Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Chính phủ lấy 30.000 tỷ đồng ở đâu để bù hụt thu ngân sách trung ương?

XUÂN HẢI

LĐO - Đó là một trong những nội dung đề nghị của Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016, do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày chiều 20.10.

Áp lực trả nợ và vay đảo nợ trong ngắn hạn ngày một lớn

Về cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) và bội chi NSNN năm 2015, Chính phủ trình bội chi NSNN trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định 226.000 tỷ đồng, bằng 5,0%GDP. Theo đó, mức dư nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3%GDP, trong giới hạn an toàn cho phép (65%GDP).

Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) cho rằng, thực tế, sẽ khó giữ mức bội chi NSNN nêu trên vì: Theo báo cáo của Chính phủ, mức giải ngân vốn ODA trong năm 2015 sẽ vượt khoảng 30.000 tỷ đồng so với dự toán đã được Quốc hội quyết định; một số khoản đã chi mà chưa có nguồn bù đắp như nợ cấp bù chênh lệch lãi suất đối với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam…

Mặt khác, nợ công, cùng với vấn đề vay và trả nợ đã trở nên khó khăn hơn, áp lực trả nợ và vay đảo nợ trong ngắn hạn ngày một lớn, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tích cực để thực hiện tốt chiến lược nợ công và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Để đáp ứng nhu cầu chi NSNN, trước tình hình công tác phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) dài hạn gặp khó khăn, Chính phủ kiến nghị cho phép phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn TPCP để bù đắp bội chi. Về điều này, Ủy ban TCNS cho rằng, xuất phát từ yêu cầu đảm bảo an toàn về nợ công, an ninh tài chính quốc gia, Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội đã quy định “Từ năm 2015, phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 05 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ”.

Hiện nay, trước tình hình phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên gặp khó khăn, Chính phủ có Tờ trình số 475/TTr-CP ngày 7/10/2015 kiến nghị việc đa dạng hóa kỳ hạn TPCP và tái cơ cấu nợ Chính phủ. Ủy ban TCNS nhận thấy tình hình phát hành TPCP trong nước gặp rất nhiều khó khăn, có ảnh hưởng đến đảm bảo nguồn lực tài chính để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Do vậy, cơ bản tán thành với các nội dung Chính phủ trình, nhưng đề nghị việc phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế phải bảo đảm chi phí vay vốn nước ngoài bằng hoặc thấp hơn chi phí vay vốn trong nước để cơ cấu lại nợ chính phủ và cân nhắc sửa đổi có giới hạn với việc phát hành TPCP trong nước, theo đó, đề nghị chỉ cho phép phát hành TPCP từ 3 năm trở lên và khối lượng không quá 30% tổng khối lượng TPCP phát hành, thực hiện trong năm 2015 và 2016.

“Về phương án xử lý bù hụt thu ngân sách trung ương (NSTW) năm 2015: Chính phủ đề nghị phương án sử dụng một phần tiền bán bớt cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp (khoảng 10.000 tỷ đồng) để góp phần xử lý hụt thu ngân sách trung ương. Ủy ban TCNS nhất trí với chủ trương này, nhưng đề nghị Chính phủ cần làm rõ số còn lại (21.300 tỷ đồng) sẽ được xử lý từ nguồn nào và báo cáo phương án xử lý cụ thể theo quy định của Luật NSNN hiện hành” – ông Phùng Quốc Hiển nêu rõ.

Cắt giảm mạnh các khoản chi không cần thiết

Về dự toán NSNN năm 2016, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với dự toán thu, chi cân đối NSNN như Chính phủ trình, nhưng đề nghị lưu ý một số vấn đề.
Về thu NSNN, Chính phủ dự kiến tổng thu cân đối NSNN năm 2016 là 1.014.500 tỷ đồng, tăng 9,4% so với ước thực hiện năm 2015. Nếu không tính 30.000 tỷ đồng thu từ tiền bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp thì tổng thu NSNN tăng 6,1%, mặc dù đây là mức tăng dự kiến thấp, nhưng với tình hình thu từ dầu thô đạt thấp do giá giảm mạnh; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế, một số chính sách thuế đến thời điểm điều chỉnh giảm thuế suất, để bảo đảm tính chủ động, an toàn trong điều hành NSNN, Ủy ban TCNS cho rằng mức tăng như vậy là hợp lý.

Tuy nhiên, đề nghị rà soát lại các khoản thu NSNN, bảo đảm không bỏ sót nguồn thu và tăng cường các biện pháp chống thất thu NSNN. Đồng thời, cần tính toán lại chiến lược thu trong trung hạn và dài hạn, phấn đấu mức huy động từ thuế, phí và lệ phí không thấp hơn 20%GDP/năm trong những năm tới.

Về chi NSNN, đối với chi thường xuyên, tiếp tục thực hiện theo định mức giai đoạn 2011-2015, Ủy ban TCNS tán thành với một số biện pháp tiết giảm mạnh chi thường xuyên theo đề xuất của Chính phủ, nhưng đề nghị cần rà soát, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của nhiều chương trình, dự án để có giải pháp tiết kiệm chi thường xuyên một cách triệt để hơn so với năm 2015, cắt giảm mạnh các khoản chi không cần thiết, phô trương hình thức, lãng phí, đặc biệt là các khoản chi khánh tiết, hội nghị, lễ hội, chi công tác nước ngoài…".
Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh về cân đối NSNN. Chính phủ dự kiến bội chi NSNN năm 2016 ở mức 4,95%GDP (254.000 tỷ đồng, tăng 28.000 tỷ đồng so với năm 2015), nợ công đến 31/12/2016 ước khoảng 63,2%GDP.

Ủy ban TCNS cho rằng, trước thực trạng nền kinh tế chưa phục hồi mạnh mẽ, đầu tư của nhà nước còn đóng vai trò quan trọng thì việc cắt giảm mạnh chi tiêu công sẽ dẫn đến giảm nguồn lực đầu tư trong toàn xã hội. Vì vậy, Ủy ban đồng ý với việc tiếp tục giữ bội chi NSNN theo cách tính cũ ở mức cao (4,95%GDP).

Tuy nhiên, trước tình hình nợ công đã tiến dần đến giới hạn cho phép (65%GDP), áp lực trả nợ tăng, khả năng cân đối ngân sách để trả nợ ngày một khó khăn, cùng với việc phát hành TPCP có xu thế giảm, thời hạn đáo nợ và lãi suất, phí phát hành gia tăng, sẽ làm dư nợ công, dư nợ Chính phủ tiếp tục tăng cao. Điều đó đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp xử lý tích cực và cương quyết hơn.

Ủy ban TCNS cho rằng, trong dài hạn, cần cơ cấu lại nguồn thu, đảm bảo huy động vào NSNN từ GDP trên 20%; chi NSNN đảm bảo tiết kiệm, các khoản chi phải được dự toán; đồng thời, kiên định điều hành lộ trình giảm bội chi NSNN và nợ công trong giai đoạn 2016-2020 theo Luật ngân sách nhà nước năm 2015, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét