Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Đề xuất cấm lãnh đạo gửi tiền ở nước ngoài

V.V.THÀNH

TTO - Đó là một trong những đề xuất từ nhóm nghiên cứu đề tài “thu hồi tài sản tham nhũng - thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” thuộc Ban Nội chính Trung ương. 

Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu tại Hội thảo về đề tài nêu trên diễn ra sáng 13-3, bà  Vũ Thu Hạnh (Phó Vụ trưởng Vụ nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương) cho biết trong các nhóm giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra, có đề xuất quy định cấm cán bộ, đảng viên có chức vụ từ cấp vụ, cục trở lên gửi tiền, tài sản hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài.

Đây là quy định giúp phòng ngừa, phát hiện tội phạm về tham nhũng có yếu tố nước ngoài, phòng ngừa khả năng đối tượng tham nhũng tạo dựng cở sở kinh tế để trốn ra nước ngoài sau khi đã thực hiện hành vi tham nhũng ở trong nước.

Thiệt hại về tài sản do tham nhũng gây ra ngày càng lớn. Tình trạng vòi vĩnh, sách nhiễu trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến.

Theo nhóm nghiên cứu của Ban Nội chính Trung ương, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ giá trị tài sản tham nhũng được thu hồi qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trên phạm vi cả nước. Song, theo báo cáo của cơ quan chức năng, năm 2013 tỷ lệ số tiền, tài sản tham nhũng được thu hồi chỉ đạt chưa đến 10%.

Năm 2014 cũng chỉ đạt trên 22%. Nếu so sánh con số trên với tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt trên thực tế thì tỷ lệ còn thấp hơn nhiều.

Tại hội thảo, các ý kiến thảo luận đều thống nhất cho rằng thu hồi tài sản có nguồn gốc tham nhũng và tịch thu tài sản do tham nhũng mà có là hoạt động quan trọng và là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng.

Thu hồi tài sản tham nhũng giúp khắc phục hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi tham nhũng, đồng thời trả lại nguồn lực cho đất nước, hạn chế, triệt tiêu mục đích kinh tế của hành vi tham nhũng.

Ông Phạm Anh Tuấn (Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương) nhấn mạnh bên cạnh việc quan tâm đến mức độ nghiêm minh của hình phạt đối với các bị can, bị cáo và các biện pháp xử lý khác đối với người có hành vi tham nhũng, xã hội cũng đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải tích cực áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng để trả về cho chủ sở hữu hợp pháp hoặc sung công quỹ Nhà nước.

“Kết quả nghiên cứu sẽ được lãnh đạo Ban Nội chính nghiệm thu và trở thành ý kiến chính thức của Ban Nội chính Trung ương gửi tới các cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền”, Ông Tuấn nói.
***

Tham nhũng ở Việt Nam  vẫn nghiêm trọng

Dự thảo báo cáo kết quả nghiên cứu cho hay tình hình tham nhũng ở Việt Nam được đánh giá là vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, tính có tổ chức và biểu hiện lợi ích nhóm ngày càng rõ nét hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét