Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Người Thái tiếp tục ‘thôn tính’ ngành nhựa Việt Nam

TTTG - Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, chưa bao giờ ngành này phải đứng trước nguy cơ bị thâu tóm lớn như hiện nay, đặc biệt là với làn sóng mua bán – sáp nhập (M&A) đến từ các nhà đầu tư Thái Lan.

Dựa dẫm để… tái cơ cấu

Không có số liệu đầy đủ các doanh nghiệp (DN) trong nước đã về tay người Thái nhưng chỉ riêng Tập đoàn SCG của nước này đã bỏ vốn vào hơn 20 DN nhựa Việt Nam. Năm 2015, SCG đã mua 80% cổ phần Công ty Nhựa Tín Thành – DN tốp đầu trong lĩnh vực nhựa bao bì của nước ta.

SCG còn nắm giữ cổ phần lớn tại 4 DN chuyên sản xuất nhựa gia dụng – bao bì, gồm: Liên doanh Việt – Thái Plastchem, Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Chemtech và Vật liệu nhựa Minh Thái.

Không chỉ vậy, SCG cũng nắm giữ 20% cổ phần tại Công ty Nhựa Bình Minh, gần 25% cổ phần ở Nhựa Tiền Phong. Nếu tăng tỉ lệ sở hữu và thâu tóm Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong, SCG sẽ làm chủ thị trường nhựa xây dựng Việt Nam do 2 DN này hiện giữ khoảng 50% thị phần.

Không dừng lại ở đó, SCG và nhiều DN Thái đang tiếp tục mua gom DN nhựa Việt Nam. Một số DN Thái lên tiếng muốn mua lại toàn bộ cổ phần nhà nước thoái vốn tại các công ty nhựa trong năm 2016.

Việt Nam hiện có gần 3.000 DN nhựa, doanh thu 250.000 tỷ đồng/năm. Ông Trần Việt Anh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TP HCM – cho biết 99,8% DN nhựa trong nước thuộc tư nhân, khoảng 100 DN thuộc tốp đầu chiếm phần lớn doanh số của ngành. Hiện nay, các DN Thái chủ yếu nhắm vào 100 DN tốp đầu.

Theo ông Việt Anh, do DN nội địa không tự tin trong cạnh tranh, không có đội ngũ kế thừa nên chấp nhận bán khi nhà đầu tư nước ngoài trả giá cao. Bên cạnh đó, gần đây, không ít DN nhựa ở TPHCM có biểu hiện đuối sức, năng lực sản xuất – kinh doanh giảm sút, hợp tác hoặc bán một phần cổ phần cho nước ngoài là lựa chọn bắt buộc để tái cấu trúc, tăng khả năng cạnh tranh.

Lợi thế hội nhập bị nước ngoài khai thác

Lý giải nguyên nhân DN Thái đầu tư mạnh vào ngành nhựa, ông Hồ Đức Lam – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Rạng Đông, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam – cho rằng mục tiêu mà họ nhắm đến là khai thác tiềm năng thị trường còn rất lớn và lợi thế từ các hiệp định thương mại Việt Nam vừa tham gia.

Trong 3 năm trở lại đây, ngành nhựa tăng trưởng rất ấn tượng, đạt 15%-17%/năm. Mức tiêu thụ nhựa bình quân ở Việt Nam là 41 kg/người/năm, thấp hơn so với các nước trên thế giới (mức trung bình thế giới là 47 kg/người/năm, các nước châu Âu và Mỹ lên đến trên 100 kg).

Từ năm 1990 đến nay, mức tiêu thụ này tăng trưởng rất nhanh (năm 1990 là 38 kg/người/năm), cho thấy nhu cầu sản phẩm nhựa ở Việt Nam sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các DN khai thác. Bên cạnh đó, Việt Nam vừa tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhà đầu tư các nước đổ vào đây để tận dụng lợi thế này.

“Nhà đầu tư Thái đang có trào lưu đổ vốn vào Việt Nam, trong đó tập trung nhiều vào ngành nhựa. Khi đến Việt Nam làm ăn, họ liên kết chặt chẽ với nhau, không chỉ tập trung sản phẩm đầu cuối mà còn sản xuất nguyên phụ liệu, khép kín từ đầu vào cho đến đầu ra, gây sức ép lớn đối với DN nội địa.

Nhiều thương hiệu lớn trong ngành nhựa đã lần lượt về tay người nước ngoài, DN nào không bán thì phải cạnh tranh gay gắt và đứng trước nguy cơ thua thiệt, bị đẩy ra khỏi sân chơi hội nhập” – ông Lam nhìn nhận.

Theo nhiều DN trong nước, Việt Nam và Thái Lan tương đương nhau về công nghệ nhựa, DN Thái cũng chưa đưa công nghệ mới vào Việt Nam. Tuy nhiên, DN nhựa ngoại hiện chỉ chiếm 15% về số lượng nhưng lại sở hữu đến 40% tổng đầu tư toàn ngành.

Trong năm 2016, nhà nước thoái vốn tại nhiều DN nhựa, mức tổng đầu tư toàn ngành nhựa sẽ tiếp tục thay đổi mạnh theo hướng DN ngoại ngày càng chiếm ưu thế. “DN Thái vay vốn tại nước họ với lãi suất 1%, thậm chí có dự án lãi suất 0%. Trong khi đó, DN trong nước phải chịu lãi vay 6%-7% nên rất khó cạnh tranh với họ” – ông Việt Anh so sánh.

Để hỗ trợ DN nâng cao sức cạnh tranh, Hội Cao su – Nhựa TPHCM đã đề xuất TP quy hoạch khu tập trung cho DN nhựa, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi nhằm tiết giảm chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, giảm chi phí vận tải và tăng cường hợp tác, hỗ trợ giữa các DN. Mới đây, ông Việt Anh còn kiến nghị nhà nước có chính sách cho DN nợ thuế được trả chậm và không phạt nợ quá hạn để DN giảm áp lực tài chính, dồn lực cạnh tranh.

Theo Người Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét