Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Môi trường kinh doanh nhìn từ vỉa hè Hà Nội

Mạnh Quân

(Dân trí) - Một thông tin có thể nói gây chấn động dư luận cuối tuần qua là ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã phát biểu tại một hội nghị (ngày 4/3) rằng, qua thống kê, khoảng 180 các quán bia trên vỉa hè (Hà Nội) thì có tới hơn 150 quán là "có công an đứng đằng sau".

Phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung được đặt trong bối cảnh các cấp chính quyền ở TPHCM và Hà Nội trong hơn một tuần qua tập trung xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của nhà nước trong việc quản lý vỉa hè, lòng đường. Mặc dù những con số, ý kiến mà ông Chung nêu ra không nhằm để nói về kinh doanh mà muốn đề cập nguồn gốc tại sao vỉa hè, lòng đường nhiều nơi bị chiếm dụng, khó giải toả. Nhưng ở khía cạnh về môi trường kinh doanh, đó lại là vấn đề đáng bàn.

Hiển nhiên là người dân tin vào những con số, vào điều ông Chung nói, không chỉ là có nhiều cán bộ, chiến sĩ "đứng sau" các cơ sở kinh doanh bia hơi mà nhiều cơ sở kinh doanh khác như các bãi trông giữ xe có nguồn thu lớn còn là cơ sở, là "người nhà" của lãnh đạo cấp quận, phường. Bởi vì ông Chung là lãnh đạo cao nhất của UBND thành phố Hà Nội, đã từng là Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, những điều ông phát biểu là "nói có sách, mách có chứng". Cho dù những thông tin đó là "sốc" thì người ta cũng tin dù trước đó là "bán tín, bán nghi".

Theo quy định hiện hành về quản lý đô thị thì Nhà nước cấm các hoạt động kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường để đảm bảo giao thông, thông thoáng và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, trên thực tế, không chỉ ở Hà Nội mà nhiều thành phố khác, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng... việc chiếm dụng diện tích ở vỉa hè để kinh doanh là khá phổ biến. Nhưng không phải ai cũng có thể chiếm dụng.

Con số 150/180 cơ sở bán bia hơi là "có công an đứng sau" như lời ông Nguyễn Đức Chung nói đã cho thấy, phải là những cơ sở có thế lực “chống lung” thì các cơ sở này mới dám chiếm dụng mặt tiền, hè phố để kinh doanh, kiếm lợi. Tạm chưa bàn kỹ đến việc có phải 100% các cơ sở đó không được kinh doanh theo pháp luật hay không, nhưng việc này rõ ràng đã tạo ra sự không công bằng bởi các hộ dân bình thường, không có "quan hệ", không có "dây mơ rễ má" gì với người có quyền hành sẽ khó cạnh tranh được với các hàng, quán "có công an đứng sau", hay là có cán bộ lãnh đạo cấp phường, quận "đứng sau".

Nhìn rộng ra nữa, không chỉ ở vỉa hè, lòng đường, hiện còn biết bao nhiêu cơ sở sản xuất, kinh doanh từ các cơ sở nhỏ: Khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng... đến những doanh nghiệp, tập đoàn, nếu có những cán bộ, công chức có quyền hành, có thế lực "đứng sau", tất nhiên sẽ không thể nào có sự bình đẳng, công bằng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh của người dân.

Cho nên, từ câu chuyện 150/180 quán bia hơi Hà Nội "có công an đứng sau" đó, lãnh đạo Nhà nước tập trung, ra tay xử lý, điều chỉnh chính sách, buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh có quan hệ thân hữu với tổ chức, cán bộ, công chức có quyền lực trong bộ máy Nhà nước phải tách biệt quan hệ đó, cạnh tranh công bằng, bình đẳng với cơ sở sản xuất, kinh doanh tư nhân sẽ đem lại những hiệu quả to lớn hơn nhiều với việc chỉ làm thông thoáng vỉa hè, lòng đường. Mà đó là làm thông thoáng cho cả môi trường kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét