Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

TPP: 'Bông hồng nhiều gai'

BBC - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể mang lại cho Việt Nam những thách thức lớn bên cạnh những cơ hội, theo một chuyên gia kinh tế trong nước.

Ý kiến trên được Tiến sỹ Kinh tế Lê Đăng Doanh đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 3/6.

Trước đó, hôm 29/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách kinh tế và thương mại, ông Charles H. Rivkin nói với báo giới tại TP. HCM rằng GDP của Việt Nam có thể tăng hơn 30% trong vòng 10 năm sau khi gia nhập TPP.

Dù là "một trong những nền kinh tế quy mô nhỏ nhất trong 12 nước đang đàm phán TPP", nhưng Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng "cực kỳ ấn tượng", ông Rivkin nói.

Ông cũng cho biết quá trình đàm phán đang diễn ra "khá tích cực" và Hoa Kỳ hy vọng "có thể sớm về đích trong năm nay".

"Bông hồng nhiều gai"

Trong cuộc phỏng vấn với BBC, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng TPP là "một bông hồng nhiều gai", có thể mang lại lợi ích cho Việt Nam về nhiều mặt, nhưng những lợi ích đó "đòi hỏi nỗ lực rất lớn"

"Việt Nam gia nhập TPP, ký hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á-Âu, trong khi Việt Nam chưa hoàn thành công nghiệp hóa", ông cho biết.

"Khi các doanh nghiệp muốn công nghiệp hóa thì họ cần sự giúp đỡ, bảo hộ của nhà nước. Tuy nhiên trong trường hợp gia nhập TPP thì các chính sách bảo hộ này sẽ rất hạn chế."

"Ngành thép của Việt Nam sẽ cạnh tranh thế nào với của Nga, hay ngành cơ khí của Việt Nam sẽ cạnh tranh thế nào với cơ khí của Hàn Quốc?"

Ông Doanh cho rằng phát biểu của ông Rivkin là dựa trên 4 giả định:

"Nói GDP Việt Nam tăng trưởng 30% sau 10 năm là dựa trên giả định công ăn việc làm được tạo ra nhiều, thứ hai là đầu tư nước ngoài tăng mạnh, thứ ba là khoa học công nghệ sẽ đổi mới, thứ tư là Việt Nam sẽ cải cách mạnh mẽ về mặt thể chế, thống nhất về các thủ tục, giúp môi trường kinh doanh thuận lợi hơn", ông cho biết.

"Nhưng Việt Nam có thực hiện được những điều đó trong thời gian rất ngắn hay không? Đó vẫn là một nghi vấn".

Bên cạnh đó, năng lực và tỷ lệ của các khối doanh nghiệp trong nền kinh tế vẫn chưa cân đối, tạo nên nhiều "thách thức lớn", ông nói.
"Việt Nam ký kết các hiệp định này khi doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm đến 32% GDP, doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chiếm có 11,2%, còn kinh tế gia đình phi hình thức chiếm đến 33,1%."

"Vậy trụ cột nào đứng ra cạnh tranh và chấp nhận thách thức? Doanh nghiệp nhà nước ư? Hay doanh nghiệp tư nhân, chỉ có 11,2%, rất nhỏ so với tiêu chuẩn thế giới?"

"Kinh tế hộ gia đình thì có được đào tạo chưa, có công nghệ như thế nào, nguồn vốn đầu tư ở đâu?"

"Tôi hy vọng là mọi sự chuẩn bị và cải cách đều đánh giá đúng tình hình để có thể nắm bắt cơ hội, vượt lên được thách thức, tránh việc biến cơ hội thành thách thức."

Rút kinh nghiệm WTO

Ông Doanh cho rằng Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ những sai lầm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới để từ đó tận dụng những cơ hội và khắc phục những thách thức mà TPP mang lại.

"Khi Việt Nam gia nhập WTO thì đã có một cuộc tuần hành biểu dương lực lượng của lực lượng thanh niên, bày tỏ sự vui mừng", ông nói.
"Thế nhưng sau đó đã có các diễn biến không mang lại kết quả như mong muốn."

"Thay vì đầu tư vào khoa học công nghệ và cải cách thì lại bơm giá bất động sản rất cao, rồi đầu cơ làm thị trường chứng khoán tăng vọt."

"Tất cả những đầu tư đó đã không đem lại kết quả gì và nền kinh tế Việt Nam sau khi gia nhập WTO thì đã lâm vào cảnh thâm hụt thương mại, lạm phát tăng và phải mất khá nhiều năm mới hồi phục lại được."

"Điều cần rút kinh nghiệm là cần đánh giá đúng thực chất của cơ hội và thách thức."

"Điều quan trọng nhất không phải là ký kết mà là cải cách để thực hiện những cam kết đó, để lớn mạnh lên về mặt chất lượng, chứ không phải số lượng."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét