(TBKTSG Online) - Theo dự thảo sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng (TCTD), phương án cơ cấu lại TCTD bao gồm phương án phục hồi, phương án xử lý pháp nhân và phương án chuyển giao bắt buộc. Theo đó, phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của TCTD được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho TCTD, nhà đầu tư khác được chỉ định.
Quyền lợi cổ đông nhỏ?
Phương án chuyển giao bắt buộc đang vấp phải những tranh luận trái chiều từ các đại biểu Quốc Hội. Vấn đề cơ bản là tại sao chỉ một vài người làm sai và thường là theo ý chí của cổ đông, nhóm cổ đông lớn mà gây ảnh hưởng, thiệt hại đến cả cổ đông nhỏ, những người gần như không can dự gì được vào tiến trình ra các quyết định kinh doanh, ngoại trừ những quyết định cần phải họp đại hội cổ đông, tuy nhiên với tỷ lệ sở hữu lấn át thì nhóm cổ đông lớn cũng có thể thông qua các chủ trương, chính sách dễ dàng.
Ngoài ra, những cổ đông nhỏ cũng khó có thể biết được tình trạng hoạt động kinh doanh thật sự của TCTD. Họ chỉ có thể đánh giá thông qua các số liệu trên báo cáo tài chính kiểm toán, trong khi những cảnh báo, nhắc nhở hoạt động TCTD từ cơ quan điều hành thì các cổ đông nhỏ gần như không nắm được, do đó không thể biết đường mà dự liệu rút vốn hay thoái vốn khi cần thiết. Chỉ đến khi TCTD bị kiểm soát đặc biệt, bị mua 0 đồng thì các cổ đông nhỏ mới té ngửa.
Gần đây, NHNN cũng ban hành dự thảo xếp hạng TCTD nhưng dự kiến sẽ không công bố vì tính chất nhạy cảm. Như vậy, liệu các cổ đông của ngân hàng có được quyền tiếp cận những thông tin xếp hạng ngân hàng để hiểu rõ về thực trạng của tổ chức mình đang góp vốn vào?
Trường hợp 3 ngân hàng đã bị mua 0 đồng là Đại dương, GPBank và Xây dựng trong giai đoạn trước đây thì có lẽ tỷ lệ sở hữu cổ đông nhỏ lẻ không đáng kể, do các ngân hàng này cũng chưa được niêm yết chính thức trên sàn. Cụ thể theo các phiên xét xử đại án Oceanbank gần đây cho thấy cựu chủ tịch ngân hàng này là Hà Văn Thắm sở hữu đến 73,74% cổ phần tại ngân hàng, cùng với PVN sở hữu 20% thì tính ra các cổ đông nhỏ lẻ khác chỉ sở hữu chưa đến 0,7%. Do đó, việc mua 0 đồng các ngân hàng này không ảnh hưởng rộng rãi đến các cổ đông nhỏ lẻ.
Ngược lại, với trường hợp của Sacombank cũng là một ngân hàng có nhiều sai phạm với nợ xấu ở mức cao trong giai đoạn cầm quyền của ông Trầm Bê, thì NHNN lựa chọn phương án buộc ông Trầm Bê phải ủy quyền cổ đông cho NHNN. Có thể thấy Sacombank là một ngân hàng lớn đã niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán, lượng cổ đông nhỏ lẻ quá lớn nên nếu sử dụng giải pháp không phù hợp hợp tất yếu sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư chứng khoán. Do đó, việc buộc cổ đông lớn liên quan đến ông Trầm Bê chuyển giao bắt buộc cổ phần là phù hợp hơn trong thời điểm bấy giờ.
Từ trường hợp của Sacombank, có thể cân nhắc quy định chuyển giao bắt buộc chỉ nên áp dụng với những cổ đông lớn có sai phạm trong quản trị điều hành, còn các cổ đông nhỏ vốn không thể nắm rõ thực trạng hoạt động của ngân hàng mà mình góp vốn nên vẫn được bảo lưu quyền sở hữu tài sản. Như lời Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng rằng “bà chưa hiểu rõ về việc mua bắt buộc do liên quan đến quyền tài sản của cổ đông. Nếu chỉ vì vài ba người làm sai mà cổ đông bị tước hết quyền tài sản thì phải xem xét cẩn thận”.
Lợi ích của chuyển giao bắt buộc?
Dù vậy, đứng ở góc độ nhà điều hành thì việc chuyển giao bắt buộc có thể nhằm giúp chủ sở hữu mới với tiềm lực tài chính, khả năng quản trị được toàn quyền cải tổ hoạt động của ngân hàng yếu kém, giúp lộ trình phục hồi và khắc phục các yếu kém, sai phạm diễn ra nhanh hơn. Như câu chuyện của Oceanbank thì vụ án đem ra xét xử gần đây hé lộ tình tiết là sau khi bị mua 0 đồng, ngân hàng này sau 1 năm ghi nhận lãi 1.000 tỉ đồng.
Điều này khiến nhiều người thấy khó hiểu, tuy nhiên có thể giải thích theo những góc độ sau, đó là khi một TCTD bị xác định yếu kém hoặc kiểm soát đặc biệt thì để xây dựng phương án phục hồi buộc phải tiến hành kiểm toán đặc biệt theo yêu cầu của NHNN.
Do đó, các tổ chức kiểm toán cũng sẽ kiểm toán theo hướng thận trọng hơn rất nhiều so với thông thường, dẫn đến những khoản nợ có vấn đề, chất lượng tài sản hay giá trị tài sản đảm bảo bị đánh giá khắt khe, chặt chẽ hơn rất nhiều lần so với trước đây. Trớ trêu thay là trước đây cũng chính các tổ chức này có trách nhiệm kiểm toán nhưng lại không phát hiện hoặc phát hiện rất ít, nhưng khi kiểm toán đặc biệt thì lại thận trọng đáng kể và phát hiện ra rất nhiều vấn đề, do đã biết TCTD này bị NHNN xác định yếu kém.
Như đã nói do kiểm toán theo phương pháp thận trọng nên nhiều tài sản đảm bảo thẩm định lại giá trị bị giảm đi rất nhiều, trong khi một số tài sản đảm bảo là bất động sản nếu thiếu một vài giấy tờ nào đó sẽ đánh giá không hợp lệ, do đó TCTD buộc phải trích lập dự phòng 100% nợ gốc theo ý kiến kiểm toán. Sau đó nếu khách hàng hoặc ngân hàng bổ sung đầy đủ giấy tờ hợp lệ cho tài sản, thì ngân hàng có thể được hoàn nhập lại chi phí dự phòng đã trích trước đây rất lớn. Ngoài ra, trong trường hợp nếu thu hồi được các khoản vay có vấn đề này thì cũng sẽ được hoàn nhập dự phòng và tăng thu nhập bất thường, vì vậy sau đó lãi lớn là điều bình thường.
Nếu như trong trường hợp TCTD bị kiểm soát đặc biệt thì mọi hoạt động gần như sẽ bị ngưng trệ do phải rà soát lại và sau đó tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Theo đó một số nghiệp vụ phải tạm dừng làm ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh doanh, suy giảm các nguồn thu nhập và làm dao động tâm lý của cán bộ nhân viên. Bộ máy điều hành, quản lý của những tổ chức này cũng trở nên thận trọng hơn, mọi hoạt động gần như phải qua lớp màng lọc của Ban Kiểm soát đặc biệt, các cơ chế cũng chỉ được tháo gỡ dần dần.
Ngược lại các TCTD bị mua 0 đồng thời gian qua do đã thuộc sở hữu của NHNN nên sẽ được hỗ trợ nhiều hơn, các sản phẩm nghiệp vụ sớm được tháo gỡ, cơi nới mở ra nhanh hơn và mọi hoạt động bình thường trở lại, bộ máy quản lý điều hành cũng mạnh dạn hơn trong phát triển kinh doanh. Ngoài ra, với việc đã trở thành ngân hàng 100% vốn nhà nước nên khách hàng cũng yên tâm hơn, do đó giao dịch trở lại ổn định, vì vậy có thể sớm phục hồi và có lãi trở lại là điều tất yếu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét