Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Những cảnh báo bị lãng quên

Phạm Chi Lan

(TBKTSG) - Từ năm 2008, tại một hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức, tôi đã nêu các vấn đề lớn cần quan tâm trong thu hút FDI. Nay xin được nhắc lại vì tám năm qua những vấn đề này vẫn còn nguyên. Đó là:

- Xác định mục tiêu chiến lược trong thu hút FDI, đặc biệt về các nhân tố: ngành/lĩnh vực nào, công nghệ nào, từ nước/nhà đầu tư nào, nhằm mục tiêu phát triển cụ thể gì cho Việt Nam trong trung và dài hạn...

- Xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, sòng phẳng, minh bạch, ổn định ở Việt Nam cho các nhà đầu tư trong nước và FDI...

- Tăng cường năng lực xem xét, thẩm định, giám sát của Nhà nước và sự phối hợp giữa các ngành, với các địa phương để cải thiện chất lượng thu hút FDI ở Việt Nam; đặc biệt tránh: (1) những dự án bị thổi phồng về số vốn, về viễn cảnh lợi nhuận cho cả nước chủ nhà và nhà đầu tư; (2) những dự án đòi hỏi quá lớn về nguồn cung cấp năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, đất đai, nguồn nhân lực giá rẻ...; (3) những dự án gây ô nhiễm môi trường (công nghệ lạc hậu; nhà đầu tư lợi dụng tình trạng quản lý lỏng lẻo ở Việt Nam để phớt lờ yêu cầu về bảo vệ môi trường); (4) những dự án không phù hợp lợi ích phát triển lâu dài của Việt Nam, tạo dư thừa công suất quá lớn mà khó có triển vọng khai thác, sử dụng; (5) những dự án sử dụng công nghệ, thiết bị thải loại (biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ, kìm hãm các ngành về năng suất, chất lượng và trình độ phát triển); (6) những dự án của các đối tác không có thực lực hoặc không nghiêm túc (kinh doanh giấy phép, vẽ ra dự án); (7) những dự án theo kiểu “cướp ngân hàng” như Ấn Độ đang cảnh báo (nhà đầu tư dựa vào giấy phép hoặc đất được cấp để vay của các ngân hàng nội địa).

- Các biện pháp, công cụ và chế tài để thực hiện những mục tiêu trên.

- Đặc biệt, cần xem xét cẩn trọng các nguồn lực “đối ứng” ở trong nước để tiếp nhận các dự án FDI đang tăng lên nhanh chóng, nhất là với một số dự án quy mô hàng tỉ đô la Mỹ... Những nguồn lực về con người (đội ngũ quản lý nhà nước các ngành, các cấp; đội ngũ tham gia quản lý và lao động tại FDI) và những nguồn lực khác (điện, giao thông, hạ tầng, các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ, các nguồn nguyên liệu...) ta không dễ đáp ứng, trong khi ngay cho nhu cầu phát triển của doanh nghiệp trong nước cũng đang thiếu nghiêm trọng. Nếu muốn đáp ứng cho khu vực FDI có thể phải đầu tư thêm rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế, hoặc phải “nhịn” phần mình để dành cho họ, hoặc phải nhập từ bên ngoài vào, tất cả đều có giá phải trả. Liệu chúng ta có tính được hết cái giá đó, có tính được khả năng trả, và nền kinh tế cùng người dân Việt Nam có sẵn sàng trả không?”.

Những điều tôi nêu cách đây tám năm đến nay gần như chưa thay đổi, và thực tế cho thấy thậm chí chúng ta ngày càng phạm nhiều hơn vào chính những điều cần tránh, gây ra những tổn thất nặng nề hơn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp và người dân Việt.

Bài viết Thu hút FDI: những góc khuất nguy hiểm của GS.TS. Trần Ngọc Thơ (tr.22) cảnh báo với những lý lẽ và dẫn chứng hết sức rõ ràng, sâu sắc về “những góc khuất” vô cùng nguy hiểm của FDI, đặc biệt từ góc độ quốc tịch của các công ty đa quốc gia (MNC) và FDI. Tôi hoàn toàn tán thành những ý kiến rất xác đáng của GS.TS. Trần Ngọc Thơ về nguy cơ từ các MNC và FDI của Trung Quốc, mà ngay cả các nhà lãnh đạo EU cũng phải quan ngại trên góc độ an ninh và chính trị.

Tôi chỉ muốn bổ sung thêm: ở Việt Nam, nguy cơ này còn tăng thêm do mấy lẽ. Trước hết, từ phía Việt Nam, không ít quyết định chọn dòng vốn, nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài được dựa vào quan hệ chính trị để dành cho Trung Quốc những lợi thế mà các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư FDI khác đều phải chào thua. Thứ hai, cơ chế kém minh bạch và trách nhiệm giải trình ở Việt Nam khiến cho sự “đi đêm” rất dễ diễn ra trong các dự án đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, các dự án FDI mà chính quyền các cấp có thẩm quyền quyết định. Thứ ba, năng lực đánh giá, thẩm định của các cơ quan có trách nhiệm đối với các dự án FDI khá hạn chế; riêng về thẩm định quốc tịch của MNC và FDI càng khó hơn trong bối cảnh hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) liên tục diễn ra, khiến cho quốc tịch của MNC và FDI có thể biến hóa khó lường.

Về phía Trung Quốc, họ rất khôn ngoan trong việc tận dụng tối đa “quan hệ bốn tốt” và tác động chính trị trong quan hệ kinh tế với Việt Nam theo cách có lợi nhất cho họ, cũng như trong việc sử dụng các quan hệ kinh tế để phục vụ các ý đồ, tham vọng khác của họ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc là bậc thầy về các bẫy bỏ thầu hay chào hàng giá rẻ, chi phí hoa hồng, “lại quả” cao, thiết kế các cam kết mù mờ, lỏng lẻo có thể dễ dàng vi phạm. Ngoài ra, họ quá hiểu Việt Nam và biết đường đi nước bước để tránh né sự kiểm soát của phía chủ nhà như thế nào.

Do vậy, dù được GS.TS. Trần Ngọc Thơ cảnh báo, nhưng ta có tránh được hiểm nguy từ những góc khuất đã được nêu ra hay không có thể lại là chuyện khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét