Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Người Việt đang bị móc túi công khai, không sòng phẳng

Vũ Hạnh

VOV.VN - Trả tiền giá cao nhưng hàng hóa, dịch vụ chất lượng thấp; không được tính đúng, tính đủ, lạm thu… đó là những dẫn chứng về móc túi công khai.

Bất kỳ ai, khi bỏ tiền ra để mua hay sử dụng một dịch vụ gì đó cũng đều mong muốn nhận được giá trị, chất lượng tương xứng. Thế nhưng, thực tế thời gian qua, nhiều người đã rất bức xúc khi đồng tiền của mình bỏ ra lại không mang về sự bực bội, khó chịu cho bản thân, thậm chí đó là sự bức xúc trong một cộng đồng rộng lớn nhưng không được giải quyết rốt ráo, hiệu quả. Những khoản tiền ấy có thể gọi là bị "móc túi công khai".

Lạm thu đầu năm học mới: Năm nào cũng vậy, vào dịp đầu năm học câu chuyện lạm thu lại “nóng”. Năm nay, nhiều khoản thu rất “giời ơi” được một số trường đưa ra khiến các phụ huynh bức xúc. Đã có những trường phải trả lại những khoản thu “ngoài danh mục”. Vì sao lạm thu bị phản đối mà vẫn có đất sống nhiều năm như vậy? Nhiều người cho rằng, ở đây có lợi ích nhóm, sự bao che của các nhà quản lý giáo dục. Bởi, nhiều trường lạm thu, thậm chí được đưa lên mặt báo nhưng không có bất kỳ ai bị xử lý, bị kỷ luật hay cách chức?!

Bảo hiểm y tế: Dù đã được các đơn vị liên quan “đả thông tư tưởng” nhưng đến thời điểm này, những người đang sử dụng bảo hiểm y tế, đặc biệt là bảo hiểm y tế học sinh sinh viên không hề hài lòng về dịch vụ khám chữa bệnh cho các chủ thẻ. Theo họ, khi vào bệnh viện, họ phải “giấu nhẹm” thẻ bảo hiểm đi cho yên thân. Sự phân biệt, đối xử của bệnh viện đối với bệnh nhân có bảo hiểm y tế khiến khoản tiền người dân bỏ ra để mua thẻ BHYT trở nên vô nghĩa, nhiều người coi như đó là một khoản làm từ thiện bắt buộc!

Tiền điện bị tính sai: “Dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít” - nguyên tắc là như vậy. Thế nhưng thời gian qua nhiều gia đình bị tăng tiền điện đột biến. Hầu như gia đình nào cũng bị “đội” tiền nhưng chủ yếu tặc lưỡi bỏ qua. Cũng có một số người bức xúc không chịu được đã lên tiếng phản đối, đòi bồi thường. Và sự thật là ngành điện đã phải hoàn trả, xin lỗi một số khách hàng do tính sai tiền điện. Với số lượng khách hàng “khủng” thì thử hỏi có bao nhiêu người bị ngành điện tính sai tiền điện đã lên tiếng đòi quyền lợi và ngành điện đã “bỏ túi” khoản tiền “khủng” cỡ nào khi tính chưa đúng tiền điện cho khách hàng?

Mua nước sạch dùng nước bẩn: Đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nước. Người tiêu dùng đã và đang bỏ tiền ra mua nước sạch nhưng phải dùng nước chưa chắc đã sạch. Và thực tế đã có những nơi, người tiêu dùng đã lên tiếng về chất lượng nước không đảm bảo, nhiễm các hóa chất độc hại…

Nộp phí bảo trì đường bộ mà vẫn phải chịu cảnh lái xe trên những con đường ổ gà, ổ voi, còn ở các thành phố lớn thì tắc đường “kinh hoàng”. Người dân chỉ biết kêu trời, kêu đất, mà chẳng biết kêu ai. Vậy mỗi năm, tiền thuế, tiền phí người dân đóng cho đất nước để phân bổ cho ngành giao thông được sử dụng như thế nào mà sao người dân ra đường luôn phải chịu “cực hình” như hiện nay?

Vào siêu thị mua hàng rởm: Hệ thống siêu thị bán lẻ ra đời là một văn minh thị trường, tạo sự an toàn, tiện lợi cho người tiêu dùng. Hàng hóa bán trong các siêu thị bao giờ giá cả cũng đắt hơn chợ truyền thống. Thế nhưng, vào đến siêu thị rồi người dân vẫn mua phải hàng rởm, hàng kém chất lượng. Thậm chí, ở cả những trung tâm thương mại chuyên bán hàng cao cấp, lực lượng chức năng đã bắt được cả kho hàng rởm, gắn mác các nhãn hàng nổi tiếng thế giới.

Mua hàng bị cân thiếu trọng lượng: Bạn ra chợ, mua 2kg hoa quả, nhưng về nhà nếu cân lại thì chỉ được 1,7-1,8kg. Chuyện này không còn lạ lẫm gì với người Việt. Thậm chí, nhiều bà, nhiều chị bán hàng còn công khai mặc cả, nếu mua giá a thì cân đủ, còn với giá b thì một kg chỉ ăn 8 lạng thôi. Vẫn biết cân gian, cân thiếu là chuyện phổ biến nhưng cũng chẳng mấy người quay lại chỗ bán hàng làm rõ trắng-đen vì có thể giá trị của nó cũng không quá lớn, mà quay lại thì mất thời gian.

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng về chuyện người Việt công khai bị móc túi mà bao lâu nay vẫn tồn tại. Vì sao chuyện người Việt bị “móc túi” công khai ai cũng biết nhưng không ai đứng ra làm rốt ráo đến cùng? Một lý do là pháp luật của chúng ta chưa nghiêm khiến người cung cấp dịch vụ, sản phẩm làm sai thì có lợi hơn nhiều so với bị phạt. Còn người tiêu dùng, nếu có theo để đòi quyền lợi cho mình thì cũng là một hành trình mệt mỏi, tốn quá nhiều thời gian, công sức, có khi không đạt kết quả gì.

Bạn có thể chia sẻ cùng chúng tôi còn những “kiểu” móc túi nào nữa đang công khai tồn tại?/.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét