Mạch Sống - Vì nhân quyền mang giá trị phổ cập, quốc tế tương đối sẵn sàng lên tiếng cho nhân quyền. Còn dân chủ mang tính cách tổ chức xã hội cục bộ nên khó khăn hơn để vận động quốc tế yểm trợ. Trước thực tế này, chúng ta cần chọn một vấn đề nhân quyền đang nóng, gọi là “vấn đề cửa ngõ”, để lôi kéo quốc tế nhập cuộc. Từ vấn đề cửa ngõ ấy, chúng ta mở “hành lang an toàn” mà hàng rào che chắn chính là sự chú ý của quốc tế để phát triển các yếu tố cần thiết cho sự hình thành xã hội công dân: (1) quần chúng có ý thức, dám, và biết cách bảo vệ quyền của mình, (2) đội ngũ tiên phong có khả năng huy động và hướng dẫn quần chúng, và (3) các tổ chức xã hội công dân để tập hợp và tổ chức quần chúng.
Trong 15 năm qua chúng tôi đã mở ra các hành lang an toàn như vậy qua 4 vấn đề cửa ngõ: tự do tôn giáo năm 1999, chống buôn người năm 2005, đòi tài sản năm 2010 và chống tra tấn năm 2011. Hiện nay một số vấn đề cửa ngõ khác đang được chuẩn bị.
Nói về chống tra tấn, ngày 7 tháng 11 vừa qua chính quyền Việt Nam đã ký Công Ước LHQ Về Chống Tra Tấn. Đó là kết quả của những áp lực quốc tế, nhất là từ Hoa Kỳ, trong những năm qua. Khung luật quốc tế này và sự giám sát chặt chẽ của quốc tế trong thi hành sẽ giúp tạo nên một hành lang an toàn.
Khi chính quyền Việt Nam ký công ước thì đó là một cam kết với thế giới mà họ phải tuân thủ. Trong thực tế họ tuân thủ đến đâu thì tuỳ vào sự giám sát và áp lực đến đâu từ quốc tế. Sự giám sát càng chặt chẽ và áp lực càng chồng chất thì hàng rào che chắn càng vững chắc. Trong khi cả đất nước là vùng cấm địa đối với các hoạt động xã hội công dân, thì hành lang ấy là khu vực để người dân tự mình đứng ra hoạt động và tập hợp nhau lại thành lực và thế để đẩy lùi nạn tra tấn dưới sự theo dõi và yểm trợ của quốc tế.
Muốn quốc tế vận hữu hiệu thì phải có thông tin bén nhạy và chính xác về tình hình trong nước, có những đường dây truyền thông nhanh chóng đến các cơ quan hữu trách của LHQ và một số chính quyền quan tâm, và có sự hậu thuẫn của các tổ chức nhân quyền khắp thế giới. Nghĩa là phải có một số tổ chức người Việt ở hải ngoại đi chuyên về lĩnh vực chống tra tấn. Những tổ chức này phải có khả năng theo dõi và lấy thông tin từ trong nước, có khả năng phối kiểm và tổng hợp thông tin thành các bản báo cáo đạt tiêu chuẩn quốc tế, và có đủ kinh nghiệm và uy tín để vận động quốc tế.
Đồng thời ở trong nước cần có những nhà hoạt động xã hội công dân chuyên về lĩnh vực này để:
- Thông tin và hướng dẫn cho người dân am tường thế nào là tra tấn, hiểu về Công Ước Chống Tra Tấn, và biết cách đối phó với tình trạng tra tấn.
- Phát triển khả năng của chính mình để theo dõi và thu thập thông tin về tra tấn và phúc trình với các cơ quan hữu quan của Liên Hiệp Quốc, các chính quyền có ảnh hưởng đến Việt Nam, và các tổ chức nhân quyền quốc tế.
- Tạo phương tiện cho các tổ chức tôn giáo, các nhóm hoạt động để tự phát huy khả năng huy động và tổ chức quần chúng cho mục đích chống tra tấn và liên kết với các tổ chức chống tra tấn quốc tế cũng như các cơ quan LHQ và các quốc gia tự do.
Hành lang an toàn cung cấp môi trường và cơ hội để các nhà hoạt động sinh hoạt công khai ở trong nước và trên trường quốc tế, nhưng họ phải biết giữ mình trong phạm vi tương đối an toàn của hành lang. Nếu 364 ngày chống tra tấn, nhưng ngày thứ 365 bước ra khỏi hành lang để chống cái gì khác ở bên ngoài thì đấy sẽ là cái cớ cho sự đàn áp vì tránh được sự giám sát của quốc tế. Hơn nữa, muốn hoạt động hiệu quả, nhất là trong quốc tế vận, thì các nhà hoạt động ở trong cũng như ngoài nước cần “chuyên môn hoá” để tăng chiều sâu và nâng tầm cao của hoạt động thay vì cái gì cũng làm nhưng sơ sài, hời hợt, trải mỏng.
Khi Việt Nam đã là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ thì đó là một yếu tố thuận lợi để chiếu rọi sự giám sát quốc tế hơn nữa lên những vấn đề nhân quyền cửa ngõ và củng cố các hành lang an toàn đã thiết lập và mở ra thêm những hành lang an toàn mới cho sự hình thành xã hội công dân.
Theo Mạch Sống
Theo Mạch Sống