Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Thảm họa liên tiếp và dấu hỏi về an toàn hàng không

Vũ Hoàng (Theo WSJ)

VNExp - Các chuyên gia cho rằng di chuyển bằng đường hàng không là an toàn và mọi chuyện vẫn ổn, tuy nhiên sau khi MH17 bị rơi ở vùng chiến sự cùng với các cuộc bạo loạn, khủng bố liên tiếp nhắm tới ngành hàng không lại đang cho thấy một hình ảnh khác.

Chiếc phi cơ mang số hiệu AH5017 thuộc hãng hàng không Air Algerie hôm 24/7 gặp nạn làm 116 người chết tiếp tục phủ đám mây u ám lên ngành hàng không toàn cầu. Trước đó một ngày, chiếc ATR 72 mang số hiệu GE222 của Đài Loan bị rơi khi cố gắng hạ cánh trong bão khiến 48 người chết. Chỉ một tuần trước đó, chiếc máy bay số hiệu MH17 của Malaysia Airlines bị bắn tại miền đông Ukraine làm 298 người tử nạn.

Ba thảm họa xảy ra trong một tuần, mặc dù hai trong ba vụ đó được cho là do điều kiện thời tiết, nhưng nhiều người đặt câu hỏi về mức độ an toàn của ngành hàng không. "Khi không có tai nạn nào xảy ra trong thời gian dài thì chẳng ai quan tâm. Các tai nạn liên tiếp đã khiến người ta chú ý vào vấn đề", Paul Hayes, giám đốc về an toàn hàng không tại công ty tư vấn Ascend, nói.

Các chuyên gia hàng không cho rằng những vụ tai nạn nối tiếp không phản ánh đúng thực trạng xu thế an toàn ngành hàng không. Theo ông Hayes, xét trong dài hạn, an toàn hàng không đang cải thiện đáng kể, hơn thế nó còn phát triển nhanh hơn sự mở rộng của ngành công nghiệp hàng không.

Thêm vào đó, các nhà phân tích nhận định chuỗi thảm họa thời gian qua cũng không thể hiện an toàn bay của ngành đang gặp vấn đề có tính hệ thống. Vụ MH17 tuần trước không liên quan đến việc huấn luyện con người và chất lượng thiết bị.

"Dù bạn đào tạo đội ngũ phục vụ bay kỹ càng đến đâu, họ cũng không ngăn được những tình huống như vậy", theo Martin Eran-Tasker, chuyên gia về an toàn tại Hiệp hội Hàng không Châu Á Thái Bình Dương.

Hàng không thực sự an toàn?

Tuy nhiên, gần đây các cuộc bạo động liên tục nhắm tới ngành công nghiệp vận tải hàng không tại những điểm nóng toàn cầu làm gia tăng nhiều mối lo lắng. Hồi đầu tháng, cuộc bạo loạn ở sân bay Tripoli đốt cháy 4 chiếc máy bay phản lực.

Một tuần trước, cuộc tấn công được trang bị vũ khí hạng nặng gồm súng và rocket phóng lựu hướng vào sân bay quốc tế Kabul. Lực lượng an ninh Afghanistan dập tắt hoàn toàn vụ việc, tuy nhiên trong cuộc đột kích trước đó nhằm phá hoại cơ sở vật chất, phe Taliban đã phá hủy chiếc trực thăng của tống thống Afghanistan.

Tháng trước, cuộc đột kích bất ngờ nhằm vào sân bay Karachi làm 28 người thiệt mạng và nghiền nát một chiếc máy bay của hãng hàng không Emirates Airline.

Tripoli, Kabul và Karachi không phải là điểm dừng chân thường xuyên của hành khách phương Tây, tuy nhiên cả ba vụ bạo loạn đều gây ảnh hưởng lớn trong khu vực. Nguyên nhân vì khi nhà ngoại giao, công ty khai thác dầu mỏ, nhà thầu... đổ về đây ngày càng nhiều, vai trò của sân bay quốc tế trở nên tối quan trọng.

Chủ nghĩa khủng bố cũng là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự an toàn của ngành hàng không. Lâu nay, quân khủng bố vẫn nhắm tới các chuyến bay thương mại, bởi khi thảm họa xảy ra, thương vong thường lớn và truyền thông rất quan tâm.

Trong những năm 1970, dư luận bàng hoàng bởi một chuỗi các phi vụ cướp máy bay táo tợn. Năm 1988, chiếc máy bay mang số hiệu 103 của hãng hàng không Pan Am, Mỹ, phát nổ trên bầu trời Lockerbie, Scotland vì bị đặt bom, làm 270 người thiệt mạng.

Ngày 11/9/2001, lực lượng khủng bố cướp quyền chỉ huy 4 chiếc máy bay của hàng không Mỹ. Hai chiếc đâm thẳng vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York. Một chiếc nhắm vào Lầu Năm Góc tại Washington. Một rơi tại Pensylvania khi hành khách trên phi cơ nỗ lực chống lại những tên không tặc làm chiếc máy bay bị mất lái. Đây là thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử hàng không Thế giới khi gây ra cái chết của tổng cộng gần 3.000 người.

"Có thể thấy, hàng không đã và sẽ luôn là mục tiêu hàng đầu của các vụ tấn công", theo lời Philip Baum, giám đốc điều hành Công ty tư vấn an toàn hàng không Green Light, có trụ sở đặt tại London, nước Anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét