Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Đi nước ngoài văn minh, về Nội Bài 'hiện nguyên hình'?

Hoàng Xuân

VNN - Chỉ một xã hội nhân văn mới tạo môi trường hình thành nhiều con người nhân văn.

Tôi học năm thứ hai thì lần đầu tiên trường Luật TP HCM đưa môn Ngữ văn vào giảng dạy. Khi ấy, sinh viên thấy rất lạ, vì nghĩ ở đại học thì cần học các môn chuyên ngành mới phải. Tuy nhiên chúng tôi vẫn phải học và thi.

Có điều kiến thức trong các tiết học ấy gần như lặp lại những kiến thức cũ đã học ở phổ thông, không có gì mới mẻ, cũng không giúp chúng tôi thành thạo hơn trong chuyên môn, vì kỹ năng soạn thảo văn bản luật thì đã được dạy ở một giáo trình khác. Nói tóm lại, tôi cảm thấy vài chục tiết môn Ngữ văn đó là không cần thiết.

Trước đó, thi vào trường Luật gồm hai khối A và C, tức là ba môn Toán-Lý-Hóa và Văn-Sử-Địa. Thực chất tôi nghĩ cả hai khối thi này đều vừa thừa vừa thiếu nếu lấy nó làm tiêu chí đầu vào để chọn người có tố chất thích hợp với ngành luật.

Bởi Khối A thì sau khi thi xong là kiến thức toán lý hóa "xếp xó", để học những môn hoàn toàn mới bên lĩnh vực xã hội. Khối C, môn Địa lý tương tự. Môn Sử thì cách ra đề thường phiến diện, khi đề thi nghiêng về đánh đố trí nhớ v.v... Trong khi đó, những kỹ năng như tổng hợp, phân tích sự kiện lịch sử lại không mấy được thi triển trong đề thi.

Môn Văn thiết thực hơn vì phải sử dụng kỹ năng phân tích, tổng hợp, nghị luận và ngữ pháp. Những kỹ năng này được áp dụng thường xuyên trong mọi mặt của cuộc sống và dĩ nhiên, rất có ích khi chúng tôi bắt đầu học chuyên ngành.

Tuy nhiên, nếu nói chỉ nhờ học môn Văn mà có thể trở thành người có cái nhìn nhân văn, như phát biểu của PGS. TS  Đoàn Lê Giang, trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM trong một bài phỏng vấn gần đây, thì tôi e rằng chưa thể đủ. Đúng là môn Văn dạy con người nhiều thứ, nhưng mức độ cảm thụ, hòa quyện nó vào cách sống, nhân cách đến đâu lại phụ thuộc vào tư chất cá nhân.

Nếu muốn đào luyện một tâm hồn nhạy cảm, nhân hậu, độ lượng, hiểu biết con người, cần phải học đầy đủ nhạc, họa, mỹ thuật nói chung, kịch nghệ, tâm lý, triết học... từ khi còn nhỏ, cộng với quá trình trải nghiệm, hòa mình vào cộng đồng và thiên nhiên. Một đứa trẻ được dạy biết yêu quý con chó cưng của mình, đồng thời không chế nhạo con cú mèo cưng của bạn, sau này mới hy vọng chúng biết yêu con người, yêu thiên nhiên nói chung và có trách nhiệm với xã hội.

Nghĩa là, chỉ một xã hội nhân văn mới có tạo môi trường hình thành nhiều con người nhân văn.

Nhìn lại xã hội ta dường như vẫn còn những điều khiến chúng ta chạnh buồn. Dù đã có cố gắng, chúng ta vẫn còn những tính xấu cần sửa chữa mà sách vở, báo chí không ít lần chỉ ra. Từ thói quen sinh hoạt như xả rác, lãng phí, ồn ào nơi công cộng... cho đến những tập tính ý thức như thiếu thật thà, hay co cụm, sĩ diện, kém chấp hành luật, suy nghĩ kém độc lập, không có thói quen phản biện nhưng lại hay thích tranh cãi hạ thấp người khác, v.v...

Trong trường học, một hiện tượng vẫn được "truyền miệng", bàn luận trên diễn đàn, cho đến báo chí phản ánh là cha mẹ phải chăm chăm đi phong bì thầy cô để đảm bảo con mình được chăm sóc, hoặc ít nhất là không bị liệt vào hạng "cá biệt", được qua kỳ thi trót lọt, được nhận xét tốt vào hồ sơ. Tại nơi làm việc, nhất là các cơ quan nhà nước, "phương châm" chủ yếu vẫn là thủ phận, nịnh sếp, cá nhân, "cong mềm mại"...

Trong xã hội, số dư tài khoản, xe sang hoặc chiếc túi xách hàng hiệu là mơ ước, là thước đo giá trị, là mục đích phấn đấu hàng đầu của ngày càng nhiều người.

Một xã hội như vậy còn nhiều điều kiện chưa thuận lợi để tạo nên con người nhân văn. Những mầm mống nhân văn sẽ bị lạc lõng và mỏi mệt khi chung quanh quá nhiều kẻ xu thời và biển lận. Nếu vẫn muốn phát triển tốt, nó buộc phải thay đổi môi trường.

Đã có những câu chuyện về người Việt Nam đi du lịch sang một nước văn minh bỗng đi nhẹ nói khẽ, trật tự, xếp hàng. Thế nhưng khi vừa đặt chân xuống Nội Bài hay Tân Sơn Nhất lại "hiện nguyên hình" chen lấn, xô đẩy, giành giật, huyên náo... Lấy tích cũ mà ví von, không thể trách cây quýt ở Hồ Bắc cho quả chua, trong khi vẫn cây ấy trồng ở Hồ Nam lại ngọt. Thay vào đó phải xem lại "chất đất".

Để đào tạo được một bác sĩ "biết coi bệnh nhân là con người chứ không phải con mồi" như PGS. Đoàn Lê Giang nói, bác sĩ ấy phải được lớn lên trong một chế độ giáo dục toàn diện và đặt mục đích nhân văn lên hàng đầu. Nếu xây dựng được môi trường như vậy, chúng ta sẽ có cả bệnh nhân tốt, cảnh sát tốt, quan tòa tốt, giáo viên tốt, người buôn bán tốt, người làm báo tốt, người quản lý chính quyền tốt ...

Nhưng thực tế cho thấy nền giáo dục hiện tại của chúng ta vẫn còn thiên về đào tạo ra những cái "máy trả bài" rập khuôn với các tiêu chí chưa bắt kịp thời đại và chưa mở đường cho sáng tạo. Rồi sau đó chúng ta lại ngồi than vãn, trách móc vì sao chất xám và sức sống chảy sang các nước khác?

Thẳng thắn nhìn vào từ những tồn tại, bất cập này để thấy, thêm hay bớt môn văn không phải là bản chất của vấn đề. Mà phải chăng, điều cần làm là thay đổi từ những vấn đề căn bản, gốc rễ trong giáo dục, xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét