Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

7,3 tỷ USD đang được "cất giấu" ở nước ngoài?

Bích Diệp

Dân Trí - Trong quý III/2015, dòng vốn đầu tư khác mà cấu phần chủ yếu là tiền gửi ở nước ngoài, vốn không đáng kể ở những giai đoạn trước, đã gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD. Xu hướng này dự kiến sẽ tăng sau khi Ngân hàng Nhà nước đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ về 0%.

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) dẫn số liệu thống kê đến quý III/2015 cho biết, cán cân thanh toán đã có những diễn biến bất thường sau sự kiện Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ vào tháng 8/2015.

Theo đó, cán cân tổng thể chuyển từ trạng thái cân bằng sang thâm hụt lớn 6,6 tỷ USD trong quý III/2015, chủ yếu do cán cân tài chính đổi chiều.

Đáng lưu ý, hai cấu phần quan trọng nhất của cán cân tài chính là dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài không có sự biến động đáng kể. Tuy nhiên, một nhân tố mới xuất hiện là dòng vốn đầu tư khác mà cấu phần chủ yếu là tiền gửi ở nước ngoài, vốn không đáng kể ở những giai đoạn trước, đã gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện VEPR cho biết: "Vì con số này quá lớn và bất thường nên chúng tôi đã đưa vào báo cáo lần này. Bình thường, khoản này chỉ chưa tới 2 tỷ USD".

"Đây là diễn biến bất thường cần phải tiếp tục theo dõi xu hướng, giải thích và dự báo xu hướng chặt chẽ" - bản báo cáo của VEPR nhấn mạnh. Đồng thời, VEPR cũng lưu ý thêm, trong cùng giai đoạn trên, trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng thương mại không có sự biến động quá lớn.

Theo giả thuyết của nhóm nghiên cứu, diễn biến bất thường này, một phần có thể xem như tình trạng "bẫy thanh khoản" với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng.

Với giả thuyết này, từ nửa cuối năm 2015, các ngân hàng thương mại không tìm được đầu ra cho dòng vốn tiết kiệm ngoại tệ nên gửi tiền không kỳ hạn hoặc kỳ hạn ngắn ở ngân hàng nước ngoài là giải pháp sinh lợi tối ưu nhất.

Thêm vào đó, việc đưa lãi suất huy động ngoại tệ về 0% đã triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ có kỳ hạn và phần lớn các khoản tiền gửi ngoại tệ sẽ ở dưới dạng không kỳ hạn. Như vậy, dòng tiền gửi ở nước ngoài có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong các giai đoạn sau. Giải pháp này cũng sẽ được các ngân hàng thương mại lựa chọn khi gặp khó khăn trong việc cân đối thanh khoản ngoại tệ và cung ứng các khoản vay ngoại tệ cho doanh nghiệp.

Để tận dụng được nguồn vốn ngoại tệ khối lượng lớn đang gửi ở nước ngoài, VEPR cho rằng, NHNN nên triển khai những giải pháp đồng bộ để tạo được niềm tin vào tiền đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét