Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Đòn cân não của đầu cơ

Hải Lý

(TBKTSG) - Thứ Sáu 11-11-2016 là một ngày dường như thảnh thơi, nhưng với các nhân viên “buôn” tiền (tên gọi bình dân của bộ phận kinh doanh ngoại hối và ngân quỹ) của nhiều ngân hàng lại là thời khắc quan trọng.

Ngày đó là lần đầu tiên kể từ cuối quí 3-2015 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng lãi suất tín phiếu kỳ hạn 14 ngày từ mức thấp kỷ lục trong lịch sử (có ngày chỉ còn 0,4%/năm) lên ngay 3%/năm. Lập tức lãi suất tiền đồng các kỳ hạn trên thị trường liên ngân hàng chạy theo. Suốt nhiều tháng trước đó, lãi suất tiền đồng qua đêm liên ngân hàng ở mức đáy, thậm chí có tổ chức tín dụng áp dụng 0,2%/năm bởi còn hơn để tiền “chết”.

Bắt tín hiệu

Ngay đầu giờ sáng thứ Hai 14-11-2016 trưởng bộ phận kinh doanh ngoại hối của một ngân hàng cổ phần quyết định niêm yết tỷ giá chuyển khoản bán ra ở 22.375 đồng/đô la Mỹ, tăng 15 đồng so với 22.360 đồng/đô la Mỹ của cuối giờ chiều thứ Sáu tuần trước. Có hai lý do khiến cô ra quyết định này: hai trong số bốn ngân hàng hàng đầu trong nước đã niêm yết tỷ giá mới cao hơn thường lệ của nhiều tháng qua và các đồng tiền thế giới biến động quá mạnh so với đô la Mỹ.

Cô nói: “Lãi suất tín phiếu NHNN tăng lên không thể là một tín hiệu hụt”. Trong khi đó, phó tổng giám đốc phụ trách ngân quỹ của một tổ chức tín dụng khác dự báo: “Tỷ giá có thể “nhảy” lên 22.500 đồng/đô la Mỹ. Chúng tôi đang đầy trạng thái ngoại hối 20% vốn tự có, tức được giữ tối đa 50 triệu đô la Mỹ. Nếu đô la Mỹ tăng 100 đồng/đô la so với tiền Việt, chúng tôi mới được 10 tỉ đồng, chưa nhằm nhò gì”.

Tuy nhiên bản thân vị phó tổng giám đốc trên đã không ngờ lần này bộ phận của ông kiếm lời nhiều hơn thế. Mốc 22.500 đồng/đô la Mỹ chỉ trụ được trong chưa đầy 24 tiếng đồng hồ. Rất nhanh đến ngày 24-11 tỷ giá tiếp cận kịch trần 22.800 đồng/đô la Mỹ, sau đó dịu lại chút ít ở 22.780 đồng/đô la Mỹ. Trong hai tuần nó tăng 1,97% từ 22.360 lên 22.780 đồng/đô la Mỹ.

Kiềng ba chân

Các ngân hàng đều thấu hiểu nguồn cung ngoại tệ đang dồi dào. Tháng 10-2016 và nửa đầu tháng 11, theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập siêu, nhưng tựu trung kể từ đầu năm, cán cân thương mại vẫn đang thặng dư 2,66 tỉ đô la Mỹ (trong khi cùng kỳ năm ngoái thâm hụt 3,5 tỉ đô la Mỹ). Thêm vào đó Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã ngỏ lời sẽ bán khoảng 800 triệu đô la Mỹ thu được từ phiên đấu giá 9% cổ phần Vinamilk cho Vietcombank vào đầu tháng 12. Kiều hối đang về nhiều vào những tháng cuối năm như thường lệ và quí 1 năm sau Nhà nước còn có nguồn thu ngoại tệ từ thoái vốn Sabeco và Habeco.

Cầu ngoại tệ ngắn hạn không có đột biến. Một doanh nghiệp nào đó cần 100 triệu đô la Mỹ trả nợ cuối năm. Chuyện nhỏ. Các tổ chức tín dụng đủ sức cân đối. Vậy tại sao tỷ giá tăng và việc tăng đó hàm chứa vấn đề gì?

Đầu cơ và kiếm lời trong đầu cơ là chuyện của giới buôn tiền. Cả năm nay lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối của các tổ chức tín dụng không đáng kể khi tỷ giá ổn định và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa cải thiện như mong đợi.

Những năm trước, khi NHNN còn sử dụng cơ chế tỷ giá cũ, chẳng ai có thể biết trước thời điểm “ông” Nhà nước điều chỉnh tỷ giá. Tuy thế dân buôn tiền vẫn đoán được quãng thời gian tỷ giá lên xuống dựa theo tính thời vụ của thị trường. Thí dụ cuối quí 2, quí 3, quí 4 là nhu cầu thanh toán bật lên, tỷ giá có thể biến động ít nhiều. Khoảng một tháng trước mỗi cuối quí đó, họ bắt đầu “ôm” ngoại tệ để đón “sóng”. Chỉ cần NHNN điều chỉnh 1%, thì giữ ngoại tệ một tháng, được tỷ suất lợi nhuận 1%/tháng hay 12%/năm. Thế là quá hời!

Từ nửa sau của năm ngoái đến nay, ngoài tính thời vụ, tỷ giá còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, nhất là sự nâng lên đặt xuống khả năng nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Các ngoại tệ khác đều mất giá hoặc lên giá so với đô la Mỹ một cách ngoài quy luật. Đầu cơ ngoại tệ không thể bỏ qua yếu tố này.

Yếu tố trên, dĩ nhiên, không lọt qua con mắt của nhà điều hành. Cơ chế tỷ giá trung tâm được vận hành từ cuối năm ngoái nhằm ngăn chặn cả hai nhân tố của đầu cơ. Nôm na mục tiêu cơ bản của cơ chế tỷ giá trung tâm nằm ở chỗ cũng là 1% hay một vài phần trăm kỳ vọng tăng tỷ giá đấy, nhưng anh không thể ôm ngoại tệ một thời gian nhất định để đầu cơ.

Cụ thể thế nào? Thứ nhất tỷ giá trung tâm lên hay xuống hàng ngày dựa trên các biến động tiền tệ quốc tế và vĩ mô nội địa. Thứ hai NHNN sử dụng công cụ giao dịch kỳ hạn (forward) để định hướng thị trường. Thí dụ tháng 12 năm ngoái NHNN ký hợp đồng bán forward 1 tỉ đô la Mỹ kỳ hạn ba tháng cho các ngân hàng có nhu cầu. Tỷ giá forward chính là định hướng đến một thời điểm nhất định nào đó, tỷ giá thị trường sẽ vươn tới tỷ giá kỳ hạn. Thứ ba công cụ lãi suất tiền đồng được phối hợp. Lãi suất tiền đồng tăng hoặc giảm để đảm bảo việc “ôm” ngoại tệ sẽ có chi phí cao hơn việc nắm giữ tiền đồng. Do đó đầu cơ ngoại tệ không có lợi.

Đấy là ba cái chân của tỷ giá trung tâm, giống như kiềng ba chân. Giới đầu cơ muốn kiếm lời phải tính tới cả ba chân và không dễ gì tìm được kẽ hở để mà lách.

Hai chân bị lãng quên?

Giữa quí 3-2016 khi nhận ra tăng trưởng GDP phục hồi chậm, NHNN bắt đầu tăng cường tốc độ cho tổng phương tiện thanh toán, đồng thời hạ mặt bằng lãi suất tiền đồng liên ngân hàng bằng cách mua vào một khối lượng lớn ngoại tệ. Dự trữ ngoại hối vượt mốc 40 tỉ đô la Mỹ. Đã có ý kiến cho rằng NHNN nên nâng dần giá mua ngoại tệ từ các ngân hàng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn giữ nguyên mức 22.300 đồng/đô la Mỹ mua vào bất chấp các đợt biến động của thị trường tiền tệ quốc tế.

Lãi suất tiền đồng liên ngân hàng xuống thấp nhất mọi thời đại, tỷ giá ổn định xung quanh 22.300-22.330 đồng/đô la Mỹ hàng quí, việc đầu cơ gặp trở ngại, nhưng nó không đứng yên mãi. Lãi suất tiền đồng thấp đã khiến cho chi phí nắm giữ ngoại tệ tụt xuống mức thấp chưa từng có, và giúp giới đầu cơ kéo dài thời gian “ôm” đô la Mỹ. Kinh doanh tiền đồng không mang lại nhiều lợi nhuận, thì tốt nhất là giữ đô la bởi trước sau tỷ giá cũng không thể giậm chân tại chỗ khi các đồng tiền quốc tế “nhảy múa”. Điều này giải thích tại sao tỷ giá ổn định dài ngày, mà trạng thái ngoại hối của các tổ chức tín dụng vẫn dương.

Khi chân kiềng lãi suất chỉ một chiều đi xuống, chân kiềng giao dịch kỳ hạn bị xếp vào góc luôn. Đáng lẽ NHNN có thể tổng hợp nhu cầu ngoại tệ thanh toán cuối năm và thực hiện các giao dịch kỳ hạn với các ngân hàng để định hướng thị trường rằng tỷ giá cuối năm sẽ ở một mức nhất định. Đằng này, giao dịch kỳ hạn đã không diễn ra. Ba chân của cái kiềng chỉ còn một.

Trong hai tuần qua, dân buôn tiền đã đề phòng cao độ. Khi tỷ giá lên đến 22.500 đồng/đô la Mỹ, một số ngân hàng có ý ngóng xem tỷ giá mua vào/bán ra của Sở Giao dịch NHNN có thay đổi. Họ cũng lắng nghe liệu có giao dịch kỳ hạn, nhưng không có. Kế đó thông cáo báo chí của NHNN về tỷ giá (xem Về diễn biến tỷ giá thời gian qua tại trang web NHNN ngày 17-11-2016) viết: “Theo đánh giá của NHNN, diễn biến tăng tỷ giá những ngày qua là hết sức bình thường”. Đầu cơ còn chờ đợi gì hơn mà không đẩy tỷ giá lên 22.600, rồi 22.700 và cuối cùng là kịch trần 22.800 đồng/đô la Mỹ. Tỷ giá thị trường tự do vốn thụ động, bám theo tỷ giá ngân hàng, giờ đây đã lên 22.930-22.970 đồng/đô la Mỹ ngày cuối tuần 27-11.

Vấn đề của tỷ giá bây giờ không phải là tăng bao nhiêu nữa trong năm nay, bởi nó đã tăng rồi. Tỷ giá điều chỉnh bao nhiêu phần trăm trong một năm, năm 2016, không quan trọng bằng việc nó điều chỉnh như thế nào. Song, đó lại là một câu chuyện khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét