Đất Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực cao Đà Nẵng tin rằng pháp luật sẽ có những chế tài để đảm bảo quyền lợi của cơ quan nhà nước.
Việc trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng khởi kiện 7 người tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) ra tòa dân sự và thắng kiện, buộc những người vi phạm hợp đồng phải hoàn trả số tiền hơn 10 tỷ đồng cho thành phố trở thành vấn đề nóng được dư luận nhắc đến nhiều trong những ngày qua.
Bởi lẽ từ lâu việc chảy máu chất xám, câu chuyện người có năng lực ở lại nước ngoài mà không muốn về nước làm việc đã trở thành vấn đề nóng không chỉ của riêng Đà Nẵng mà còn trên phạm vi cả nước.
Nhằm cung cấp thông tin cụ thể và đa chiều về vụ việc, phóng viên báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Thuận-Phó giám đốc trung tâm phát triển nguồn nhân lực cao thành phố Đà Nẵng về vấn đề này.
PV: Việc trung tâm phát triển nguồn nhân lực cao thành phố Đà Nẵng khởi kiện 7 ứng viên tham gia đề án 922 nhưng không về nước làm việc và thắng kiện, buộc các ứng viên phải bồi hoàn số tiền đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ từ dư luận. Vậy sau vụ việc, số tiền này từ các ứng viên sẽ được thu hồi như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm: Một khi tòa án dân sự đã tuyên án xử như các vụ kiện của Trung tâm gần đây, buộc các học viên và gia đình phải bồi hoàn kinh phí đào tạo thì phán quyết sẽ được chuyển sang đơn vị thi hành án dân sự. Việc thu hồi kinh phí đào tạo sẽ do đơn vị thi hành án dân sự thực hiện.
Trung tâm sẽ phối hợp tích cực với các đơn vị có liên quan để đảm bảo nguồn ngân sách của thành phố không bị thất thoát.
PV: Nhiều người cho rằng, vụ việc khởi kiện và bồi thường này có khả năng trở thành cuộc kiện tụng kéo dài mà chính quyền sẽ khó có thể thu hồi số tiền theo quy định. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm: Việc khởi kiện học viên Đề án là việc đặng chẳng đừng. Nhiều học viên và gia đình, khi không đồng hành cùng Đề án của thành phố đã mạnh dạn cầm cố cả nhà cửa để trả lại tiền cho ngân sách. Việc khởi kiện các học viên và gia đình vi phạm hợp đồng cũng là đảm bảo sự công bằng cho những học viên có ý thức và tuân thủ pháp luật.
Kiện học viên vi phạm không chỉ để truy thu ngân sách, đảm bảo tính nghiêm minh của đề án và pháp luật, mà còn nhắc nhở các học viên luôn ý thức về nghĩa vụ của mình. Do đó, chúng tôi xác định là việc tới nước cùng phải làm nhưng sẽ làm tới cùng. Chúng tôi tin rằng pháp luật sẽ có những chế tài để đảm bảo quyền lợi của chúng tôi cũng là quyền lợi của nhà nước.
PV: Từ năm 2013 đã có nhiều nhân tài “bội tín” không quay về nước làm việc như cam kết nhưng thành phố chưa khởi kiện, mãi đến nay mới chính thức khởi kiện. Liệu việc kiện nhân tài về mặt luật pháp, thành phố còn vướng mắc gì nên chưa tự tin khởi kiện từ thời điểm đó?
Ông Nguyễn Đình Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm: Chúng tôi không muốn khởi kiện mà chỉ mong những học viên tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đạt được kết quả học tập tốt, tuân thủ luật pháp và về làm việc cho thành phố như đúng cam kết. Họ không đồng hành cùng thành phố là điều chúng tôi không mong muốn, và việc khởi kiện là việc làm bất đắc dĩ để đảm bảo quyền lợi của nhà nước. Biện pháp chủ yếu vẫn là động viên gia đình và học viên giữ đúng cam kết. Có những trường hợp học viên đã vi phạm từ năm 2012 nhưng mãi đến 2014 Trung tâm mới tiến hành nộp hồ sơ khởi kiện.
Trung tâm không gặp khó khăn, vướng mắc gì. Cái lý Trung tâm khi khởi kiện là đúng và tin sẽ được xử thắng kiện bởi mượn tiền thì phải trả, không ai bắt bẻ được cả về lý và tình.
PV: Chính sách đào tạo và thu hút nhân tài của TP Đà Nẵng hiện nay được triển khai như thế nào? Từ thực tế vụ khởi kiện vừa rồi, thành phố Đà Nẵng sẽ có những thay đổi như thế nào trong các quy định ký với ứng viên khi tham gia đề án phát triển nguồn nhân lực của thành phố.
Ông Nguyễn Đình Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm: Hiện nay, theo quy định của đề án, học viên được cấp học bổng để đi đào tạo, sau khi tốt nghiệp phải về nước trình diện cơ quan có thẩm quyền, làm việc và chấp hành sự phân công tác của thành phố trong thời gian tương ứng với từng đối tượng, cụ thể như sau:
+ Đối với học viên khi cử đi học chưa là công chức, viên chức: gấp 02 lần thời gian hưởng chi phí đào tạo nếu học bậc đại học và gấp 03 lần thời gian được hưởng chi phí đào tạo nếu học sau đại học.
+ Đối với học viên khi cử đi học là công chức: ít nhất gấp 03 lần thời gian đào tạo nhưng không dưới 07 năm;
+ Đối với học viên khi cử đi học là viên chức: ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo nhưng không dưới 07 năm.
Trong thời gian công tác tại thành phố, các học viên phải chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc bị xử lý kỷ luật của đơn vị. Hằng năm, được cơ quan nơi công tác đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng hơn trong việc tuyển chọn ứng viên thực sự có tâm huyết với thành phố, có ý thức tuân thủ pháp luật và quy định của Đề án. Về phía ứng viên cũng cần được giải thích rõ ràng những quyền lợi, nghĩa vụ một khi tham gia đề án. Các em cũng sẽ được xác định trước vị trí cụ thể mà họ sẽ làm việc sau khi hoàn thành việc học để để tự chuẩn bị cho mình về tâm lý, kiến thức và kỹ năng cần thiết đảm bảo thích nghi với công việc.
Ngoài ra để hạn chế các trường hợp vi phạm hợp đồng, Trung tâm sẽ phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài có các biện pháp hạn chế việc gia hạn thị thực đối với các học viên có dấu hiệu vi phạm. Đối với những trường hợp vi phạm, Trung tâm sẽ phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố, Cục quản lý xuất nhập cảnh tiến hành các thủ tục chặn xuất cảnh đối với học viên và đại diện gia đình đứng tên ký hợp đồng.
PV: Xin cảm ơn ông đã trao đổi thông tin với Đất Việt!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét