LĐO - “Con ruồi” trong sản phẩm nước uống của Tân Hiệp Phát để lại cái giá quá đắt cho cả hai phía. Cá nhân anh Võ Văn Minh bị tuyên phạt 7 năm tù, Tân Hiệp Phát tổn thất hình ảnh và thiệt hại vật chất rất lớn. Nhưng điều đáng quan tâm hơn chính là cái hậu của vụ án, từ chuyện một con ruồi liệu có giết chết một con voi?
Sẽ không ai ủng hộ hành vi sử dụng chai nước có con ruồi để đòi tiền doanh nghiệp (DN) của anh Võ Văn Minh. Có thể anh Minh không nhận thức đầy đủ đó là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng chắc chắn anh hiểu rằng, dùng chai nước có ruồi để đòi 500 triệu đồng là không lương thiện. Về phía Tân Hiệp Phát, sẽ không ai bênh vực cho một DN cài bẫy để bắt một người tiêu dùng, cho dù đại diện phía Tân Hiệp Phát giải thích thế nào thì bản chất sự việc cũng không thay đổi. Nhưng chắc chắn Tân Hiệp Phát đã không thể ngờ rằng, sự việc đã đi quá xa, vượt ngoài khả năng xử lý, “gậy ông đã đập lưng ông” không phải một đòn đau mà có thể gây ra “tử vong”.
Dư luận phẫn nộ khi thấy một DN ứng xử theo kiểu gài bẫy để bắt người bỏ tù, cậy mình có tiền và sử dụng đồng tiền làm công cụ giải quyết xung đột hơn là ứng xử nhân ái và nhân văn. Cơn giận ấy lan tỏa trong cộng đồng như một làn sóng. Đa số đều muốn DN phải trả giá vì cài bẫy phi nhân đó hơn là quan tâm đến chất lượng của sản phẩm, cho nên không ít người lên tiếng kêu gọi tẩy chay Tân Hiệp Phát. Cũng vì quá ghét việc gài bẫy, cho nên dư luận quên luôn hành vi không lương thiện của anh Võ Văn Minh, xem anh như một nạn nhân hơn là một người “cưỡng đoạt tài sản” DN.
Tân Hiệp Phát đã trả giá cho việc xử lý khủng hoảng truyền thông sai lầm của họ. Thiệt hại vật chất ban đầu đôi lúc không quan trọng bằng hình ảnh thương hiệu bị cộng đồng đặt trong sự quan sát với các góc nhìn tiêu cực. Như vậy, từ một con ruồi, vụ việc trở thành vụ án, hậu quả là một người chịu án 7 năm tù, một DN mất mấy ngàn tỉ đồng, và có thể DN sẽ sập tiệm vì người tiêu dùng
tẩy chay.
Trước những ý kiến đòi tẩy chay sản phẩm Tân Hiệp Phát, luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư Cần Thơ) đã có ý kiến: “Từ chỗ sử dụng sản phẩm có lỗi của nhà sản xuất để mưu cầu lợi ích cho cá nhân, người thanh niên này bỗng chốc nổi tiếng. Tôi không đồng ý nếu cổ súy cho cách làm của anh Minh. Tất cả sản phẩm đều do con người làm ra và do đó đều có thể có khiếm khuyết, nhưng cũng không nên vì lỗi đó mà “đánh chết” một DN, thay vì giúp họ khắc phục thiếu sót để trở nên hoàn thiện hơn”. Doanh nhân Võ Tiến Cường - ông chủ sản phẩm Virgin Coffee - trao đổi: “Để xây dựng được một nhà máy là vô cùng khó khăn, gian truân, không nên kêu gọi tẩy chay để làm sập tiệm một DN 100% vốn VN với mấy nghìn lao động”.
Những ý kiến trên rất đáng để suy nghĩ, bởi vì sự việc đến đâu xử lý đến đó một cách bình tĩnh và công tâm thì sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Tân Hiệp Phát đã bị trừng phạt vì sai lầm của họ, nhưng có cần phải “đánh” cho họ sập tiệm không? Một DN xây dựng cơ nghiệp mấy chục năm để có một thương hiệu không hề đơn giản, họ phải trải qua bao nhiêu thăng trầm, nhất là trong môi trường kinh doanh rất dễ gây sát thương và lắm rủi ro như VN. Thử thoát ly khỏi cảm xúc căm ghét “thằng gài bẫy” để quan sát với thái độ khách quan, sẽ thấy nếu như cộng đồng tẩy chay, DN phá sản, nhà máy đầu tư trên 500 triệu USD thành kho phế liệu, 4.000 công nhân trực tiếp làm việc tại nhà máy mất việc làm, chưa kể 10.000 lao động gián tiếp trong chuỗi hệ thống. Sau đó là thị phần nước uống của một DN gầy dựng 20 năm được trao lại cho các hãng nước ngoài như Coca-Cola, Pepsi, Redbull. Trong khi Tân Hiệp Phát đóng thuế mỗi năm 1.000 tỉ đồng, còn các ông lớn nước ngoài luôn luôn báo lỗ. Nếu điều đó xảy ra, thì không chỉ kết liễu số phận một DN trong nước, mà thiệt hại cho xã hội.
Ai cũng biết VN không có nhiều doanh nhân xây dựng được thương hiệu lớn, ai cũng nhận thức rằng phải ủng hộ sản phẩm của VN để thúc đẩy sản xuất trong nước. Ủng hộ hàng VN không phải chỉ dùng hàng VN, mà còn có sự bao dung khi nhà sản xuất trong nước có những sai lầm về xử lý khủng hoảng truyền thông hay sai sót về sản phẩm. Các hãng ôtô lớn trên thế giới cũng gặp sai sót và thu hồi hàng vạn chiếc để sửa lỗi, đó là chuyện VN đã chứng kiến. Tân Hiệp Phát chỉ đáng “chết” khi làm ra sản phẩm kém chất lượng, lừa bịp người tiêu dùng, điều này do tự DN quyết định lấy số phận của chính mình. Hãy cho họ một cơ hội sau bài học đắt giá này.
Một DN sống sót và phát triển trong môi trường khắc nghiệt và điều kiện khó khăn hiện nay thì phải có sự nâng đỡ từ chính sách hiệu quả của nhà nước, đồng thời phải có sự hỗ trợ từ cộng đồng. Nếu như sản phẩm chưa đến mức tệ hại, gây nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng thì không nên quay lưng để DN phải phá sản. Nếu Tân Hiệp Phát bị tẩy chay dẫn đến sập tiệm, cộng đồng DN cũng sẽ hoang mang, bởi vì bên cạnh nhiều rủi ro họ đang đối mặt, còn một rủi ro tiềm ẩn khác, đó là chỉ cần gặp khủng hoảng truyền thông nhưng xử lý không tốt, bất cứ DN nào cũng sẽ tiêu tan sự nghiệp trong phút chốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét