(TBKTSG) - Thế hệ doanh nhân đầu tiên sau đổi mới 1986 đang già đi, và họ bắt đầu trăn trở về việc chuyển giao quản trị doanh nghiệp cho thế hệ con cháu tiếp theo.
Ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Bita’s, vẫn nhớ như in chuyện một người con gái của ông bắt đầu đi làm. Về nước sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ, con ông âm thầm đi xin việc ở một công ty khác, mà không về làm cho Bita’s của bố. Là con đại gia, cô có ô tô riêng, nhưng vẫn đi xe máy đến nơi làm việc, và ông cũng không hề nói cho chủ doanh nghiệp đó về người con của mình. Sau hai năm, cô con gái mới về làm cho bố.
Ông Long có ba người con, đều học ở Mỹ từ cấp hai, và nay thì đều làm cho Bita’s. Nhưng để các con không lấn sân nhau, ông chia cho các con mỗi người phụ trách một lĩnh vực trong công ty. Khi con dâu, con rể về làm tại công ty, ông lại giao cho họ những lĩnh vực mới. “Tôi đã áp dụng điều này 10 năm nay, và rất có giá trị trong gia đình và doanh nghiệp”, ông kể lại câu chuyện về cách quản trị công ty gia đình của mình trong một cuộc tọa đàm của Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam tổ chức cuối tuần trước.
Bita’s của ông Long có tuổi đời 26 năm, và Biti’s, nơi ông tách ra, có tuổi đời 35 năm, nay đã trở thành các công ty gia đình rất nổi tiếng. Sản phẩm của ông phủ khắp các tỉnh ở Việt Nam, và tới một phần ba các tỉnh ở Trung Quốc. Được hỏi, đâu là những giá trị mang lại gắn kết cho gia đình cũng như doanh nghiệp, ông Long kể lại chuyện ông đã mất hàng chục năm trời ra sao để tìm lại gia phả của dòng họ. Con cháu ông sẽ luôn nhìn vào gia phả để sống và làm việc. Bên cạnh đó, ông nói, tất cả các thành viên gia đình phải ăn với nhau ít nhất một bữa cơm trong ngày dù bận thế nào chăng nữa. “Chúng tôi rất coi trọng văn hóa gia đình. Những điều nhỏ như vậy thôi nhưng gắn kết các thế hệ”, ông nói.
Sau rất nhiều thăng trầm của lịch sử, các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam xuất hiện trở lại chỉ mới vài thập kỷ gần đây sau khi có Luật Công ty năm 1987 và đặc biệt là Luật Doanh nghiệp năm 1999. Đến nay mới chỉ có thế hệ thứ hai nắm công ty gia đình, còn thế hệ thứ ba thì rất hãn hữu. Chính vì lẽ đó, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái và là Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam, cho biết việc chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân của các doanh nhân trong gia đình và công việc để giúp cho nhau những bài học quý giá và phát triển bền vững.
Ông Hoàng Hải Âu, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hoàng Gia Media Group, cho biết một trong những vấn đề nhức nhối nhất của doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam chính là phát triển bền vững. Những lợi thế trong doanh nghiệp như tính gắn kết ruột thịt đang dần bộc lộ những điểm yếu. Ông nói: “Những lợi thế đó làm doanh nghiệp gia đình khó chuyên nghiệp hóa, khó đưa người ngoài vào. Có nghĩa, doanh nghiệp gia đình khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao không phải là người trong gia đình”, ông Long nói.
Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu nhận xét, quản trị không tốt, mâu thuẫn nội bộ là vấn đề rất đáng quan tâm cho doanh nghiệp gia đình. Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam, cho biết bà nhận thấy các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam thường không tách bạch rõ ràng giữa chuyện gia đình và kinh doanh. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp gia đình trên thế giới đã có bộ quy tắc ứng xử trong gia đình giúp phân định vai trò của nhiều thành viên. Bà Vân nói, chẳng hạn, vấn đề thừa kế được xác định rõ ràng. Trẻ em đã có thể được quyền thừa kế của mình, và khi đến tuổi họ sẽ tham gia điều hành doanh nghiệp. Trong trường hợp không tham gia điều hành, họ vẫn có quyền thừa hưởng lợi ích qua cổ phiếu, cổ tức mà thế hệ cha, mẹ họ đã gây dựng.
Bà Mai Thanh, Giám đốc Công ty Mai Thanh, chia sẻ cả bà và chồng đều đang điều hành doanh nghiệp gia đình. Bà chịu trách nhiệm từ mọi việc từ cổng nhà máy đi ra, còn chồng phụ trách từ cổng nhà máy đi vào. Bà nêu câu hỏi, phải làm sao để dung hòa giữa công việc và cuộc sống của hai vợ chồng?
Về câu hỏi này, bà Đinh Thị Quỳnh Vân khuyên, bà Thanh nên xây dựng cơ cấu tổ chức trong công ty và phân định lĩnh vực cho từng người. Nếu quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, thì hai vợ chồng bà Mai Thanh có thể đảm đương được. Nhưng nếu doanh nghiệp lớn, thì cần có những nhân sự quản lý khác. Hơn nữa, bà Vân nói, bà Thanh cần xác định cổ phần nắm giữ của từng người để phân định công việc một cách rõ ràng. Trong khi đó, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng, vợ với chồng không nên làm cùng nhau, tình cảm và tiền bạc cần phải tách bạch rõ ràng. Ông khuyên bà Mai Thanh cần tuyển một nhân sự trung gian vào thay vị trí của một trong hai người trong công ty.
Ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Công ty Khai thác mật ong Đắk Nguyên Hồng, người thuộc thế hệ thứ hai trong công ty gia đình của mình, đặt câu hỏi với ông Long và ông Đoàn: “Các ông sợ nhất điều gì khi chia sẻ với thế hệ thứ hai”?
Ông Long nói, có khoảng cách giữa thế hệ thứ nhất và thứ hai. Trong khi thế hệ thứ nhất chuyên về sản xuất, thì thế hệ thứ hai như ông Cường đã giúp đưa sản phẩm của doanh nghiệp lên tốp 10. “Tôi cho là cần có sự chia sẻ hết sức cởi mở và minh bạch giữa hai thế hệ, cái gì không đúng của cha mẹ cũng cần phải thẳng thắn trao đổi thì doanh nghiệp gia đình mới thành công”. Ông Đoàn cũng đồng tình: “Cha mẹ hãy coi con cái như bạn bè và chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống và cả những dự định kinh doanh”.
Tuy nhiên, tất cả không đẹp như mơ. Bà Đoàn Thị Thu Nga, Giám đốc Công ty Luật Lawpro, cho biết với kinh nghiệm 17 năm làm luật sư, bà chứng kiến nhiều trường hợp rủi ro trong quản trị công ty gia đình. Ví dụ, không ít chủ doanh nghiệp nhờ người nhà đứng tên công ty, tài sản. “Khi họ bất ngờ gặp vấn đề về sức khỏe thì phát sinh nhiều nguy cơ, tranh chấp”, bà nói. Vì thế, bà Nga khuyên các doanh nhân cần phải chủ động trong việc thừa kế công ty.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét