Mặc Lâm - RFA
Lời tố cáo Thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ ăn nửa triệu đô la hối lộ của Dương Chí Dũng khó thể bưng bít hay làm lệch những chi tiết quan trọng như những vụ án khác bởi sự vào cuộc tích cực của truyền thông nhiều phía. Mặc Lâm phân tích thêm vấn đề đang được dư luận chú ý nhất hiện nay.
Lời tố cáo Thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ ăn nửa triệu đô la hối lộ của Dương Chí Dũng khó thể bưng bít hay làm lệch những chi tiết quan trọng như những vụ án khác bởi sự vào cuộc tích cực của truyền thông nhiều phía. Mặc Lâm phân tích thêm vấn đề đang được dư luận chú ý nhất hiện nay.
Phải chăng có tín hiệu tốt trong báo chí VN?
Báo chí trong các nước dân chủ được xem là quyền lực thứ tư đứng cạnh ba nhánh Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp. Chức năng theo dõi các vụ án lớn của báo chí được pháp luật bảo vệ và cũng chính từ khả năng lớn lao của truyền thông mà không ít vụ tham ô hay tai tiếng chính trị của nhiều nước bị phanh phui. Báo chí là sức mạnh của xã hội dân sự điển hình nhất nếu nó được hoạt động độc lập và thực sự được bảo vệ bởi hiến pháp.
Việt Nam chưa có nền báo chí độc lập như thế giới nên những bản tin, những bài báo được viết dưới cái nhìn đầy “trách nhiệm” của Tổng biên tập tờ báo, vốn luôn luôn là đảng viên được cử về giám sát tư tưởng chính trị của phóng viên qua định hướng của Ban truyên giáo trung ương, do đó những tin tức nhạy cảm, có thể làm hại cho đảng, cho chế độ sẽ khó mà xuất hiện trên một tờ báo chính thống.
Báo chí Việt Nam từng trải qua khá nhiều kinh nghiệm khi đưa tin những vụ tham ô của cán bộ cấp cao mà PMU 18 là một ví dụ. Phóng viên có thể bị bắt ngồi tù chung với can phạm và dù họ có bằng chứng đầy đủ trong các bản tin vẫn không thể thuyết phục được tòa án vì một lệnh ngầm nào đó cao hơn đã được ban ra trước khi tòa nghị án.
Tuy nhiên trong vụ Thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ ăn hối lộ của Dương Chí Dũng thì báo chí đã vượt qua được vùng cấm vô hình này. Lý do chủ yếu là lời khai của Dương Chí Dũng được tòa cho phép ghi âm đầy đủ và ngay sau khi phiên tòa kết thúc những âm thanh chấn động đó đã truyền đi khắp thế giới.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, cây viết của báo Thanh Niên liên tục trong 19 năm nay là một blogger cho biết nhận xét của ông về vai trò truyền thông trong vụ án này:
-Do truyền thông bây giờ nó rộng rãi không còn độc quyền của nhà nước nữa và nó có nhiều mặt trận truyền thông. Sự đa chiều của truyền thông như vậy nên khi một sự việc nó xảy ra thì sẽ được nhìn từ nhiều góc cạnh và do đó thông tin đến với người đọc nó khách quan hơn. Họ có thông tin nhiều chiều để mà phán đoán sự việc và do vậy các cơ quan chức năng cũng không bưng bít được thông tin cũng không độc đoán trong việc hành xử, giải quyết sự việc.
Qua vụ án Dương Chí Dũng cái thể hiện rất tiêu biểu về chuyện này về lợi ích của truyền thông đa chiều đó là một trong những dấu hiệu tích cực cho cái sự đổi mới của xã hội qua vận động dân sự hóa. Đây cũng là tín hiệu tốt cho chuyện dân chủ hóa đất nước trong thời gian sắp đến.
Báo chí đã có kinh nghiệm nên lần này lời tố cáo của Dương Chí Dũng đã được khai thác tối đa và phóng viên không cần tìm kiếm gì thêm để tránh dính vào lời buộc tội như công an đã từng làm đối với hàng chục nhà báo trong vụ PMU 18.
Báo chính thống loan tin hàng ngày những diễn biến mới nhất, những bằng chứng có thể được tòa sử dụng chống lại Phạm Quý Ngọ và quan trọng hơn, rất nhiều tờ báo khai thác kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia về luật pháp để hướng dẫn dư luận một cách khôn khéo.
Tuy nhiên, không phải tờ báo nào cũng loan tải những thông tin bất lợi cho người đang bị điều tra. Một vài tờ báo đã tách riêng ra, viết những bài nhận định theo hướng khác, phản biện lại tất cả những gì mà dư luận và báo chí mặc định. Một việc chưa từng có tiền lệ đối với các vụ tham ô trước đây đối với ngành báo chí Việt Nam khi ông Nguyễn Như Phong, một đại tá công an làm báo, đã viết trên tờ PetroTimes phản bác tất cả các luận cứ kết tội Thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ và tạo thêm tội danh cho Dương Chí Dũng là vu khống ông Thứ trưởng.
Không riêng báo PetroTimes chính Cổng thông tin điện tử chính phủ , cơ quan truyền thông chính thức của nhà nước đã cho đăng bài viết bảo vệ Bộ trưởng Công an, kết án Dương Chí Dũng và cho rằng ông này là một kẻ phá bĩnh.
Chưa xét tới khía cạnh cơ quan công quyền cao nhất nước đã sử dụng phương tiện truyền thông nhà nước để bịt miệng lời cáo giác tham nhũng từ một nhân chứng có vi phạm pháp luật hay không, nếu chỉ nhìn trên mặt bằng chính trị thì phản ứng này cho thấy thế lực nào đó trong chính phủ đã rúng động trước lời tố cáo của một tử tù.
Hai bài viết trên PetroTimes và Cổng thông tin điện tử chính phủ mặc dù được một ít tờ báo đăng lại nhưng không hề nhận được bình luận nào từ báo chí chính thống, ngược lại mạng xã hội như các trang blog hay facebook ngay lập tức xuất hiện hàng trăm bài viết phản biện mạnh mẽ ý đồ bịt miệng dư luận này và số lượt người vào xem đã lên con số kỷ lục.
Ba kênh truyền thông song song với nhau trong cùng một vụ án cho thấy đang có một cuộc cách mạng trong hệ thống thông tin tại Việt Nam.
Nếu sự xuất hiện bài viết chống Dương Chí Dũng trên Cổng thông tin điện tử chính phủ là sai trái thì bài viết của nhà báo Đại tá Nguyễn Như Phong trên báo PetroTimes phải được xem là quan trọng. Vấn đề nội dung bài viết có thuyết phục hay không tùy vào khả năng của từng cây viết nhưng đi dám ngược lại với dư luận là hình thức cao nhất của việc thực hành dân chủ. Bài viết của nhà báo Nguyễn Như Phong cũng có thể được luật sư của Dương Chí Dũng thu thập làm kinh nghiệm từ ý kiến của một cán bộ công an cao cấp để chống lại chính Thứ trưởng Bộ Công an về hành vi tham nhũng của ông ta.
Sự kiện lạ trong báo chí
Nhà văn Thùy Linh cũng là một blogger nổi tiếng cho biết nhận xét của bà về vấn đề này:
-Rất nhiều người thấy khá bất ngờ vì lần đầu tiên người đọc thấy sự xông xáo một cách thẳng thắn của báo chí trong nước trước một vụ án lớn. Đây chính là điều khá lạ lùng từ xưa tới nay chắc là nó có sự thay đổi nào đó, mọi người đang tin như thế.
Việc một số tờ báo vội vàng đưa lên những lời bênh vực nó thể hiện sự ấu trĩ của người làm báo vì những việc đưa ra chưa có một kết luận nào nhưng anh đã vội vàng thể hiện quan điểm như vậy thì đấy là sự non nớt của nghề báo. Nhưng điều đó nó không lấy lại lòng tin của người dân được.
Thông tin đến với người dân không thể bị che đậy khi quá nhiều nguồn, nhiều phương tiện đến thẳng với họ và vì vậy nếu vụ án này được Viện Kiểm sát tuyên bố là không tìm thấy bằng chứng phạm tội của Phạm Quý Ngọ thì cũng đã muộn, vì kể từ khi bắt đầu, dân chúng đã tìm được cách tiếp cận thông tin theo lối của họ.
Nhà văn Thùy Linh cho biết nhận xét của bà về phản ứng của mạng xã hội về hiện tình tham nhũng trong các cơ quan hành pháp hiện nay mà điển hình là công an:
-Vụ án này đang được trang mạng xã hội quan tâm nhiều nhất vì lần đầu tiên một nơi có trách nhiệm bảo vệ pháp luật lại là nơi vi phạm pháp luật trắng trợn nhất. Chính vì thế mà tác động của những trang blog, facebook hay dư luận xã hội nó cũng là những áp lực đòi hỏi phải xử lý những vụ việc như thế này.
Khi người dân tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào những vụ án như vậy thì ánh sáng dân chủ có lẽ không còn le lói ở đường hầm nữa mà nó đang lan tỏa trong không gian của nhiều gia đình trên khắp nước. Mạng xã hội, các phản biện từ cán bộ chức quyền, cộng với sự cung cấp thông tin điều tra từ báo chí, ba yếu tố này hợp lại sẽ thúc đẩy nhiều hơn quyền được biết của dân chúng.
Một nguyên lý khó thể phản bác: khi dân chúng đã biết thì không ai bịt nổi sự thật tràn ra từ lời khai của Dương Chí Dũng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét