(VTC News) – 'Phù thủy thiết kế' Nguyễn Tri Phương Đông đã chia sẻ với 338 tân cử nhân về 5 bài học giá trị nhất trong cuộc sống.
Từ những câu chuyện thực tế mình đã có, ông Nguyễn Tri Phương Đông (Giám đốc sáng tạo Công ty Đại Việt Hoàng Cầu, tác giả cuốn cẩm nang du lịch Saigon Zoom In) đã gửi gắm những ý nghĩa thiết thực khi sinh viên ra trường làm việc dành cho 338 tân khoa tại Lễ tốt nghiệp Đại học FPT.
Chuyên gia thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông - người từng được tạp chí Graphic Design USA trao tặng giải thưởng “American Graphic Design Award 2014” được coi như "phù thủy thiết kế" ở Việt Nam.
Sau đây là những chia sẻ của ông Nguyễn Tri Phương Đông với các tân cử nhân:
Khi còn đang đi học, tôi được người thầy dạy rằng, có hai cách học là học để theo và học để tránh. Khi ra đời, tôi đã thấm thía bài học đó.Xin có vài bài học nhỏ của bản thân để chia sẻ với các bạn ngày hôm nay.
Bài học về thái độ đối với công việc
Ông chủ nhà hàng tại Đức nơi tôi du học về thiết kế truyền thông đã dạy tôi bài học thấm thía.Vào hôm khách vắng, tôi trực ở quầy nước, trước đó một tuần tôi bị đứt tay.
Hôm đó tôi rửa ly và cố gắng tránh ngón tay đau và vô tình làm vỡ ly. Ông chủ đi ngang có nói, làm việc dễ dàng như rửa ly mà còn vỡ thì mai này tôi làm được gì?
Việc vỡ một cái ly trong đời không lớn nhưng ông chủ đầu tiên trong đời đã cảnh tỉnh tôi, khiến về sau, tinh thần tôi mang theo là làm cái gì phải ra cái đó, phải tử tế, từng việc nhỏ trong hằng ngày.
Hãy cố gắng giỏi nhất theo cách của mình, nuôi chí lớn khởi nghiệp để tiến về phía trước.
Bài học về nhân sự
Năm 1995 khi làm việc cho một công ty quảng cáo, phụ trách các nhãn hàng như Cocacola, Fanta, Sprite… tôi cùng với sếp tham gia phỏng vấn nhân sự.
Có một cô họa sĩ khi trả lời phỏng vấn khi hỏi về đề bạt mức lương là bao nhiêu, cô trả lời, “Công ty cũ là 4 triệu, ở đây cho bao nhiêu thì cho”.
“Cho bao nhiêu thì cho” với một tập đoàn quảng cáo lớn nhất toàn cầu thì đó không phải là tinh thần chúng ta chờ đợi mạnh mẽ.
Sau này, khi tiếp xúc với các bạn phương Tây, tôi nhận ra một kinh nghiệm, chúng ta nói với nhau rằng“hãy sống như vậy hoặc sẽ bị như vậy”.
Phải luôn luôn cố gắng tiến lên bằng mọi cách.Tất nhiên cô này bị từ chối nhận vào làm việc.
Hãy làm việc chuyên nghiệp và có thái độ chuyên nghiệp, hành xử chuyên nghiệp, nghĩ một cách quyết liệt và làm cho đến cùng.Sống là không chờ đợi nhưng sống chủ động là năng lượng tích cực để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bài học từ khách hàng
Vào đầu thập niên 2000, tôi có gặp một khách hàng, người này cầm trong tay thiết kế cao cấp khá chỉn chu và đã hoàn tất hợp đồng.
Theo lời ông này thì đây là một thiết kế đúng, đẹp nhưng không hay vì sản phẩm không mùi vị, thiếu hồn cốt. Và bày tỏ kỳ vọng hơn nữa, ông ta nói với tôi rằng, “tôi trả tiền cao hơn ông có vẽ đẹp hơn được không?”.
Tôi một lần nữa được cảnh tỉnh, về sự tinh tế của sản phẩm, về sự tò mò, thách thức “liệu trả tiền cao hơn có ra một sản phẩm xứng đáng hơn”.
Benjamin Franklin có câu “Thất bại trong chuẩn bị cũng có nghĩa là chuẩn bị thất bại”.
Tôi cảm thấy, mình đã thất bại khi chưa đủ tinh tế và chưa chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi tình huống. Hãy chuẩn bị thường xuyên để không bỏ lỡ cơ hội.
Bài học từ một đứa trẻ
Cách đây 30 năm, có lần một đứa trẻ hỏi tôi: “Người lớn có phải nói dối nhiều hơn con nít hay không?”.
Sau đó tôi biết được, đứa bé ấy cảm thấy buồn và thất vọng bởi ba mẹ đã hứa đưa đi chơi và mua cho bé một đôi giày mới nhưng rồi lại không thực hiện được.
Câu hỏi của đứa trẻ cứ ám ảnh tôi mãi. Các bạn trẻ, nếu bạn rèn luyện được sự trung thực trong mọi hoàn cảnh, mọi môi trường sống, chí ít về lâu dài, lòng tham sẽ dần bị triệt tiêu, sẽ không có những vấn nạn gây ấn tượng xấu đối với bè bạn năm châu, tiêu biểu như tham nhũng.
Với khát vọng trẻ của mình, các bạn hãy cố gắng yêu lấy tổ quốc bằng những điều giản đơn như yêu bản thân, vun đắp cho gia đình, cố gắng giàu có và thành công để cống hiến cho quốc gia nơi bạn đang sống.
Hãy trung thực hết khả năng có thể. Nếu có vị thế hay tiền bạc, hãy nghĩ đến cộng đồng, xã hội.
Bài học về tinh thần khởi nghiệp
Năm 2006, tôi được cấp Visa sang Mỹ định cư, trong vòng 6 tháng phải chuyển đi. Điều ấy có nghĩa là tôi sẽ phải bắt đầu từ con số âm, nói cách khác, tôi sẽ phải “khởi nghiệp” ở tuổi 40.
Năm 2014, tôi nhận được chứng chỉ giá trị về thiết kế sau 4 năm học, cũng giống như các bạn bây giờ.
Nghĩ tới những nỗ lực của bản thân khi một lần nữa phải trở lại điểm xuất phát sau 20 năm trong nghề, khi cầm chứng chỉ trên tay, tôi dành 10 phút để nhớ kỷ niệm xưa, 10 phút để khóc, rồi lại tiếp tục làm nghề cho đến hôm nay. Đến nay, rất may mắn tôi đã có 6 giải thưởng quốc tế trong lĩnh vực của mình.
Kiến thức thay đổi đời tôi, kiến thức khiến tôi sống đến cùng và tôi tin kiến thức sẽ thay đổi cuộc sống các bạn.
Khái niệm khởi nghiệp có lẽ đã không còn mới trong những năm gần đây ở Việt Nam. Tôi đánh giá,tinh thần khởi nghiệp quan trọng hơn tổ chức nên một công ty start-up, bởi trên tất cả, tinh thần ấy sẽ theo các bạn đến cuối đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét