Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Cấm bán cát ra ngoài tỉnh: sự bất lực của quản lý

Lan Nhi

(TBKTSG) - Trung tuần tháng 7, một số địa phương ở miền Trung và miền Đông Nam bộ ra văn bản chính thức hoặc có chủ trương cấm doanh nghiệp bán cát ra khỏi địa bàn tỉnh. Những lệnh cấm này, ngoài chuyện đúng hay sai, còn cho thấy sự bất lực của các cơ quan quản lý sau một thời gian buông lỏng việc khai thác cát.

Khi chính quyền can thiệp không đúng vào thị trường

Cách đây gần 10 năm, lãnh đạo một tỉnh Tây Bắc muốn cấm doanh nghiệp khai thác quặng vận chuyển số khoáng sản khai thác được tại các mỏ trên địa bàn tỉnh này ra khỏi địa phương. Lệnh cấm định ban ra dưới hình thức yêu cầu doanh nghiệp chế biến sâu tại chỗ và phòng ngừa chuyện xuất khẩu lậu. Sự e ngại của tỉnh này có thể không thừa song việc cấm doanh nghiệp vận chuyển sản phẩm ra khỏi tỉnh thì không có căn cứ nào để thực hiện. Doanh nghiệp cũng không vừa, ra thông điệp rằng nếu tỉnh ban hành văn bản đó thì sẽ kiện UBND tỉnh ra tòa. Kết quả là địa phương dừng lại.

Nay tỉnh Bình Định ban hành văn bản cấm bán cát - khoáng sản làm vật liệu xây dựng ra khỏi tỉnh, dù trao đổi với báo chí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu thừa nhận rằng pháp luật không có quy định nào cấm doanh nghiệp làm việc đó. Lý do được tỉnh Bình Định đưa ra là nhiều dự án (công trình) lớn tại địa phương đang được triển khai, như dự án khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, quốc lộ 1D... đang cần lượng cát lớn. Nếu xuất bán ra tỉnh khác, giá cát tại chỗ tăng cao, trong khi trữ lượng cát tại địa phương lại có giới hạn.

Nhiều tỉnh, thành miền Trung như Quảng Ngãi, Phú Yên hoặc miền Nam như An Giang cũng có chủ trương tương tự như Bình Định song khôn khéo hơn, chính quyền không ra lệnh cấm chính thức mà dưới các hình thức: tạm dừng, rà soát lại quy trình cấp phép, khai thác, vận chuyển. Bản chất thì vẫn là chưa cho xuất bán ra khỏi tỉnh (mà) để phục vụ nhu cầu tại chỗ, phòng giá cát lên cao.

Chắc chắn lãnh đạo các tỉnh nói trên, bao gồm lãnh đạo tỉnh Bình Định, đều rõ không có luật nào cấm chuyện này. Nhưng họ vẫn làm, với thiện ý được nêu ra là “phục vụ các công trình trọng điểm”, “tránh giá cát lên cao”.

Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn liên quan không có dòng nào cấm doanh nghiệp thông thương hàng hóa, nhất là khi kinh doanh, khai thác cát không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu doanh nghiệp khai thác cát phục vụ chính công trình tại chỗ của họ, thậm chí Luật Khoáng sản còn cho phép không cần giấy phép của chính quyền, nói chi đến giấy phép vận chuyển.

Giá cát có thể lên cao, nhiều công trình tại các địa phương đúng là có thể bị ảnh hưởng không nhỏ từ việc giá cát tăng. Nhưng nguyên nhân sâu xa của nó không xuất phát từ vấn đề các doanh nghiệp khai thác cát được tự do mua - bán trong hay ngoài tỉnh. Muốn chặn đà tăng giá cát, nguồn cung cát đủ hơn, phải làm cách khác.

Nếu chính quyền có thể dễ dàng ra các văn bản cấm đoán kiểu như trên, tại thời điểm này nó có thể có lợi cho nhóm doanh nghiệp xây dựng nhưng ở một thời điểm khác, nhóm doanh nghiệp khác lại trở thành “nạn nhân” của những quyết định không đúng.

Hệ lụy tất yếu của hàng loạt quyết định trước đó

Liệu việc cấm bán cát ra ngoài tỉnh có lấy lại được nguồn cung cát tự nhiên ngày càng trở nên khan hiếm vì các quyết định có liên quan trước đó?

Việc cấp phép và khai thác cát bừa bãi trong nhiều năm qua ở các địa phương, núp bóng dưới hình thức xã hội hóa nạo vét lòng sông, khơi thông dòng chảy nhưng mục đích chính là đào cát để bán, là một trong những nguyên nhân chính gây ra hệ quả nguồn cung cát ngày một ít đi. Sự khan hiếm này càng trở nên lớn hơn khi Chính phủ yêu cầu các địa phương siết chặt việc khai thác cát lậu (chứ không siết việc vận chuyển-NV), dừng cấp các giấy phép nạo vét lòng sông gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Vào thời điểm các lệnh cấm này được đưa ra, nguồn cung cát khan hiếm hơn là tất yếu nhưng thị trường sẽ dần có những hình thức tự điều chỉnh cho phù hợp, thay vì đưa ra quyết định cấm vận chuyển - không giải quyết được vấn đề gì lớn - như UBND tỉnh Bình Định đã làm.

Trả lời báo chí cách đây chưa lâu, Tiến sĩ Thái Duy Sâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, còn nêu nguyên nhân nguồn cát khan hiếm do việc bồi lắng, tái tạo các mỏ cát ngày càng ít đi do việc đầu tư các công trình thủy điện ở thượng nguồn.

Chính phủ hiện không cấm khai thác cát mà chỉ cấm các dự án khai thác trái phép. Tuy nhiên, kể cả nếu cứ khai thác bình thường thì đến một lúc nào đó, nguồn cát tự nhiên cũng sẽ hết. Việc thúc đẩy sử dụng các nguyên liệu thay thế cát là hoàn toàn có thể làm được nhưng do khai thác cát trước đây quá dễ nên tâm lý người mua vẫn ưu tiên sử dụng cát tự nhiên. Nay biết đâu, việc hạn chế khai thác cát lại là cơ hội cho việc sản xuất vật liệu thay thế, nếu nó được đầu tư đúng mức.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chế biến tro, xỉ, thạch cao... của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu thay thế cát. Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định 452/2017 phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng các vật liệu thay thế nêu trên tại các công trình, nhằm bảo vệ môi trường và giảm sử dụng tài nguyên.

Thậm chí đã có doanh nghiệp tại Quảng Ninh sản xuất được cát nghiền từ phế thải khai thác than, chất lượng đạt tiêu chuẩn TCVN 9205-2012 với giá bán công bố khởi điểm rẻ hơn 18% so với giá cát tự nhiên.

Chính quyền các địa phương không nên thể hiện sự bất lực trong quản lý bằng các văn bản cấm đoán như trên mà cần tạo ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh phát triển, như một cách gián tiếp triệt tiêu các động cơ kinh doanh chụp giật hoặc lợi dụng tình hình khó khăn nhằm kiếm lợi lớn (nếu có).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét