VOA - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không mấy quan tâm đến vấn đề Biển Đông là một lý do khiến Việt Nam nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc yêu cầu tàu thăm dò Deepsea Metro 1 ngừng khoan tìm khí đốt, nhà báo Bill Hayton của đài BBC viết trên tạp chí Foreign Policy.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không mấy quan tâm đến vấn đề Biển Đông là một lý do khiến Việt Nam nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc yêu cầu tàu thăm dò Deepsea Metro 1 ngừng khoan tìm khí đốt, nhà báo Bill Hayton của đài BBC viết trên tạp chí Foreign Policy.
Trong bài báo có tiêu đề: “Tuần lễ Donald Trump để mất Biển Đông” đăng trên tạp chí Foreign Policy, một tạp chí hàng đầu của Hoa Kỳ về các vấn đề đối ngoại, Bill Hayton nhận định:
“Trong lúc Washington đang đắm chìm trong các tranh cãi về gián điệp Nga và dự luật chăm sóc y tế thì một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới đang dần rơi vào tay của Bắc Kinh.”
Bài báo viết: “Hà Nội lâu nay vẫn trông chờ ở sự hậu thuẫn ngầm của Washington để chống lại những lời đe dọa từ Bắc Kinh. Trong khi đó, chính quyền ông Trump cho thấy hoặc là họ không hiểu hoặc là họ không quan tâm đúng mức đến những lợi ích của các nước bạn và các đối tác tiềm năng ở Đông nam Á để bảo vệ những nước đối tác trước sự hung hăng của Bắc Kinh,”
Sau hai năm rưỡi trì hoãn, hồi giữa tháng Sáu năm 2017, chính phủ Việt Nam cho phép công ty Talisman Việt Nam (một chi nhánh của tập đoàn năng lượng Repsol của Tây Ban Nha) khoan tìm khí đốt tại lô 136-03, mà Trung Quốc gọi là lô Vạn An Bắc ngay ngoài rìa vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam trên Biển Đông.
Chính sự bất đồng về vụ việc này đã khiến Tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cắt ngắn một sứ mạng giao lưu quốc phòng giữa hai nước ở Việt Nam để về nước sớm hơn hồi gần đây.
Một số nguồn tin từ Hà Nội bên cạnh các nguồn tin khác được Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, viện dẫn, nói Đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh đã bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc vời lên để nghe Bắc Kinh dọa, rằng nếu Việt Nam không chấm dứt khoan dầu khí và hứa sẽ không bao giờ thăm dò trên vùng biển đó, thì Trung Quốc sẽ ‘có hành động quân sự’ đối với Việt Nam.
Theo nhà báo Bill Hayton thì phần lớn trong số 28 thực thể mà Việt Nam đang chiếm giữ ở quần đảo Hoàng Sa chỉ nhằm đánh dấu chủ quyền, chứ không phải là cấu trúc quân sự, nên phía Việt Nam hoàn toàn không thể phòng vệ trước một cuộc tấn công từ phía Trung Quốc.
Trong lúc Bắc Kinh lớn tiếng đe dọa thì tàu Deepsea Metro 1 đã tìm thấy một trữ lượng tài nguyên đáng kể, đa phần là khí đốt, và dầu hỏa. Họ tiếp tục thăm dò và hy vọng sẽ khoan hết toàn bộ độ sâu của giếng này vào cuối tháng 7.
Theo nhà báo Bill Hayton, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp tại Hà Nội để bàn cách đối phó. Theo nguồn tin mà tập đoàn Repsol có được thì Bộ Chính trị bị chia rẽ giữa một bên là đa số các ủy viên Bộ Chính trị đều muốn đợi Trung Quốc “giở bài ngửa” (tức là không tin vào lời đe dọa của Trung Quốc và vẫn tiếp tục khoan thăm dò). Chỉ có hai phiếu chống, của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Nguồn tin mà VOA không thể được kiểm chứng độc lập cho biết sau hai cuộc họp căng thẳng của Bộ Chính trị hồi giữa tháng Bảy, quyết định cuối cùng được đưa ra: Việt Nam chấp nhận lùi bước trước Trung Quốc và chấm dứt khoan thăm dò. Nguồn tin này lý giải rằng quyết định này dựa trên lập luận là Hà Nội “không thể dựa vào sự giúp đỡ của chính quyền ông Trump trong trường hợp hai nước xảy ra xung đột trên Biển Đông”.
Vẫn theo nguồn tin này, thì một lập luận khác đặt giả thuyết nếu như bà Hillary Clinton, chứ không phải ông Donald Trump, là chủ nhân Nhà Trắng, thì mọi thứ có lẽ “sẽ rất khác bởi vì bà Clinton hiểu rõ Hoa Kỳ phải đối mặt với mối nguy gì trên Biển Đông”.
Niềm tin đặt nơi bà Clinton có lẽ cũng dễ hiểu. Có lẽ chưa ai quên bài phát biểu mạnh mẽ của bà Clinton về các lợi ích của nước Mỹ và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Diễn đàn Khu vực ARF ở Hà Nội năm 2010. Chính sách của Tổng thống lúc bấy giờ Barack Obama là duy trì trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế được các nước trong khu vực hoan nghênh.
Theo nhà báo Hayton thì bàn thắng của Trung Quốc trong vụ đối đầu mới nhất với Hà nội có những hậu quả rõ rệt: Trung Quốc sẽ thiết lập luật lệ ở Biển Đông. Họ sẽ áp đặt chủ quyền gọi là ‘lịch sử’ hay ‘sở hữu chung’ lên Biển Đông. Bắc Kinh sẽ quyết định nước nào có quyền khai thác tài nguyên gì. Nếu Bắc Kinh có thể đe dọa Việt Nam, thì họ có thể đe dọa tất cả các nước còn lại trong vụ tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Trước đó, Manila từng loan báo ý định sẽ khoan tìm một giếng được cho là có tiềm năng khí đốt lớn ở Bãi Cỏ Rong. Tuy nhiên, hồi tháng Năm, Tổng thống Philippines Duterte cho biết lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh cáo ông rằng sẽ có chiến tranh nếu Manila tiếp tục khai thác khí đốt ở đó. Đây là khu vực mà tòa trọng tài quốc tế ở The Hagues đã phán quyết là thuộc chủ quyền của Philippines. Mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Manila để bàn về “hợp tác cùng khai thác” trên Biển Đông.
Nhà báo Bill Hayton nhận định: “Một khi Duterte và giới lãnh đạo Việt Nam hành động, lãnh đạo các nước khác sẽ theo sau. Các chính phủ Đông Nam Á đã rút ra được một kết luận quan trọng sau sáu tháng cầm quyền của Tổng thống Donald Trump: đó là Washington không sẵn sàng đánh cược trên Biển Đông,”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét