Chuyện tập truyện ngắn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông của tôi (Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phương Nam book & NXB Hội nhà văn, 2011) bất ngờ bị Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM ra công văn thu hồi trên địa bàn Sài Gòn cách đây gần 3 năm là một chuyện cũ, rất cũ.
Ngay cả lúc khi sự việc đang xảy ra và gây sự quan tâm của báo chí dư luận, thì tôi vẫn khước từ bày tỏ thái độ liên quan đến chuyện luận về nội dung, chất lượng hay “giá trị nghệ thuật” của nó. Tôi vẫn nghĩ, công việc của tác giả đã xong rồi; nên dành quyền phán xét cho người đọc và giới chuyên môn.
Từ bấy đến nay, tôi thực tình không muốn nhắc lại chuyện cũ vì tin rằng, nơi xuất bản, giới chuyên môn, báo chí công tâm đã bàn luận khá kỹ về nó; chuyện nó có mắc cái tội mà cơ quan công quyền kia nêu ra hay không, thực ra là đã quá rõ. Chuyện cơ quan công quyền kia đúng hay sai về chuyên môn trong một lệnh cấm cục bộ, thực ra, những ai quan tâm đến đời sống văn nghệ lành mạnh hẳn không quá khó để nhận biết.
Chuyện cũ hôm qua, tưởng đã được qua. Từ bấy đến nay, tôi cũng đã ra hai đầu sách mới, đó là: Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và các thứ khác (do Alphabooks & NXB Lao động Xã hội, 2012) và Những đồ vật trò chuyện cùng chúng ta (NXB Trẻ, 2014). Tôi vẫn đang tiếp tục theo đuổi sự độc lập trong sáng tác.
Nhưng thật ngạc nhiên, qua vài người bạn viết, nay tôi nhận được bài báo của tác giả Đỗ Ngọc Yên, đăng trên >>> tờ Nhân dân cuối tuần, trong sự xúc động được vinh dự làm đối tượng theo dõi lâu năm của tác giả một bài báo, tôi nhận thấy cần trả lời cho thật minh bạch một vài điều mình biết chắc, vì chuyện không chỉ liên quan đến cá nhân tôi, mà liên đới với nhiều phía, nhiều người khác; cũng tiện thể, bày tỏ thái độ cá nhân với một kiểu làm nghề chữ nghĩa mà theo tôi, là không đứng đắn và văn minh.
Thứ nhất, đây là một bài báo ẩu, khó chấp nhận được. Sự lười biếng, cẩu thả trong thông tin được thể hiện ngay ở việc ông Đỗ Ngọc Yên nhắc đến tên cuốn sách ba lần trong bài viết, thì đến hai lần là không chính xác. Xin nhắc lại để ông Yên rõ, tiện cho việc đính chính, tựa sách chính xác là Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông chứ không phải “Trên lưng chừng nhìn xuống đám đông” như ông đã viết. (Ở đây, cũng cho thấy luôn sự yếu kém, thiếu nghiêm túc trong nghề của Ban biên tập tờ Nhân dân Cuối tuần!)
Thứ hai, theo như những gì tác giả bài báo “Nhiễu loạn sách văn chương tái bản” đề cập, thì cuốn “Trên lưng chừng nhìn xuống đám đông” đã nằm trong diện “nối bản, tái bản, in lậu, đổi tên sách, rồi tiếp tục cho in lại”. Đây lại là một thông tin không chính xác. Vì: nơi nắm tác quyền, đầu tư xuất bản cuốn sách Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông là công ty Phương Nam book chưa từng tái bản cuốn sách này lần nào kể từ sau khi có công văn thu hồi sách trên địa bàn Sài Gòn của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Còn việc cuốn sách có bị “nối bản”, “in lậu”, “đổi tên sách”, “rồi tiếp tục cho in lại” thì cho đến nay cơ quan quản lý thị trường, tòa án ở Việt Nam chưa từng nêu được chứng cứ hay kết luận nào có liên quan nên không thể nói mò, nói bừa. Thiết nghĩ, ông Đỗ Ngọc Yên cần làm rõ luận điểm của mình để tránh sự áp đặt, vu khống, gây bất lợi về mặt pháp lý, có thể phương hại đến hoạt động kinh doanh của công ty đầu tư và nhà xuất bản đã đứng tên cấp phép cho cuốn sách nêu trên.
Thứ ba, sau khi gom rất nhiều cuốn sách (mà có lẽ nhiều trong số đó, ông chỉ mới đọc qua loa… cái bìa!) vào diện “kém giá trị, thậm chí bị dư luận xã hội cho là có vấn đề, song chúng vẫn được in đi, in lại nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau như: nối bản, tái bản, in lậu, đổi tên sách, rồi tiếp tục cho in lại”, thì cây bút phê bình văn nghệ trên tờ Nhân dân Cuối tuần đã không giấu được cái giọng điệu mông muội quy chụp: “Những dạng sách nêu trên không những không bồi đắp cho tâm hồn và trí tuệ của công chúng, mà tệ hơn, chúng còn hướng người đọc đến những chuyện bậy bạ, tầm thường, cố tình khoét sâu, tô đậm những mặt tiêu cực, những góc khuất, mảng tối trong đời sống xã hội và đời sống cá nhân con người. Điều ấy, dù vô tình hay cố ý cũng đã góp phần làm băng hoại đạo đức cá nhân và xã hội, xói mòn lòng tin của công chúng vào bản chất tốt đẹp của con người.(…)
Nói vậy để thấy, không nghi ngờ gì nữa, trách nhiệm trước hết ở đây là phía tác giả-những cây bút lợi dụng tinh thần dân chủ và cởi mở trong quá trình hội nhập của nước ta từ khi mở cửa nền kinh tế (1986), để du nhập những thứ cặn bã của văn hóa nước ngoài qua mạng internet và các trang mạng xã hội. Cùng đó là các nhà xuất bản, công ty sách tư nhân hay những đầu nậu sách luôn tìm mọi cách lợi dụng các khe hở trong công tác quản lý để chạy theo lợi nhuận kinh tế. Nhiều cuốn sách đã bị cơ quan chức năng thổi còi, thậm chí thu hồi, cấm phát hành vẫn được in đi, in lại nhiều lần dưới các hình thức khác nhau”
Những điều trên liên quan tới quan điểm về văn nghệ, tôi chỉ dẫn lại như một cách nhấn mạnh để mỗi người đọc văn minh có thể tự luận xét, miễn bàn thêm ở đây, tốn chữ.
Thứ tư, có một ý trong bài viết mà cá nhân tôi rất quan tâm, với tinh thần thượng tôn pháp luật của một công dân được tác giả Đỗ Ngọc Yên “khai sáng” cho: “Có thể khẳng định chắc chắn rằng, không một đơn vị, cá nhân làm sách nào lại không vui vẻ nộp dăm ba triệu đồng tiền phạt hành chính, bởi khoản tiền nộp phạt như vậy chẳng thấm tháp vào đâu so với lợi nhuận mà hàng ngàn cuốn sách ấy mang lại. Theo pháp luật hiện hành, những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về lĩnh vực xuất bản nhiều lần như vậy phải bị khởi tố, nhưng đáng tiếc là cho đến nay chưa hề có một vụ án dân sự nào về lĩnh vực này”.
Người viết ra được những dòng trên, hẳn cũng biết những cái sai trong bài báo (từ tên tác phẩm, chi tiết thiếu thẩm định chính xác trong thông tin liên quan đến việc việc tái bản, nối bản sách) đều là những thứ, mà chiểu theo luật báo chí, tờ báo và tác giả cần phải có trách nhiệm tương thuộc, đính chính rõ ràng để tránh sự ngộ nhận cho độc giả.
Khởi tố “những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật” là một ý tưởng hay, nhưng nếu không tự chứng minh cụ thể được điều đó, thì trước hết, theo tôi, nên áp dụng khởi tố đối với những kẻ lạm quyền, sử dụng ngòi bút, danh nghĩa phê bình, phương tiện báo chí để đi chụp mũ, vu khống người khác một cách hùng hổ công khai.
Cuối cùng, đây mới là phần chính bày tỏ thái độ của tôi, nói một lần cho xong chuyện. Theo Wikipedia thì có ba loại chó săn cơ bổn:
1/ Chó săn đuổi hay còn gọi là chó săn rượt là những con chó săn mà chủ yếu săn bắt bằng tốc độ và tầm nhìn thay vì bởi đánh hơi và kiên nhẫn theo dấu như những con chó săn đánh hơi. Thông thường những con chó săn này thường đi theo bầy và hay phối hợp tấn công con mồi.
2/ Chó đánh hơi là loại chó săn mà chủ yếu săn bằng mùi hương chứ không phải là tầm nhìn, chúng không chạy nhanh. Các giống chó này thường được coi là có mũi nhạy cảm nhất trong số các loài họ chó. Hầu hết chúng có ngoại hình dài, tai rủ giúp thu thập mùi hương từ không khí, đặc biệt là chúng có lỗ mũi lớn và ẩm ướt để xử lý mùi hương tốt hơn.
3/ Chó săn chim hay chó định vị là loại chó hỗ trợ trong việc tìm kiếm của thợ săn trong một trò săn bắn và thường là các loài chim, chúng dùng để làm chó tha mồi và chó chỉ điểm tìm ra vị trí con mồi khi bị thợ săn bắn hạ.
Đọc bài viết của ông Đỗ Ngọc Yên, tôi đã nghĩ, Wikipedia nên sớm cập nhật thêm một loại chó săn mới. Loại này vừa chỉ điểm, vừa ăn sẵn, vừa nhớ mùi lâu, vừa hung hăng, vừa theo bầy, và dĩ nhiên, là vừa trung thành, vừa hăng hái đến kệch cỡm – chó săn trong phê bình văn nghệ.
Những người lạc quan chủ nghĩa nói với nhau rằng, loài này chó săn này đã tuyệt chủng trên thế giới. Và có thể cũng sắp tuyệt chủng ở Việt Nam. Kinh nghiệm của tôi là sống ba năm thì mới may mắn gặp được một hai con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét