không tăng mà còn giảm. Một tỷ lệ không nhỏ người lao động không chịu tác động gì bởi lương thực nhận và lương đóng bảo hiểm của họ hiện nay cao hơn nhiều so với lương tối thiểu. Một nghịch lý khác là về lý thuyết, lương tối thiểu dùng để bảo vệ người lao động nhưng thực tế hiện nay có tới khoảng 50% lao động Việt Nam làm việc tại hộ kinh doanh gia đình, lao động tự do, lao động làm việc tại các khu vực kinh tế nhỏ và vừa, họ không có hợp đồng lao động và không chịu ràng buộc bởi quy định về mức lương tối thiểu.

Ngoài ra, mức lương tối thiểu hiện nay cũng không áp dụng đối với công chức. Nên trong nhiều trường hợp, lương của công chức thấp hơn so với mức lương tối thiểu vùng. Đối tượng được hưởng lợi nhiều khi tăng lương tối thiểu là các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (nguồn thu tăng).

Trả lại bản chất cho lương tối thiểu

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng mức lương tối thiểu. Về lý thuyết kinh tế, trong trường hợp mức lương tối thiểu thấp hơn so với mức lương phổ biến trên thị trường thì việc áp dụng lương tối thiểu không có nhiều tác động. Trường hợp mức lương tối thiểu cao hơn so với mức cân bằng của thị trường thì sẽ gây thiệt hại về kinh tế bởi sẽ có nhiều lao động bị thất nghiệp hơn và doanh nghiệp cũng sẽ thu hẹp sản xuất do không thể thuê mướn lao động với mức chi phí mong muốn. Tuy nhiên, lương tối thiểu vẫn được áp dụng phổ biến ở hầu hết các quốc gia để bảo vệ người lao động “yếu thế” nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho họ. Đây là những người lao động bị yếu thế hơn trong việc đàm phán lương với giới chủ nên có thể phải chịu sự “bóc lột” sức lao động.

Đối chiếu với các điều kiện trên, có thể thấy việc áp dụng lương tối thiểu hiện nay ở Việt Nam tồn tại nhiều bất cập như chỉ áp dụng đối với người có hợp đồng lao động mà chưa chú trọng tới hơn 50% lao động làm việc tại khu vực hộ gia đình, lao động tự do và hàng triệu công chức. Ngoài ra, mức lương tối thiểu hiện nay chủ yếu đóng vai trò là mức “sàn” để doanh nghiệp, người lao động đóng các khoản nghĩa vụ tài chính bắt buộc. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, theo quy định mới thì doanh nghiệp và người lao động phải đóng các khoản như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên phần lớn thu nhập thực của mình. Khi đó, lương tối thiểu lại càng ít ý nghĩa.

Vì những bất cập nêu trên, cần đưa lương tối thiểu về đúng với bản chất thật của nó. Lương tối thiểu phải được áp dụng đối với tất cả tầng lớp lao động, kể cả đối với công chức nhà nước. Việc áp dụng mức lương tối thiểu phải phù hợp với tình hình thực tế năng suất lao động, cung - cầu lao động trên thị trường lao động và mức sống thực tế người lao động. Ngoài ra, nên quy định lương tối thiểu theo giờ lao động, thay vì áp dụng theo tháng để làm căn cứ tính các nghĩa vụ tài chính như hiện nay. Đặc biệt, đối tượng cần được quan tâm nhiều nhất là đối tượng lao động “yếu thế”, đang làm việc tại khu vực hộ kinh doanh gia đình, lao động tự do... có mức lương thấp. Nhà nước cần có những quy định chặt chẽ về mức lương tối thiểu và phương pháp kiểm soát hiệu quả để người lao động trong khu vực này không bị “bóc lột”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét