(TBKTSG) - Mấy anh em trong ngành du lịch ngồi lại than vắn thở dài vì lượng khách giảm trong năm 2015. Lợi nhuận ngày càng teo dần, tỷ lệ vàng 12% ngày nào đã tuột dần xuống chỉ còn 5-6%, trong khi chi phí mặt bằng, xăng dầu, tiếp thị, lương nhân viên... ngày càng tăng.
Khách rơi vào tay các quốc gia mạnh về du lịch trong khối ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore... Ngành du lịch các nước này đã tìm mọi cách để tăng lợi nhuận trên đầu khách bằng cách bán “tour option”. Khi công ty lữ hành đưa khách vào các trung tâm mua sắm thì đều được hỗ trợ về vận chuyển, được bù giá tour.
Ở Việt Nam không có những trung tâm mua sắm có “quyền lực” về tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như vậy.
Riêng về sản phẩm du lịch địa phương thì Việt Nam có khá nhiều đặc sản. Chẳng hạn bánh pía Sóc Trăng rất được du khách Indonesia ưa thích. Có người mua tới 10 ký, đóng thùng đem về nước làm quà. Ngoài bánh pía, họ còn mua cà phê hòa tan, bột ca cao, khô cá tẩm gia vị, giày dép, dầu dừa, kẹo dừa, hạt điều, các loại trái cây như thanh long, sầu riêng, ví/túi xách thời trang, mũ rơm, đồ thổ cẩm, đồ gia dụng... Họ nói hàng hóa ở Việt Nam ngon, bổ và rẻ! Cái khó của du khách là họ phải mất nhiều thời gian để tìm những hàng hóa tiêu biểu đặc trưng của Việt Nam. Hay nếu có mua thì không biết nhãn hiệu nào có uy tín, chất lượng đảm bảo, giá nào đúng.
Trước đây, chúng ta có những làng nghề nổi tiếng nhưng ngày càng bị mai một vì sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, cũng có thể vì mẫu mã sản phẩm không được ưa chuộng, năng suất thấp do sản xuất thủ công gia đình, làm theo mùa vụ nên không có hàng cung cấp quanh năm, chất lượng không đồng đều, không đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu...
Chúng tôi cho rằng mỗi địa phương đều có thể chọn và hỗ trợ phát triển sản xuất một số sản phẩm đặc trưng tiêu biểu nhất của địa phương thông qua việc cho vay với lãi suất ưu đãi. Chính phủ có thể thành lập ban tư vấn liên ngành bao gồm các bộ, các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội xuất khẩu... tư vấn quy trình sản xuất, bao bì đóng gói, tiếp thị sản phẩm... Ngành du lịch sẽ góp phần tiêu thụ sản phẩm, giúp sản xuất thu hút lao động nhàn rỗi, người dân có thêm thu nhập, qua đó, thúc đẩy tinh thần hợp tác sản xuất ở địa phương, phát triển tư duy sáng tạo để tiếp tục tạo ra những đặc sản, hấp dẫn du khách hơn.
Hoạt động tổ chức chợ nông sản cuối tuần cũng là một cách thu hút du khách đến mua sắm. Những sản phẩm bán cho du khách nước ngoài đem về nước có khi phải giảm hay miễn thuế cho họ. Hàng năm tổ chức đấu xảo sản phẩm của các địa phương để tiếp thị các loại đặc sản, vinh danh các làng nghề...
Riêng ở TPHCM, chúng ta cũng chưa có một chợ cuối tuần nào cho du khách cho đúng quy mô một thành phố du lịch. Chúng tôi đề xuất chọn đường Trường Sa và Hoàng Sa chạy dọc theo kênh Nhiêu Lộc làm nơi tổ chức bán hàng nông sản của TPHCM và các tỉnh lân cận. Lề đường nơi đây rộng rãi, lưu lượng xe ít, cảnh quan con kênh thơ mộng, thay vì như hiện nay, hai bên chỉ toàn các quán nhậu. Đối với du khách một số nước, cảnh buôn bán lề đường là điều gì đó đặc biệt, lạ lẫm, thu hút. Bên dưới sông, du khách đi thuyền thưởng ngoạn cảnh buôn bán tấp nập hai bên bờ kênh, họ có thể dừng thuyền để bách bộ nhâm nhi ly cà phê hay tìm vài món hàng lưu niệm cho chuyến đi của mình.
Tôi nghĩ nếu quyết tâm, chúng ta có thể giải quyết đầu ra cho hàng đặc sản, nông sản, thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, phát triển sản xuất kết hợp với kinh doanh du lịch, đem ngoại tệ về cho đất nước và tái đầu tư vào quảng bá du lịch cho Việt Nam. Đây là cơ hội xuất khẩu sản phẩm “made in Vietnam” với chi phí tiếp thị thấp nhất.
Làm nghề kinh doanh du lịch, ai cũng mong du khách đến Việt Nam ngày càng đông hơn và họ ra về với những va li hàng nặng trĩu. Điều đó góp phần xây dựng kinh tế đất nước, xây dựng bộ mặt du lịch Việt Nam văn minh, lịch sự. Chúng tôi tin rằng ước mơ này có thể trở thành sự thật nếu như các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đồng lòng với doanh nghiệp xắn tay vào việc.
(*) Giám đốc Viking Travel
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét