Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Big C là “cô gái xinh đẹp”!

Quốc Hùng

(TBKTSG) - Cuộc đua thâu tóm chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam (đang thuộc sở hữu của tập đoàn Casino- Pháp)  ngày càng nóng khi lộ diện thêm những tập đoàn lớn của nước ngoài và cả doanh nghiệp trong nước tham gia. Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op, cho biết nhà bán lẻ này đã được chọn vào vòng đấu giá tiếp theo, sau vòng sàng lọc đầu tiên. Theo kế hoạch, Casino sẽ tổ chức vòng đấu giá tiếp theo trong tháng tới.

Quá nhiều “chàng trai” đeo đuổi

Đến giờ này tập đoàn Casino vẫn chưa công bố chính thức doanh nghiệp nào tham gia đấu giá mua lại chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam, nhưng Reuters, Bloomberg, Wall Street Journal... đã “xì ra” những cái tên nước ngoài mới như Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản)... bên cạnh TCC Holding và Central Group (cùng của Thái Lan). Điều đáng chú ý là Việt Nam cũng có ba doanh nghiệp tham gia, nhưng chỉ có hai cái tên được nói rõ là Saigon Co.op và Masan.

Theo The Wall Street Journal, Casino chỉ chọn năm đơn vị tham gia vào vòng đấu giá thứ hai sắp tới.
Theo dự báo ban đầu, chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam có thể mang về cho Casino khoảng 800 triệu đô la Mỹ. Thế nhưng, The Wall Street Journal, dẫn một nguồn tin, cho rằng đã có một vài đơn vị tham gia đấu giá vòng đầu định giá hệ thống siêu thị này ở mức hơn 1 tỉ euro.

So với thời điểm Casino công bố bán Big C Việt Nam cuối năm 2015 thì giờ đây, mọi dự đoán về người có khả năng mua cũng gần như thay đổi.

Khi đó, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng 80% khả năng doanh nghiệp nước ngoài sẽ mua lại Big C Việt Nam mà phần lớn nghiêng về hai tập đoàn Thái Lan. Tuy nhiên giờ đây ông Phú dự đoán khả năng mua được của phía doanh nghiệp nước ngoài chỉ là 60% và không còn nghiêng nhiều về phía doanh nghiệp Thái Lan. Theo ông Phú để có cơ may sở hữu được chuỗi kinh doanh này, các doanh nghiệp Việt Nam phải hợp sức về vốn, cần có một thủ lĩnh trong cuộc chơi.

Trong khi đó, một chuyên gia khác cho rằng trong các thương vụ mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A), vấn đề tài chính không phải là điều kiện quan trọng, bởi doanh nghiệp tham gia đấu giá chưa hẳn sử dụng hoàn toàn nguồn vốn của mình mà đằng sau có thể là vốn của tổ chức khác. Theo vị chuyên gia này, vấn đề động cơ hay mục tiêu của cuộc chạy đua giành quyền mua lại chuỗi siêu thị này mới là yếu tố quyết định.

Động cơ của các bên tham gia là gì?

Theo vị chuyên gia này, do phần lớn điểm kinh doanh của Big C ở Việt Nam là thuê dài hạn của các chủ tòa nhà chung cư hoặc hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong nước đầu tư xây dựng, nên “khách mua” Big C không mua vì tài sản mà vì cơ hội kinh doanh nhiều hơn. Nhưng bỏ đến bạc tỉ euro để thâu tóm chuỗi kinh doanh này nhằm mục đích kinh doanh bán lẻ để mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn lại là chuyện không tưởng!

Như trường hợp của hai tập đoàn Thái Lan là TCC Holding và Central Group, họ đầu tư mạnh vào chuỗi bán lẻ Việt Nam trong thời gian gần đây có lẽ  không chỉ đơn thuần là để kinh doanh bán lẻ. Có thể họ định đưa hàng Thái Lan (mà họ có liên kết sản xuất hoặc phân phối) vào thị trường Việt Nam để tận dụng việc miễn, giảm sâu thuế sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm rồi.

Còn trong mắt các tập đoàn lớn ngoài khu vực ASEAN như Lotte, Aeon... do Việt Nam được đánh giá là thị trường bán lẻ tiềm năng nhất trong ASEAN, nên họ đã không ngừng rót thêm vốn đầu tư. Với tiềm lực tài chính mạnh và có nhiều kinh nghiệm bán lẻ ở thị trường chính quốc và quốc tế, Lotte và Aeon từ đầu đã xác định mảng bán lẻ là phải xây dựng, đầu tư dài hơi. Nhưng việc mở thêm điểm bán mới ở Việt Nam không dễ dàng do bị kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Do đó, thâu tóm được chuỗi siêu thị Big C thì có thể giúp họ tiết kiệm được từ 7-10 năm cho việc xây dựng cũng như nhiều chi phí khác để phát triển chuỗi kinh doanh.

Vậy với doanh nghiệp trong nước như Saigon Co.op thì sao? Về quyết định nhập cuộc của Saigon Co.op, ông Diệp Dũng cho rằng trước tiên điều đó thể hiện vị thế của một doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Mặt khác, Saigon Co.op phải có trách nhiệm với nhà sản xuất nội địa và với người tiêu dùng. 

Vị chuyên gia nói ở trên cho rằng nếu đúng như những gì ông Dũng chia sẻ thì rõ ràng Saigon Co.op vì “nghĩa lớn” hơn là nhu cầu của chính mình. Mặt khác, việc Saigon Co.op bỏ ra đến 1 tỉ euro để tranh mua chuỗi siêu thị của Big C liệu có “đáng đồng tiền bát gạo”, trong khi Saigon Co.op luôn được chính quyền TPHCM và các địa phương hỗ trợ, hoan nghênh chào đón để đầu tư kinh doanh trong những năm qua, vị chuyên gia này đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng dù Saigon Co.op đang dẫn đầu về độ phủ điểm bán trên cả nước nhưng chỉ dẫn đầu về thị trường bán lẻ ở khu vực phía Nam, trong khi đó hệ thống siêu thị Big C dù đứng thứ hai về số lượng điểm bán nhưng lại dẫn đầu thị trường khu vực phía Bắc. Bản thân Saigon Co.op trong quá khứ đã từng nhiều lần Bắc tiến nhưng chưa bao giờ lặp lại thành công ở phía Nam trên đất Bắc. Do đó, thâu tóm được chuỗi siêu thị Big C sẽ giúp Saigon Co.op dẫn đầu thị trường bán lẻ cả nước - vị thế sẽ mang lại nhiều lợi ích và quyền lực trong kinh doanh, nhất là khâu thương lượng với nhà cung cấp để có giá bán cạnh tranh.

Khi đó, giá bán có thể bị đẩy lên rất cao so với giá trị thực. Nếu nhà đầu tư chỉ mua đơn thuần để kinh doanh bán lẻ nhằm mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn thì có thể bị “phỏng tay”, vị chuyên gia này lưu ý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét