CAND - Tinh thần này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quán triệt tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, ngày 23-6.
Thủ tướng nhấn mạnh, với tinh thần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, chúng ta cần kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách. Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng là chất lượng văn bản đó như thế nào. Không phải chạy theo số lượng mà là chất lượng văn bản, làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triển doanh nghiệp thời gian tới.
Theo báo cáo tổng hợp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, đến nay, đã ban hành 21 văn bản và còn 30 văn bản phải ban hành. Trong đó, số văn bản đã trình Chính phủ là 26 văn bản, số văn bản chưa trình Chính phủ là 4 văn bản. Về các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh quy định chi tiết Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đến nay đã trình Chính phủ 49 nghị định trong tổng số 50 nghị định cần ban hành.
Với các biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực rất lớn của các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo trong thời gian qua, tình hình và kết quả xây dựng, trình ban hành văn bản đã có chuyển biến rõ rệt. Về cơ bản, các bộ, cơ quan đã trình các văn bản quy định chi tiết theo tiến độ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Việc soạn thảo các văn bản đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số văn bản mặc dù được phép áp dụng thủ tục rút gọn nhưng vẫn phải bảo đảm thủ tục bắt buộc lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội, các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản. Đối với các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, mặc dù thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng.
Từ nay đến khi ký ban hành, các cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp để rà soát kỹ các điều kiện tác động đến quyền và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu những điều kiện đầu tư kinh doanh và giấy phép con bất hợp lý, cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài các văn bản nói trên, từ nay đến hết năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần ban hành 37 văn bản quy định chi tiết thi hành 6 luật, cùng với 5 văn bản nợ đọng của 6 tháng đầu năm chuyển sang, tổng số văn bản cần ban hành sẽ là 42 văn bản.
Hoan nghênh các ý kiến thẳng thắn, làm sáng tỏ các vấn đề đặt ra, Thủ tướng lưu ý thời gian qua “các cơ quan báo chí còn phản ánh chỗ này, chỗ khác gây phiền hà, khó khăn, nhiêu khê”. Do đó, yêu cầu đặt ra là rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, các giấy phép con bất hợp lý và đặc biệt, không đặt ra các quy định mới gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Quy định đầu tư kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng như phải vận dụng phù hợp với thực tiễn đất nước. “Chúng ta đổi mới, cải cách mạnh mẽ để giải phóng sức sản xuất nhưng cũng cần tăng cường quản lý, tránh sơ hở, không để bị lạm dụng cũng như bảo vệ sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng nên cần xem xét vận dụng phù hợp”, Thủ tướng nêu rõ.
Đề cao vai trò của Bộ trưởng trong công tác xây dựng thể chế, Thủ tướng nhắc nhở: “Văn bản nào mà sau này ban hành có sai sót, phải sửa đổi thì đồng chí Bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải có trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ”.
Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện các dự thảo nghị định, bảo đảm tiến độ đề ra. Cần tiếp tục cập nhật và công khai các dự thảo trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và các bộ, ngành, các phương tiện thông tin truyền thông để lắng nghe, kịp thời tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các đối tượng chịu tác động liên quan.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, nhất là Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần quyết liệt vào cuộc, cùng các bộ, ngành để rà soát những điều bất cập của luật, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét.
Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với các dự thảo nghị định liên quan đến nhiều thủ tục, điều kiện như điều kiện, thủ tục thành lập cửa hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan; điều kiện hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, điều kiện cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét