Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Phát hiện mè đen bị nhuộm than pin tại Phú Yên

La Giang

(NTD) - Từ Phú Yên, ông Huỳnh Lê Định (57 tuổi, TP. Tuy Hòa) gửi thư về Báo Người Tiêu Dùng để cảnh báo việc ông phát hiện mè (vừng) đen mua tại các chợ ở Tuy Hòa đều bị nhuộm hóa chất màu đen, nghi là than từ lõi pin đã qua sử dụng.

Theo trình bày của ông Định, từ tháng 7/2015, sau khi nghe Đại đức Thích Tuệ Hải trụ trì Chùa Long Hương tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai thuyết giảng về phương pháp ăn dưỡng sinh bằng cơm gạo lức với muối mè để phòng bệnh, ông bắt đầu sử dụng muối mè đen trong bữa cơm hằng ngày.

Liên tục sử dụng mè đen trong một thời gian dài, gần đây ông Định được người thân cảnh báo mè đen trên thị trường nói chung, chợ trung tâm Tuy Hòa nói riêng đều bị nhuộm than đen trong lõi pin.

Giật mình với cảnh báo của người thân, “Sẵn ở nhà còn 1 kg mè đen mua về chưa sử dụng, tôi đã cho vào thau nước nhỏ ngâm, sau khoảng 2 phút, nước trong thau đã chuyển thành màu đen, dùng tay vò nhẹ thì nước có màu đen kịt. Sau đó, tôi cho mè vào thau lớn đổ đầy nước, vò mạnh nước tiếp tục chuyển đen. Phải rửa đến lần 5 nước mới trong”, ông Định tường thuật lại.

Điều đặc biệt khiến ông lo lắng chính là: “Sau khi để nước ngâm mè lần 1 và lần 2 một lúc cho nước lắng xuống, ở đáy thau đóng một lớp cặn màu đen đặc quánh, dùng tay bóp thì có độ nhầy nhầy như dầu nhớt dùng cho xe máy”.

Theo mô tả của ông Định, hạt mè sau khi rửa thì thấy hạt mè đen chỉ có màu đen nhạt, lẫn nhiều mè vàng. Mè đen được ông mua ngoài chợ với giá từ 45.000-50.000 đồng/kg, sau khi tận tay “thử nghiệm” ông đã đi tìm hiểu nhiều nơi và khẳng định mè đen tại Tuy Hòa có màu sắc giống nhau và nghi đều bị nhuộm.

Khi cất công so sánh với hạt mè bình thường thì hạt mè mà ông đã từng sử dụng, hiện vẫn bày bán ngoài chợ có màu đen bóng, hạt mẩy hơn rất nhiều; khi ăn hạt mè nghi bị nhuộm thì có cảm giác nhớt nhớt trong miệng.

Sau thời gian sử dụng mè đen, gạo lức trong bữa ăn để phòng bệnh, thay vì khỏe mạnh ông nhận thấy cơ thể có những biểu hiện như da khô, nổi vẩy nến và đường ruột không còn ổn định như trước. Ông Định cho rằng, bản thân ông không biết lớp cặn đó là hóa chất gì, độc hại như thế nào đối với sức khỏe con người nhưng theo ông nó thực sự rất đáng sợ khi cơ thể đã hấp thụ trong một thời gian dài.

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, pin là thứ không được phép dùng trong sản xuất và chế biến thực phẩm. Trong pin có nhiều hóa chất, kim loại nặng như: chì, thủy ngân, cadmium... rất độc hại đối với não, thận, hệ thống tiêu hóa và sinh sản của con người. “Chì, magiê, mangan trong pin sẽ khiến người ăn bị ngộ độc. Nhẹ thì sẽ bị ngộ độc tiêu hóa, nặng hơn và lâu dài có thể gây ung thư”, ông Thịnh cảnh báo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét