VNN - Năm 1995, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã công bố một báo cáo dày 350 trang về mạng lưới doanh nhân Trung Quốc ở nước ngoài, gọi họ là “một trong những lực lượng chính tạo ra sự tăng trưởng năng động đặc trưng trong khu vực”.
Điều này phản ánh vai trò kinh tế của hơn 50 triệu người thuộc cộng đồng Hoa kiều trên thế giới – sống hầu hết ở Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao và Đông Nam Á. Đầu những năm 1990, cộng đồng Hoa kiều được mô tả là đối thủ của Nhật Bản trong việc gây ảnh hưởng trong kinh doanh trên toàn châu Á, với tổng thu nhập tương đương GDP của Trung Quốc.
Đà tăng trưởng kỳ diệu của Trung Quốc từ giữa những năm 1990 đã khiến cộng đồng Hoa kiều ít được nhắc đến, nhưng điều này chỉ làm lu mờ vai trò chủ chốt của họ trong sự nổi lên của Trung Quốc. Cụm từ cộng đồng Hoa kiều chỉ là một cách nói giản tiện về những người Trung Quốc ở nước ngoài, hầu hết họ không phải những doanh nhân giàu có.
Nhưng chính họ đã đóng một vai trò nòng cốt trong sự phát triển của các ngành công nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc và góp phần hội nhập kinh tế nước nhà với khu vực theo cách cho phép Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng trong khi duy trì những nét đặc trưng của nền kinh tế chính trị trước năm 1979. Như vậy, cộng đồng Hoa kiều rõ ràng đã đem lại cho Trung Quốc một nguồn lực mà không một cường quốc đang nổi nào trước đó có được.
Từ đầu thời kỳ cải cách kinh tế ở Trung Quốc, cộng đồng Hoa kiều đã đóng góp một phần lớn trong đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc. Nguồn đầu tư này tập trung vào các lĩnh vực hướng đến xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng các mạng lưới sản xuất xuyên quốc gia mà ngày nay trói buộc các nước láng giềng với Trung Quốc thông qua hệ thống thương mại nội khu vực hội nhập bậc nhất thế giới.
Nhưng thành quả trên không phải là đã được định sẵn. Những năm 1980, Trung Quốc vẫn còn là một nước thiếu vốn, do tranh cãi chính trị về định hướng cải cách kinh tế. Trong những năm bấp bênh này, đầu tư về Trung Quốc của cộng đồng Hoa kiều bền vững hơn so với các đối tác cạnh tranh nước ngoài của họ, dựa trên các quan hệ văn hóa và tổ tiên để bù lại các nguy cơ chính trị. Họ cũng trực tiếp mở ra các cuộc thảo luận về cải cách: các chủ doanh nghiệp Hoa kiều phục vụ trong Hội thảo tham vấn chính trị nhân dân Trung Quốc và Quốc hội Trung Quốc, xây dựng các mối quan hệ ở mọi cấp, tới tận Đặng Tiểu Bình. Họ tác động đến việc xây dựng khái niệm và thực thi các đặc khu kinh tế (SEZs). Công nghệ và vốn họ đổ vào các SEZs này đã là động lực cho sự thăng hoa của ngành công nghiệp xuất khẩu của nước nhà, thúc đẩy chính giới tiếp tục tự do hóa và mở cửa.
Đầu tư của cộng đồng Hoa kiều đã làm sống lại các làng nghề của lĩnh vực tư nhân ở Trung Quốc và củng cố sự cân bằng trong cán cân thanh toán quốc gia, cho phép nhập khẩu hàng hóa tư bản để nâng cấp nền kinh tế trên quy mô lớn hơn. Việc này đã bù đắp đáng kể cho tình trạng rút vốn ồ ạt của phương Tây sau sự kiện Thiên An Môn, khi tăng trưởng của Trung Quốc sụt giảm xuống mức làm dấy lên lo ngại nguy cơ suy thoái.
Đến năm 1994, nền kinh tế Trung Quốc đã đảo chiều, trở thành câu chuyện về tăng trưởng ngoạn mục nhất khu vực. Doanh nhân Mỹ quan tâm đã thúc giục Tổng thống Clinton dỡ bỏ lệnh hành pháp của mình và trao lại cho Trung Quốc quy chế tối huệ quốc, đảm bảo rằng thị trường Mỹ sẽ trở thành một cỗ máy cho sự nổi lên của Trung Quốc.
Khả năng tăng trưởng hai con số của Trung Quốc trong khi duy trì một lĩnh vực nhà nước khổng lồ và không hiệu quả, một tài khoản vốn đóng kín và một hệ thống tài chính chưa phát triển, đã trở thành hiện thực nhờ việc xây dựng một bộ máy xuất khẩu dựa trên đầu tư nước ngoài. Tổng FDI đổ vào Trung Quốc từ năm 1979 – 2000 chiếm 1/3 GDP trong năm 2000, hơn một nửa số tiền này đến từ Hồng Kông, và hơn 3/4 đến từ các nước Đông Á, hầu hết từ cộng đồng Hoa kiều.
Khi FDI vào Trung Quốc từ các nguồn không phải Hoa kiều gia tăng, Hồng Kông và Singapore đã trở thành các trung tâm trung gian, với các hệ thống pháp lý kiểu Anh và tách biệt với thẩm quyền xét xử của Trung Quốc đại lục.
Khi nền kinh tế Trung Quốc cất cánh, các tương tác của cộng đồng Hoa kiều với nền kinh tế cũng được thích nghi. Hồng Kông, Singapore và Đài Bắc hiện là chìa khóa cho Trung Quốc quốc tế hóa đồng nội tệ của mình trong khi tiếp tục che chở nền kinh tế dưới sự kiểm soát các tài khoản vốn, điều có thể làm tăng sự bất chắc liên quan đến vai trò của London thời hậu Brexit. Chính phủ Singapore và các công ty tư nhân thực chất đều tham gia vào nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển bền vững và tinh vi hơn, ví dụ thông qua dự án Thành phố sinh thái Thiên Tân và Sáng kiến kết nối Trùng Khánh.
Cộng đồng Hoa kiều ở Đông Nam Á, vốn vẫn chế ngự lĩnh vực tư nhân ở các nước ASEAN, là những nhà đầu tư lớn về Trung Quốc và là người môi giới cho các tác nhân kinh doanh khác. Hiện, khoảng 90% thượng mại của Indonesia với Trung Quốc liên quan đến người Indonesia gốc Trung Quốc, dù tập trung trong những lĩnh vực mà họ không phải là chủ sở hữu chính như cơ sở hạ tầng và nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Một nhân tố khác khó định lượng nhưng một số người cho rằng Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy, là tác động vào dư luận về tổ tiên người Hoa ở một số nước ASEAN, đặc biệt là trong giới tinh hoa. Ví dụ điển hình nhất là Hoàng gia Thái Lan, nhưng sự kế thừa này còn có thể biểu hiện trong những cách đáng ngạc nhiên khác.
Ngày nay, cộng đồng Hoa kiều ngày càng gia tăng thông qua người di cư thế hệ đầu từ Trung Quốc, và bản thân Trung Quốc cũng đang hướng tới một nền kinh tế tăng cường tri thức với dày đặc các tương tác xuyên biên giới. Bản chất hay thay đổi của các cộng đồng Hoa kiều và quan hệ của họ với cố quốc là một chủ đề cần bàn thảo thêm, ít nhất vì họ ngày càng được chú ý về chính trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét