VNN - Đúng ra những người lớn chúng ta phải chịu trách nhiệm chính về chuyện này chứ không phải giới trẻ. Có thế, sự lan tỏa, làm gương từ người lớn đi trước mới có ảnh hưởng tích cực, mới có tác dụng hữu hiệu đến những người trẻ.
Gần đây, một tờ báo tổ chức diễn đàn “Đâu rồi, chuyện tử tế?” dành cho giới trẻ. Đây là một phát kiến hay, giàu ý nghĩa. Nhưng nó cũng gợi nhiều suy nghĩ.
Chưa đủ kỹ năng sống
Có thể thấy, bàn về chuyện sống tử tế hiện nay, hầu hết mọi người đều chung quan điểm: Để làm một người tử tế trong xã hội Việt Nam bây giờ là điều cần phải hướng tới, nhất là với những người trẻ - những người mà đa phần đều đang phải “sống bám” vào cha mẹ, cả vật chất lẫn tinh thần.
Trong một xã hội mà "người lớn" vẫn còn thiếu gương mẫu, thì việc đòi hỏi người trẻ phải sống tử tế có khi nào là chuyện “không của riêng ai nhưng cũng không phải chuyện của mình”?
Bởi lẽ, để xã hội lâm vào tình trạng có quá nhiều chuyện vô cảm, đáng buồn như hiện nay, trước hết lỗi này do những người lớn gây nên. Nhưng oái oăm thay người trẻ lại là chính là những nạn nhân phải hứng chịu vì họ không có quyền lựa chọn hoặc chưa đủ kỹ năng sống để biết cách tránh né. Vậy mà trong khi rất nhiều “người lớn” còn chưa biết sống tử tế, hay có những chính sách về giáo dục từ những người có trách nhiệm dành cho thế hệ trẻ còn chưa hoàn chỉnh thì thử hỏi giới trẻ biết dựa vào đâu, tin vào ai để mà xây dựng nếp sống tốt đẹp cho riêng họ?
Phải chăng đây là nguyên nhân để những bạn trẻ khi tham gia diễn đàn trên thời gian qua đã liên tưởng đến câu nói nổi tiếng của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao trước 1945. Và không khỏi day dứt băn khoăn: Sống tử tế là thế nào? Có khó không khi mà xã hội có quá nhiều tệ nạn, có nhiều sự rối loạn các giá trị?
Nghe và làm như cái máy?
Những người có trách nhiệm điều hành xã hội và đất nước hiện nay nghĩ gì trước câu hỏi này của thế hệ người trẻ tuổi? Ai là người đủ biện lý để tranh luận và làm sáng tỏ câu hỏi trên.
Kêu gọi, định hướng, chỉ dẫn người trẻ sống cho tử tế là điều rất nên làm. Tuy nhiên, có cảm giác nhiều người đang dồn hết mọi nguyên nhân về cho giới trẻ, từ những chuyện tử tế mang tầm vi mô như: “Không được khạc nhổ hay vứt rác bừa bãi để giữ gìn vệ sinh nơi công cộng...” cho đến những chuyện tử tế mang tầm vĩ mô như: “Trách nhiệm của người trẻ là đưa đất nước đi lên”... [3].
Người trẻ ở Việt Nam do truyền thống văn hóa, do GD còn khiếm khuyết, phần lớn vẫn còn rất thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng sống. Và nhất là thiếu vắng lý tướng, một khát vọng sống. Có rất nhiều vấn đề trong cuộc sống nhưng đa phần họ cũng rất ít được can dự vào những chính sách lớn của đất nước. Chủ yếu chỉ biết nghe và làm theo, ít có sự chủ động, năng động.
Tuy nhiên, khi xã hội và đất nước có những vấn đề gây nhức nhối thì không hiểu sao chỉ thấy những phong trào dành riêng cho lớp trẻ về lối sống được phát động rầm rộ, và cũng ít thấy những phong trào như vậy dành cho người lớn?
Chúng ta hãy nhìn thẳng vào chuyện tham nhũng mà nhiều nơi coi là một “quốc nạn” ở xã hội hiện nay. Thử hỏi đối tượng tham nhũng là ai? Chắc chắn không phải những người trẻ. Tham nhũng có phải là chuyện tử tế không? Ấy vậy mà chẳng thấy có ai nói, tỷ như: “Nói không với tham nhũng” dành cho những người lớn có trách nhiệm, thức tỉnh lương tâm và bổn phận, ý thức của người lớn trước yêu cầu bức bách của đời sống dân sinh còn nhiều khó khăn và thách thức?
Muốn xã hội lành mạnh, những người lớn chúng ta không thể đứng ngoài cuộc. Không thể tự loại mình ra khỏi danh sách đối tượng lẽ ra phải sống tử tế trước tiên. Bởi như đã nói, đúng ra những người lớn chúng ta phải chịu trách nhiệm chính về chuyện này chứ không phải giới trẻ. Có thế, sự lan tỏa, làm gương từ người lớn đi trước mới có ảnh hưởng tích cực, mới có tác dụng hữu hiệu đến những người trẻ.
***
Chú thích nguồn:
[1], [2]: “Ai cho tôi tử tế” - Báo Tuổi trẻ số ra ngày 12/12/2014
[3]: “Trách nhiệm của người trẻ: đưa đất nước đi lên” - Báo Tuổi trẻ số ra ngày 27/12/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét