Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Khi Chính phủ chính thức lên Facebook

ĐỖ HÀ

(PL) - Việc Chính phủ ra mắt trang fanpage có tên Thông tin Chính phủ và trước đấy là trang Diễn đàn cạnh tranh quốc gia trên mạng xã hội Facebook đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho người dân theo chiều hướng chủ động hơn, linh hoạt hơn và tăng cường sự tương tác ở mức độ cao nhất từ trước tới nay.

Sau gần một tháng xuất hiện trên mạng Facebook, ngày 20-10, Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ Vi Quang Đạo đã lên tiếng xác nhận tính “chính chủ” của trang Thông tin Chính phủ, xóa tan sự nghi ngờ của cộng đồng mạng về tính xác thực của trang này.

Cũng theo ông Đạo, Chính phủ không chỉ sử dụng các tài nguyên có sẵn trên mạng xã hội lớn nhất thế giới mà còn xúc tiến các hoạt động hợp tác cụ thể để khai thác triệt để tính năng của các ứng dụng này nhằm truyền thông một cách hiệu quả.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng tuyên bố lập trang fanpage chính thức để công bố thông tin một cách chủ động, linh hoạt, đồng thời tiếp nhận các ý kiến phản hồi trực tiếp từ người dân. Một số nguồn tin thân cận cho biết bà bộ trưởng không chỉ ra ý kiến điều hành mà còn đích thân trả lời tin nhắn của cộng đồng mạng khi rảnh rỗi.

Trong khi đó, Bộ GTVT tuy chưa có trang fanpage chính thức nhưng thường xuyên có phản ứng khá nhanh nhạy trước các thông tin trên mạng xã hội này, đơn cử như sự việc phát tán clip “Vụ trưởng công tác ở Hồ Tây” đã được xử lý gần như ngay lập tức.

So với việc vốn chỉ cung cấp thông tin một chiều thông qua các website chính thức, gửi thông tin cho cơ quan báo chí dưới sự quản lý của mình, đồng thời “né tránh” những thông tin trên mạng xã hội vì tính không chính thống thì việc chủ động lên Facebook nhằm tăng cường sự tương tác hai chiều với người dân là bước chuyển biến có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Sự thay đổi này không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là thực tế không thể đảo ngược.

Trước đó, ngày 15-1-2015 tại hội nghị tổng kết của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định không ai có thể ngăn cấm được thông tin trên mạng. Và thay vì ngăn cấm, Chính phủ phải giành thế chủ động “trên mặt trận thông tin” này.

Quả thực, khi gần 1/2 dân số có thói quen sử dụng Facebook thường xuyên và không ngừng tìm kiếm, chia sẻ các thông tin từ văn hóa, kinh tế, xã hội đến quản trị nhà nước, phòng chống tham nhũng,… thì việc Chính phủ lựa chọn mạng xã hội này như một kênh truyền thông chính thống là một lựa chọn hoàn toàn đúng đắn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét