(VTC News) - Một số chuyên gia kinh tế nhận xét, việc Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đề xuất áp giá sàn vé máy bay là “đánh Vietjet” và “không chỉ sai mà còn vi phạm pháp luật”.
Thông tin Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đề xuất áp giá sàn vé máy bay nhận được nhiều phản biện từ dư luận. Trong đó, đa số là ý kiến phản đối.
Trên trang cá nhân của mình, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành viết: “Sao lại phải áp giá sàn cho vé máy bay? Tức là đồng nghĩa không cho phép hành khách được đi với một mức giá rẻ nào đó?
Chính sách này rõ ràng đánh vào Vietjet. Và không thể để các cơ quan ra chính sách tuỳ tiện đánh vào các doanh nghiệp trong ngành như vậy. Vì như thế là họ đang làm theo sự điều khiển của một doanh nghiệp khác, chứ không phải vì người tiêu dùng, vì công lý, vì logic, hay vì một lợi ích chung”.
Trả lời phóng viên báo điện tử VTC News, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, giá trần và giá sàn là 2 mức giá Nhà nước đặt ra để bảo vệ người tiêu dùng. Trường hợp áp giá sàn, Nhà nước sẽ áp dụng trong thị trường độc quyền. Còn với hàng không, việc áp giá sàn vé máy bay không chỉ sai mà còn vi phạm pháp luật.
Cụ thể, ông Long phân tích, trong thị trường độc quyền bán hoặc có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, Nhà bước phải kiểm soát thông qua giá trần. Giá trần là rất cần thiết, vì nếu không có giá trần, doanh nghiệp thống lĩnh sẽ áp giá cao, gây tổn hại cho người tiêu dùng.
Theo ông Long, Luật Giá đã quy định rõ trường hợp nào nên áp giá trần, giá sàn. Ví dụ, thị trường xăng dầu là thị trường cần có giá trần vì Petrolimex đã chiếm tới 50% thị phần. Thị trường điện cũng là thị trường độc quyền bán.
Còn giá sàn được áp dụng trong độc quyền mua hoặc thị trường mua có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Nếu không có giá sàn, bên mua sẽ ép giá khiến người bán thiệt hại nặng. Vì vậy, giá sàn được đưa ra để bảo vệ người bán.
Còn thị trường hàng không là thị trường bán. Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air bán dịch vụ bay cho khách hàng. Vì vậy, mức giá cần được áp dụng trên thị trường là này giá trần, chứ không phải giá sàn.
Ông Long phân tích thêm, hiện nay, thị trường hàng không Việt Nam có 4 hãng bay. Trong đó, có 2 hãng chiếm thị phần tương đối lớn, mỗi hàng chiếm 40%. Có thể khẳng định, trong lĩnh vực hàng không có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.
Ở thị trường bán có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thì cần áp dụng giá trần nhưng giá sàn thì không được phép.
“Đối với hàng không, không được quy định giá sàn. Giá sàn sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh và phấn đấu của doanh nghiệp. Có giá sàn rồi, doanh nghiệp không cố gắng để giảm chi phí. Hàng không là thị trường bán, chỉ nên áp giá trần. Nếu có giá sàn thì sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng”, ông Long nói.
Ông Long khẳng định, việc áp giá sàn vé máy bay là sai với định chế, sai với luật, là vi hiến.
“Thủ tướng nói Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động. Chính phủ kiến tạo là xây dựng thể thế. Thể chế ở đây là gì? Là luật chơi, là luật, pháp lệnh, nghị định,… Luật đã ban hành rồi mà làm sai là không được”, ông Long nhấn mạnh việc áp già sàn vé máy bay là vi phạm luật.
“Áp giá sàn vé máy bay không phải vấn đề cần phải phản đối hay không mà rõ ràng là không được, là vi hiến”, ông Long nói thêm.
Còn về việc Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đề xuất áp giá sàn vé máy bay, ông Long bình luận: Đây là “việc làm sai, vì lợi ích riêng”; “họ đưa ra để ông nào không nắm được luật sẽ làm theo”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét