Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

Hội nhập kiếm tiền, hội nhập quản lý thuế

Nguyên Lê

(TBKTSG) - Xin thưa, khái niệm hội nhập mà Nhật ký trực tin tuần này đề cập không phải là hội nhập theo nghĩa truyền thống - tức mở cửa biên giới địa lý mà là hội nhập trên không gian mạng, ai có kết nối Internet thì người đó thành công dân toàn cầu.

Tuần rồi và kéo dài đến cả tuần này, có hai dòng thời sự báo chí chạy song song nhau liên quan đến cái sự hội nhập này.

Một là về việc kiếm tiền qua mạng. Đồng loạt các báo đưa tin đại diện mạng xã hội Facebook tại Việt Nam tiết lộ có khoảng 50 bạn trẻ (từ 19-24 tuổi) đã trở thành triệu phú đô la nhờ kiếm tiền qua mạng. Theo vị này, có người còn cho biết bình quân một tháng mình nhận được khoảng 100.000 đô la Mỹ. Kiếm tiền qua mạng đã trở thành chuyện thường tình, không mấy ai có đời sống mạng ngạc nhiên nữa. Những câu hỏi kiểu như “50 người Việt là triệu phú đô la nhờ Facebook?” chẳng qua là câu hỏi về mức độ nhiều (thực sự) của lượng tiền kiếm được mà thôi. Mà nào đâu chỉ trên Facebook, báo chí chỉ ra “Đủ chiêu kiếm tiền từ YouTube”, thậm chí chỉ ra người dẫn đầu: “Có một triệu người theo dõi trên YouTube, Sơn Tùng sẽ kiếm được bao nhiêu tiền?”. Cũng trên mạng, tràn ngập quảng cáo các khóa dạy kiếm tiền qua mạng có... thu tiền!

Chuyện kia là về việc quản lý hoạt động kiếm tiền qua mạng, tức việc thu thuế: phải thu, vì sao và như thế nào... Chưa cần phải tìm hiểu chuyên sâu về các cách thức kiếm tiền qua mạng, ví dụ ngay trước mắt, đơn giản nhất đối với cơ quan quản lý nhà nước là hoạt động bán hàng qua mạng Facebook, Zalo... Dễ hiểu với cách đặt vấn đề “Bán hàng trên Facebook phải nộp thuế” của cơ quan quản lý nhà nước, bởi nguyên tắc của Luật Quản lý thuế là bất kể doanh nghiệp hay cá nhân, dù có đăng ký kinh doanh hay không, miễn có hoạt động mua bán phát sinh thu nhập đến mức chịu thuế thì có trách nhiệm thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế theo quy định. Vấn đề ở chỗ quản lý thuế sẽ... hội nhập thế nào trong hệ sinh thái khởi nghiệp trên mạng hiện nay.

Đến nay, ngay như việc đăng ký, kê khai cũng chưa có quy định cụ thể, nói chi đến việc kiểm soát thu nhập phát sinh khi hầu hết các giao dịch không được thanh toán qua ngân hàng mà thực hiện theo phương thức giao hàng - trả tiền - không cần hóa đơn. Khác với một trang web thương mại điện tử đang được điều chỉnh bởi Nghị định 52/2013/NĐ-CP, trên thực tế, hầu như các Facebooker chỉ mượn nền tảng Facebook như kênh quảng bá hàng hóa, tìm kiếm và giao tiếp với khách hàng. Mà ngay với các trang web thương mại điện tử, hoạt động quản lý của cơ quan chuyên trách về thương mại điện tử hiện nay hầu như chỉ dừng ở việc chấp nhận sự đăng ký địa chỉ của các ông chủ để đánh trống ghi tên, còn trên thực tế nó hoạt động ra sao, doanh thu thế nào thì vẫn là khoảng trống.

Nhưng nói gì thì nói, đặt vấn đề thu thuế vào lúc này là cần thiết, trong xu hướng người người tìm cách kiếm tiền qua mạng thì đây sẽ là nguồn thu tiềm năng. Vấn đề tiếp theo là tìm giải pháp, mà đề bài trước mắt là sao cho công bằng, hiệu quả, khả thi...

Nếu như viên gạch đầu tiên áp dụng với hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người rao vặt trên Facebook về những gánh hàng rong, hàng xén của họ, e rằng cơ quan quản lý nhà nước sẽ lặp lại tình trạng như với hàng triệu hộ kinh doanh cá thể hiện nay, chi phí thực thi có thể còn cao hơn số thuế thu được. Chẳng phải một trong những lý do để “ép” các hộ kinh doanh cá thể “lên đời” doanh nghiệp là để dễ quản lý thuế hơn hay sao? Chúng ta cần kiên nhẫn, cùng với quá trình trưởng thành tất yếu của người tiêu dùng và quá trình thay đổi thói quen dùng tiền mặt, người bán hàng qua Facebook nếu trụ được sẽ có nhu cầu tự thân quảng bá chính danh mà việc thực hiện nghĩa vụ thuế có thể là một sự bảo chứng.

Vì vậy, trước mắt nên nắm những “kẻ có tóc” trước, như các trang web thương mại điện tử, mà hiện nay, có lẽ riêng con số đăng ký chính thức đã quá khả năng quản lý của cơ quan quản lý. Hay tiến hành xác minh, thu thuế các trường hợp cá biệt, nổi tiếng, như đã thu thuế thu nhập cá nhân 1,4 tỉ đồng vào cuối năm 2015 với Nguyễn Hà Đông - cha đẻ của game đình đám Flappy Bird phát hành trên mạng.

Nói tới đây mới nhớ, giờ mà nhiều người vẫn cứ than thở Việt Nam không thu được thuế các “ông lớn” hoạt động xuyên biên giới như Google, Facebook dù phát sinh thu nhập quảng cáo từ Việt Nam. Đâu có phải vậy. Từ năm 2012, chính Vụ phó Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) lúc ấy đã cho biết phía Việt Nam nắm đằng cán - thu thuế từ Google, Facebook, gọi là thuế nhà thầu, qua các đối tác của Google, Facebook ở Việt Nam.

Điều đáng băn khoăn là cho đến nay, trên các diễn đàn kế toán, rồi cả trên diễn đàn tự giới thiệu là... chính thức của Google cho thị trường Việt Nam, vẫn còn nhiều thắc mắc, bối rối của doanh nghiệp đã quảng cáo trên Google về việc làm thế nào để hợp thức hóa chi phí quảng cáo này vào chi phí của doanh nghiệp khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Chuyện cái gọi là hóa đơn nộp tiền theo chuẩn “trên mạng” của Google khác với cái gọi là hóa đơn theo chuẩn “thủ công” của ta vẫn đang gây khó cho doanh nghiệp ở nhiều địa phương. Chỗ này là cơ quan thuế hội nhập... không đồng bộ, muốn và đã nhanh nhạy thu thuế hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng thì cũng phải tự đổi mới, tự điều chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế để người ta còn có động lực, có nguồn mà quảng cáo đặng còn thu thuế.

Cũng liên quan đến chuyện quảng cáo trên môi trường mạng, mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong công văn trao đổi với Bộ Thông tin và Truyền Thông, đã dẫn quy định tại khoản 2 điều 14 Nghị định 181 năm 2013: “Trong trường hợp trang thông tin điện tử xuyên biên giới có phát sinh doanh thu quảng cáo tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục thông báo bằng văn bản về tên, địa chỉ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam được ủy quyền thực hiện dịch vụ quảng cáo”. Bộ này cho biết sẽ tiến hành... xử phạt YouTube về hành vi “không thông báo” mà đã thể hiện các nội dung quảng cáo. Được biết, hiện YouTube không có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Dư luận thắc mắc việc xử phạt sẽ được tiến hành như thế nào? Và, theo dòng thời sự, chưa thấy cơ quan thuế lên tiếng về chuyện thu thuế với Youtube? Đây sẽ là một phép thử nữa đối với cơ quan quản lý nhà nước. Vấn đề là hội nhập chứ không phải là đóng cửa cấm đoán, mà thật ra có cấm cũng khó mà được. Cấm có khi tự làm mình thất thu.

Thay đổi tư duy, cùng nhau hội nhập trong môi trường mạng, tạo điều kiện để người dân tận dụng đó kiếm tiền còn mình thì có nguồn để thu thuế, đó chẳng phải là tinh thần hai bên cùng thắng hay sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét