Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Hà Nội muốn thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước

Vân Ly

(TBKTSG Online) -  Hà Nội muốn trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước nên đang tích cực tạo những cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính... để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Đó là thông điệp mà thành phố này đưa ra tại hội thảo quốc tế "Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp" do thành phố Hà Nội phối hợp với Tập đoàn FPT và Đại sứ quán Israel tổ chức vào ngày 21-9 tại Hà Nội.

Phát triển thành phố khởi nghiệp

Phát biểu tại sự kiện nêu trên, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cho biết thành phố này hiện có trên 200.000 doanh nghiệp - đứng thứ hai cả nước. Các doanh nghiệp tại thành phố này đang đóng góp 40% vào thu ngân sách, 67% việc làm và 38% sản phẩm cho thành phố.

Đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp, Hà Nội định hướng xây dựng thành phố thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước, với mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ có thêm 200.000 doanh nghiệp mới thành lập.

Ông Tứ cho biết, để phát triển thành phố khởi nghiệp, Hà Nội đề ra các giải pháp khác nhau. Về cơ chế chính sách, Hà Nội sẽ thực hiện hàng loạt đề án như chương trình hỗ trợ doanh nghiệp 2016-2020, đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh, cải cách hành chính hỗ trợ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp...

Thêm nữa, thời gian tới Hà Nội sẽ hình thành khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, thành lập quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm...

Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ nên chỉ đạo 1-2 địa phương làm thí điểm thành phố khởi nghiệp để các nơi khác làm theo.

Có mặt tại sự kiện trên, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết có thể giao cho Hà Nội thí điểm cơ chế chính sách xây dựng trung tâm khởi nghiệp quốc gia để phong trào khởi nghiệp ngày càng phát triển tại Việt Nam.

Tại sự kiện trên, ông Võ Trần Đình Hiếu, Giám đốc nghiệp vụ mảng đầu tư của Dragon Capital Group (Anh) - doanh nghiệp đã đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp tại Việt Nam – cho rằng: “Thông tư về Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo đang trong quá trình dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là văn bản đang được cộng đồng này mong đợi. Bộ cần sớm hoàn thiện và ban hành thông tư trên để hoàn thiện cơ chế, tháo gỡ vướng mắc trong phương thức đầu tư cho nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài, giúp cho họ có thể dễ dàng sở hữu cổ phần trực tiếp tại doanh nghiệp khởi nghiệp. Việc được chính danh sẽ giúp họ cam kết lâu dài và tham gia quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn. Cơ chế thông thoáng sẽ là tiền đề cho sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư mạo hiểm.”

Ông Hiếu cho biết khi “nút thắt” trong cơ chế đầu tư trên được tháo gỡ, Dragon Capital và công ty FPT dự kiến sẽ đẩy mạnh hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam.

Cũng tại sự kiện trên, ông Avi Luvton, Giám đốc Điều hành, Vụ Châu Á Thái Bình Dương, Ủy ban Đổi mới của Israel, cho hay, với kinh nghiệm của một quốc gia khởi nghiệp thành công của thế giới, ông cho rằng muốn phát triển trở thành quốc gia khởi nghiệp. Chính phủ cần đóng vai trò quan trọng trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; cần tạo hành lang pháp lý, chính sách tương ứng với mỗi thành phần trong hệ sinh thái này…”

Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ khởi nghiệp

Tại sự kiện, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đầu tư doanh nghiệp khởi nghiệp thường 7 phần thua 3 phần thắng. Nhưng chỉ cần có một doanh nghiệp thành công thì lợi nhuận sẽ cao. Thêm nữa khi tham gia phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, Chính phủ được nhiều thứ như tạo việc làm, tạo thu nhập cho người dân, có điều kiện giải quyết những vấn đề của quốc gia, thu lợi ích kinh tế…

Do đó ông Huệ mong nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp chủ động đề xuất chính sách để phát triển mạnh các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính phủ sẵn sàng thảo luận, lắng nghe, đối thoại giải quyết ngay những vướng mắc cấp bách và đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Thêm nữa, Chính phủ cũng cam kết tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ chế để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đưa Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động hiệu quả, tiếp tục kêu gọi, kết nối các nhà đầu tư nước ngoài để đa dạng hóa các quỹ đầu tư, đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Phó thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm có các hướng dẫn cụ thể về đầu tư mạo hiểm theo hướng khuyến khích các thành phần cùng tham gia, đồng thời có chính sách ưu đãi, thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài (về thủ tục cấp phép, cho phép rút vốn), thủ tục thành lập/giải thể doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ông Huệ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Khoa học Công nghệ xây dựng Chương trình tổng thể khởi nghiệp quốc gia trình Chính phủ phê duyệt trong cuối năm nay.

Ông Huệ cũng thay mặt Chính phủ giao cho Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương, hiệp hội liên quan và cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu phát triển gắn liền với mục tiêu thương mại hóa...

Ông Huệ cũng cho rằng cần tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thường niên nhằm tập hợp ý kiến đông đảo của cộng đồng khởi nghiệp để tư vấn, khuyến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong các chính sách liên quan đến khởi nghiệp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét