Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Mảnh vỡ thủy tinh có làm nên bản lĩnh?

HOÀNG LINH

TTO - Câu chuyện bước qua thảm thủy tinh gây sốc, được lý giải là để rèn luyện bản lĩnh dũng cảm, xuất phát từ "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1".

Những người bạn trong giới ảo thuật đường phố nói:

 - Câu chuyện đó không làm chúng tôi ngạc nhiên hay nghĩ là sẽ gây nguy hiểm cho các em. Vì sao vậy? Vì đó là trò lừa đảo quen thuộc của giới Sơn Đông mãi võ và là thủ thuật của giới ảo thuật đường phố nhằm “kiếm bạc cắc” như cách nói trong giới lấy hè phố làm kế sinh nhai. Mảnh thủy tinh đều được mài mòn và không có khả năng gây cắt cứa, đi trên nó cũng như đi trên thảm sạn sân vườn mà thôi.

Học được chữ liều

Người “bày” ra trò này cho trẻ em cũng nói ý tương tự. Tiến sĩ Phan Quốc Việt, người sáng lập, chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group, phân tích: “Về mặt vật lý, khi chúng ta làm mảnh thủy tinh bằng bao diêm (khoảng 3cm2) và làm khung dày khoảng 5cm, thì khi trẻ con bước lên thủy tinh, những mảnh nhỏ, nhọn, thiết diện bé, áp suất lớn sẽ chìm xuống dưới, còn mảnh nào to, thiết diện lớn, áp suất bé, sẽ nằm lại lại bên trên, nên đi rất êm chân”.

Ông còn tiếp: "Nếu không vượt qua nỗi sợ thì bài học nào cũng trở thành khó khăn với trẻ. Thực tế bài học bơi không nhẹ nhàng hơn bài học đi trên thủy tinh. Nếu học đi trên thảm thủy tinh có thể chảy máu, thì học bơi cũng có thể chết đuối vậy. Nhưng nếu trẻ vượt qua bài thử thách đi qua thảm thủy tinh là vượt bản thân, chiến thắng nỗi sợ hãi trong trẻ. Đó thật sự là bài học thực tế bổ ích của mỗi con trẻ hiện tại".

Điều ông tiến sĩ không nói là chúng ta đã dạy cho các em một bãn lĩnh giả tạo về sự dũng cảm, vì nếu là mảnh vở thủy tinh bình thường, không sắp xếp các em sẽ bị thương tích. Hai nữa, nỗi sợ trước sự nguy hiểm là khả năng phòng vệ cần thiết cho con người.

Qua việc này, các em bị mất khả năng phòng vệ và ảo tưởng về khả năng đi trên mảnh thủy tinh. Rất nguy hiểm. Các em chỉ học được chữ liều.

Bản lĩnh thật sự nằm ở đâu?

Bản lĩnh và sự dũng cảm khiến con người hành động cao cả vì cộng đồng không thể có từ những bài học rèn luyện kỹ năng “bỏ túi” như vậy nhưng cũng không phải là điều gì quá to tát.

Ba hành khách gồm hai lính Mỹ và một diễn viên người Pháp đã trấn áp thành công một tay súng đang tấn công khủng bố trên tàu cao tốc trên nước Pháp.

“Nếu không có sự gan dạ của họ (ba hành khách nói trên), chúng ta sẽ phải đối mặt với một bi kịch khủng bố nữa”, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve bình luận.

Hai anh lính vừa từ khóa huấn luyện về, còn người diễn viên thì chưa qua khóa đào tạo chống khủng bố nào nhưng họ đã ngăn chận được một vụ thảm sát trông thấy. Ở đây chính sự gan dạ và tinh thần xả thân vì cộng đồng đã tạo nên hành động bản lĩnh và cao cả như vậy.

Chúng ta chắc chưa quên hai anh cảnh sát hình sự trẻ ở một huyện thuộc Hà Nội đã đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên đường đi công tác, hay sự hy sinh cao cả của chiến sĩ công an Lê Thanh Tâm trong trận vây bắt tên cướp đang trốn chạy và dùng súng bắn loạn xạ vào toán vây bắt cũng như người dân tại Đồng Nai ngày 19-7-2011. Đồng đội của anh kể nếu Lê Thanh Tâm không xông vào ôm tên cướp quật xuống thì sẽ còn nhiều người chết bởi nòng súng của tên này.

Trong đời thường, Lê Thanh Tâm hiền lành, quan hệ hòa nhã với tất cả, được đồng đội thương mến… Chính những điều bình dị ấy đã làm thành bản lĩnh của một anh hùng.

Hay như "ông Bụt" chốn lao tù Phạm Công Tiến, cán bộ quản giáo trại tạm giam Nghệ An.

Người công an này đã cho phạm nhân mượn tiền khắc phục hậu quả để đủ điều kiện hưởng đặc xá 2-9-2015 sắp tới.

Ngày 31-8, Lê Đăng Hoàng, phạm nhân thường án về tội cố y gây thương tích sẽ trở về với gia đình. “Em cảm ơn cán bộ Tiến nhiều lắm. Hơn hai năm ở tù, em thấm thía hơn ai hết giá trị của sự tự do, của sức lao động. Ra tù sớm hơn, em có cơ hội làm lại cuộc đời sớm hơn, em sẽ cố gắng sống cho tốt để không phải gặp lại cán bộ trong hoàn cảnh như bây giờ. Em sẽ đi phụ hồ với bố để sớm trả lại tiền cho cán bộ”, Hoàng tâm sự.

“Cho phạm nhân mượn tiền, anh không sợ họ “xù” luôn à?”. Thiếu tá Phạm Công Tiến cười: “5 triệu đồng lớn thì lớn thật nhưng nếu “quy đổi” ra 16 tháng tù chưa chấp hành của Hoàng thì nó rất nhỏ. Tôi nghĩ thời gian cải tạo, Hoàng đã hiểu hơn nhiều giá trị của sức lao động nên không sợ “xù nợ”. Mà nếu có “xù” thật thì… cũng thôi. Xem như mình giúp đỡ người khác”.

Đọc trang cá nhân mới thấy anh thật bình dị, không chút gì lên gân hay chứng tỏ mình là công an. Đâu đó những tâm tình như chúng ta: chết cười vì bỏ quên dao cạo râu để thằng con cạo sạch lông mày, đi ngang bãi rau thương cho người nông dân một nắng hai sương trồng rau mà không bán được vì rớt giá, căm tức với các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông…

Những người có bản lĩnh thật sự, dũng cảm thật sự đều như vậy, họ học cái làm nên người anh hùng từ những điều bình thường trong cuộc sống.

Những mảnh vỡ thủy tinh có làm nên bản lĩnh và sự anh hùng không? Không có khóa học cấp tốc nào có thể làm con người trở nên khác đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét