VNN - Có lẽ hiếm vị đại sứ nào gây được sự chú ý đến như Ted Osius khi đặt chân tới Việt Nam. Thậm chí, ngay từ khi được đề cử cách đây nửa năm. Đó là bởi câu chuyện đặc biệt của cá nhân ông, vị đại sứ đồng tính công khai đầu tiên của Mỹ tại khu vực Đông Á.
Người đàn ông bế con
Ted Osius dừng lại ở khu vực lấy hành lý ở sân bay Nội Bài, cách cửa ra chừng mười mét. Ông đỡ lấy con trai, ngồi xuống, đặt cậu bé lên đùi và chỉnh chu lại quần áo cho con. Hình ảnh ấy rất nhanh, khiến cánh phóng viên đứng chờ bên ngoài nhận ra ông tân đại sứ. Ống kính bắt đầu hướng lên chờ đợi. Rồi Ted Osius bế con lên trước ngực, bước ra, nụ cười rất tươi trên môi. Ánh đen flash chớp nháy: Hình ảnh đầu tiên của tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam, là hình ảnh của một người cha đang bế con – một người của gia đình.
Hình ảnh ấy, ngay lập tức tạo ra ấn tượng mạnh mẽ trong những người chứng kiến và cả những đọc giả được xem lại bức ảnh đó trong buổi tối hôm ấy. Ở Việt Nam, thì hình ảnh một người đàn ông bế đứa con trên tay, luôn tạo cảm giác tích cực. Ở đây, lại là một người có “địa vị”, trong bộ vest chỉnh chu, với huy hiệu lấp lánh của quốc kỳ Việt Nam-Hoa Kỳ trên ngực. Tức là bản thân ông hiểu, dù không chính thức, nhưng giây phút xuất hiện đó chính là một sự kiện mang tính ngoại giao.
Vị đại sứ bước ra sảnh đón, trao lại con trai Tabo cho người bạn đời, nhà ngoại giao Clayton Bond, và bắt đầu bài phát biểu. Đứng bên cạnh là mẹ ông. Bà đã 84 tuổi, nhưng vẫn rất linh hoạt và tươi tắn. Cánh phóng viên đùa nhau: “ Đúng kiểu nhà mình, có con nhỏ là công tác ở đâu cũng không thể thiếu bà đi theo trông cháu được”. Trong lúc Ted Osius phát biểu, nói về những kỳ vọng của mình đối với quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ , thì ông Clay-ton Bond lặng lẽ bế con đứng bên cạnh, với một nụ cười nhẹ nhàng trên môi. Một bức tranh “rất Việt Nam”
Đó là lần thứ hai ông chào Việt Nam cùng hình ảnh gia đình. Trong đoạn video phát hành khi Osius mới được bổ nhiệm, được quay tại Mỹ, ông cũng đã giới thiệu gia đình nhỏ của mình bằng tiếng Việt.
Ted đã chủ động tạo ra hình ảnh ấy. Một phần, bởi có lẽ ông hiểu rằng gia đình là một thứ rất quan trọng đối với người Việt Nam. Một phần khác, lớn hơn, ông muốn gia đình là hình ảnh đại diện cho quan điểm của bản thân. Đó là quan điểm về một xã hội biết chấp nhận sự đa dạng.
Từ trước khi lên đường, Ted Osius đã tâm sự với tờ Washington Blade về việc ông sẽ xuất hiện cùng với gia đình mình như thế nào. “Chồng tôi là một người Mỹ gôc phi, con tôi da nâu, cháu là một người gốc Latinh. Tôi là một người da trắng.Chúng tôi có một gia đình hiện đại. Mẹ tôi cũng sẽ đi cùng. Bà năm nay đã 84 tuổi rồi. Đó là một gia đình đa thế hệ, đa sắc tộc”.
Câu chuyện tình của đại sứ
Trước khi ra đón đại sứ Ted Osius, chúng tôi quyết định phải tặng cho ông một món quà ý nghĩa. Chúng tôi liên hệ với nhiếp ảnh gia Maika Elan, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải World Press Photo danh gía, và ngỏ ý xin cô một cuốn sách ảnh. Maika Elan đã đoạt giải World Press Photo với bộ ảnh “ Sự lựa chọn màu hồng” (The Pink Choice)- một bộ ảnh gây tiếng vang trên tầm thế giới về vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống của những cặp đôi đồng tính. Dù đã được thông báo trước rằng sau chuyến bay dài và mệt mỏi, ông Ted Osius sẽ không trả lời các câu hỏi phỏng vấn có tính báo chí, nhưng chúng tôi vẫn quyết định đi ra tận sân bay Nội Bài. Chỉ để đưa tận tay ông cuốn sách.
Và như thế, “sản vật” đầu tiên mà Ted Osius cầm trên tay, khi bước trên lãnh thổ Việt Nam, là một cuốn sách thể hiện cả sự phát triển của nghệ thuật và nhận thức xã hội tại nơi này. Hôm sau, đại sứ quán Mỹ đã viết thư cảm ơn riêng tới báo Lao Động. Trên trang Facebook của đại sứ quán Mỹ, hình ảnh được chọn để thông báo đại sứ Ted Osius đã đến Hà Nội, là hình ảnh phóng viên báo Lao Động tặng cho ông cuốn sách Maika Elan. Tất nhiên, chúng tôi có quyền hy vọng rằng ông đã xem cuốn sách, và ấn tượng đầu tiên trong lần trở lại này, là sự đồng cảm tích cực.
Cần phải nói thêm rằng không phải lúc nào người đại diện cho quốc gia mạnh nhất thế giới cũng chào đón tích cực- nếu ông ta công khai giới tính. Đại sứ Mỹ James Brewster khi nhậm chức tại nước Cộng hoà Dominica mới đây đã tạo ra một làn sóng phản đối và thậm chí miệt thị công khai đến từ nhiều vị trí sắc tôn giáo của nước này. Chắc chắn không ai muốn tạo ra một hình ảnh tương tự ở Hà Nội.
Không phải ngẫu nhiên mà ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh vào việc Ted Osius là đại sứ đồng tính công khai đầu tiên nhậm chức tại một quốc gia Đông Á, trong lễ tuyên thệ nhậm chức của vị đại sứ.
Mặc dù chính nước mỹ cũng đang tồn tại những tranh cãi về việc có nên hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính – nhưng họ luôn coi việc tôn trọng và thừa nhận người đồng tính trong xã hội, hay rộng hơn, chấp nhận sự khác biệt, là một biểu hiện của xã hội văn minh.
Ted Osius gặp Clayton Bond trong một sự kiện được tổ chức hàng tháng dành cho các thành viên đồng tính của các cơ quan ngoại giao Mỹ, cách đây đúng 10 năm. Hai năm sau họ tổ chức hôn lễ ở Vancouve (Canada).
Tất nhiên, không bao giờ là dễ dàng cho một cuộc hôn nhân không thường lệ như thế. Đặc biệt là khi Ted Osius là một nhà ngoại giao. Ông có một thời gian dài làm phó đại sứ ở Indonesia, một quốc gia Hồi giáo với những tư tưởng giới tính nghiêm khắc. Ông Clayton Bond kể rằng đôi lúc, họ vẫn nhận được những tấm thiệp mời tham dự sự kiện có ghi “ Ông Ted Osius và vợ ”- dựa trên một sự “đoán bừa”.
Trong lễ nhậm chức tại Washington hồi giữa tháng 12, Ted kể rằng khi gặp tình yêu của đời mình, ông không bao giờ nghĩ đến việc họ có thể cưới nhau, hay có một đứa con, hay không dám nghĩ đến khả năng mình có thể có vị trí cao trong nghề nghiệp. Nhưng tất cả những điều đó đã trở thành hiện thực.
Cuộc tình giữa Ted và Clayton vốn đã nổi tiếng trong giới ngoại giao Mỹ từ nhiều năm nay – càng trở lên nổi bật hơn vào giữa năm nay, khi tổng thống Brack Obama đề cử Ted Osius trở thành đại sứ tại Việt Nam. Khắp nơi trên mạng trong các diễn đàn dành cho người đồng tính, người ta nói về sự kiện đó.
Vẫn sẽ còn những tranh cãi tồn tại trong xã hội Việt Nam và chủ đề giới tính. Nhưng hoàn toàn có thể nói rằng, sự xuất hiện của Đại sứ Ted Osius tại Hà Nội, là một cái bắt tay ấm áp giữa hai quốc gia cùng biết tôn trọng con người và tình yêu của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét