(TBKTSG) - Tranh cãi quanh Thông tư 20 cho đến nay vẫn chưa chấm dứt. Thông tư này yêu cầu thương nhân nào muốn nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy chỉ định hay giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu hay nhà phân phối của chính hãng sản xuất kinh doanh loại ô tô đó.
Bên muốn duy trì quy định này cho rằng ràng buộc như thế sẽ bảo vệ người tiêu dùng vì sẽ mua đúng hàng chính hãng, có hệ thống bảo hành chuyên nghiệp. Mới nhìn qua, ai cũng nghĩ quy định này là cần thiết để tạo ra tính chuyên nghiệp cho hệ thống kinh doanh xe hơi, loại trừ các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, ràng buộc hãng sản xuất ô tô có trách nhiệm với sản phẩm của họ lưu thông tại Việt Nam.
Bên phản đối thì nêu các lý do như người tiêu dùng phải có quyền có nhiều lựa chọn; quy định như Thông tư 20 là một dạng điều kiện kinh doanh, tạo ra sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp có ủy quyền và doanh nghiệp không có. Nhiều ý kiến cho rằng bỏ quy định này sẽ giúp tạo thị trường có cạnh tranh lành mạnh, chống liên kết độc quyền...
Thật ra vấn đề không nằm ở các lập luận nói trên từ cả hai phía.
Với các tập đoàn sản xuất ô tô nói riêng và các tập đoàn đa quốc gia nói chung, chính sách giá khác biệt giữa các vùng, các nước là một chính sách quan trọng. Cùng một sản phẩm, họ có thể bán với giá này ở nước này nhưng lại bán với giá cao hơn nhiều ở thị trường kia - tất cả phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mục đích sau cùng vẫn là tối ưu hóa lợi nhuận.
Xe XXX bán ế rề ở thị trường A nên giá phải giảm thật sâu; trong khi ở thị trường B xe XXX này bán chạy như tôm tươi, giá nâng lên rồi mà vẫn không đủ xe để bán. Chắc chắn tập đoàn ZZZ chủ nhãn hiệu xe XXX không muốn ủy quyền cho bất kỳ ai mua xe từ thị trường A đem qua thị trường B để bán cả. Thậm chí họ còn bỏ công sức để “lobby” sao cho cơ quan quản lý thị trường B ra lệnh cấm nhập xe từ thị trường A khi đó họ mới thoải mái định giá xe XXX.
Còn hàng chục lý do khác, kể cả gián tiếp hỗ trợ một công ty con của ZZZ đang lắp ráp xe mà tập đoàn ZZZ muốn duy trì các quy định như Thông tư 20.
Ngược lại, nhiều nước, khi rơi vào tình trạng như trên, sẵn sàng cho bất kỳ doanh nghiệp nào của nước họ nhập khẩu hàng không bị ấn định giá đem về bán, gọi là nhập khẩu song song. Nhập khẩu song song, vì thế, là vũ khí của nhiều nước đang phát triển, chống lại cách ấn định giá cho từng thị trường của các tập đoàn đa quốc gia. Nước nào không biết sử dụng công cụ này thì hỗ trợ chuyện cấm đoán, như vụ tiêu hủy sữa nhập khẩu song song theo yêu cầu của chính hãng sữa.
Như thế, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là xem thử đặc điểm của thị trường Việt Nam có cần áp dụng nhập khẩu song song hay không để thoát khỏi sự chi phối giá của các tập đoàn đa quốc gia và bảo đảm làm sao doanh nghiệp nhập khẩu song song cũng hội đủ điều kiện, chứ không phải vì những cân nhắc như đang được đưa ra để tranh luận chung quanh Thông tư 20.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét