Cafef - Nhưng càng để lâu, vết thương càng sâu, ảnh hưởng tới thương hiệu, tên tuổi càng lớn.
Có thể T&A đang im lặng để bảo vệ khách hàng của mình, nhưng làm vậy càng khiến họ mất điểm trong mắt các doanh nghiệp khác.
Có thể T&A Ogilvy gặp tai nạn nghề nghiệp và đang cố bảo vệ khách hàng của mình, nhưng có 2 vấn đề nghiêm trọng mà bất kỳ doanh nghiệp nào đang và có ý định thuê agency này sẽ phải đắn đo.
Thất bại về năng lực tư vấn truyền thông
Điều dễ thấy nhất, dù có nói kiểu gì đi chăng nữa, đó là chiến dịch truyền thông mang tên “nước mắm chứa thạch tín” đã thất bại hoàn toàn. Chiến dịch này không những khiến cả cả xã hội tức giận mà còn kéo các cơ quan chức năng, thậm chí cả công an vào cuộc điều tra. Trong trường hợp doanh nghiệp đứng sau (khách hàng của T&A Ogilvy – TAO) lộ diện, chắc chắn sản phẩm nước mắm của họ sẽ bị cộng đồng tẩy chay.
Tạm gác qua những vấn đề đạo đức – vốn rất mơ hồ trong giới agency, vậy TAO có trách nhiệm gì cho thất bại của chiến dịch truyền thông này không?
Từ những gì chính thức được công bố, chúng ta mới chỉ biết là TAO đứng ra tài trợ tiền cho Vinastas thực hiện khảo sát về nước mắm, còn TAO có phải agency tư vấn và thực hiện toàn bộ chiến lược hay không vẫn là điều bí ẩn. Đấy là chưa kể, một agency không bao giờ tự đi thực hiện một chiến dịch nào cả, mà tất cả đều là do khách hàng đặt hàng.
Tuy nhiên, việc TAO có tham gia vào chiến dịch này và bị “bêu tên” đầu tiên rõ ràng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng của agency này. Bản thân phải “đứng mũi chịu sào” cho khách hàng đã là một nhẽ, dấu hỏi về năng lực triển khai các chiến dịch quảng cáo của TAO cũng được đặt ra. Đổ lỗi cho ai đây khi một chiến dịch quảng cáo thất bại thảm hại? Rõ ràng là agency phải có phần.
Dễ thấy, TAO đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu khách hàng thuê TAO lộ diện và mũi dùi dư luận chĩa về phía doanh nghiệp, các khách hàng khác của TAO (đều là những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới) cũng sẽ suy nghĩ. Còn nếu cứ chịu trận mãi thế này thì cũng không xong, khi năng lực của agency này bị đặt dấu hỏi.
Vậy phải làm gì để thoát khỏi tình huống này? Câu trả lời có thể đến từ một trong những lĩnh vực sở trường của T&A
Đó là năng lực xử lý khủng hoảng
Đa phần các agency đều bán cho khách hàng gói hỗ trợ xử lý khủng hoảng truyền thông. Là một trong những ông tổ của ngành quảng cáo hiện đại, Ogilvy tất nhiên cũng có lĩnh vực này.
“Khi việc vỡ lở, doanh nghiệp phải đi xử lý khủng hoảng. Xử lý càng nhanh càng tốt theo nguyên tắc 24 giờ vàng. Tất nhiên chi phí sẽ rất lớn”. Đó là những gì agency thường đi rao giảng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi đối mặt với khủng hoảng truyền thông của chính bản thân mình, TAO lại cho thấy cách xử lý đáng thất vọng.
Dường như toàn bộ hệ thống không có sự chuẩn bị cho tình huống này, và điều duy nhất mà TAO làm đó là im lặng. Giám đốc cáo ốm. Đến sáng nay, website của T&A Ogilvy cũng bất ngờ tạm dừng hoạt động để “bảo trì”.
Có lẽ TAO đang áp dụng phương pháp xử lý khủng hoảng truyền thông cổ xưa nhất mà các doanh nghiệp từng sử dụng. Đó là tuyệt chiêu “để lâu cứt trâu hóa bùn”.
Một số ý kiến nhận định, với một doanh nghiệp có chuyên môn trong lĩnh vực B2B (bán hàng cho doanh nghiệp, không phải cho người dùng cuối) như TAO, cách làm này có thể cũng là một ý tưởng hay.
Tuy nhiên, ý tưởng này chỉ đúng với trường hợp "há miệng mắc quai". Còn lại thì, nó lại hoàn toàn khác với những gì các chuyên gia xử lý khủng hoảng thường rao giảng. Đâu rồi lời xin lỗi, cam kết minh bạch, đâu rồi tinh thần sẵn sàng chuẩn bị, hay trung thực?
Khá kì lạ khi một số agency thường khuyên khách hàng hãy trung thực, trong khi họ lại thường xuyên không làm vậy.
Kết lại, cũng giống như những gì các agency thường nói với khách hàng của mình: “Càng để lâu, vết thương càng sâu, ảnh hưởng tới thương hiệu, tên tuổi càng lớn”. TAO có thể đang bế tắc về phương án xử lý. Nhưng với tên tuổi và đẳng cấp của mình, họ nên sớm nghĩ ra, càng nhanh càng tốt, trước khi tên tuổi của mình trở thành “điểm đen” trong list agency tại Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét