VNN - Đại lộ đẹp nhất Việt Nam cùng hệ thống đường dẫn nước sạch Sông Đà về Thủ đô trị giá hàng nghìn tỷ đồng là niềm tự hào của Vinaconex. Tuy nhiên, đường ống nước liên tiếp bị vỡ, cùng với đó là kinh doanh khó khăn đã khiến đại gia này như rơi vào một chu kỳ vận hạn.
Danh tiếng thành tai tiếng
Đường ống dẫn nước sạch Sông Đà cấp nước cho chuỗi đô thị phía Tây và Hà Nôi đã thực sự là niềm tự hào của Vinaconex, một dấu ấn của DN này đối với Thủ đô. Nhưng chỉ sau vài năm đi vào hoạt động, những sự cố liên tiếp đã khiến thành tích làm nên danh tiếng của ông lớn này đang trở thành tai tiếng.
Giữa tháng 7/2014, đường nước Sông Đà của Vinaconex (VCG) cung cấp cho 70.000 hộ dân Hà Nội bị vỡ lần thứ 9. Dường như hết chịu nổi, Hà Nội đã quyết làm đường nước thứ 2 để dự phòng thế nhưng đơn vị được chọn vẫn là Vinaconex với lý do đây là đơn vị này có khả năng hơn các đơn vị khác.
Sau các sự cố, Chủ tịch Nguyễn Thành Phương và TGĐ Vũ Quý Hà xin lỗi đến người dân và cho biết DN sẽ đầu tư 1.200 tỷ đồng cho giai đoạn 2 của dự án ống nước Sông Đà, trong đó VCG có vốn 20% và vốn vay 80%.
Như vậy, sau 8 lần đường ống nước Sông Đà bị vỡ kể từ 2/2012 với cả chục tỷ được đổ ra để sửa chữa. Niềm tự hào một thời đang trở thành vấn đề mà Vinaconex phải tìm cách giải quyết để cứu lấy danh tiếng của mình. Sau lời xin lỗi công khai của mình, Vinaconex cũng nhận định đây là giai đoạn hết sức khó khăn và rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các bên.
Sự gấp gáp vào cuộc với phân kỳ 1 của dự án giai đoạn 2 đầu tư tuyến ống truyền tải từ QL21 về Vành đai 3 có lẽ là để vớt vát lại uy tín cũng như tránh lặp lại thảm kịch 'vỡ đường ống - dân thủ đô chết khát' thêm một lần lặp lại.
Làm thêm đường ống mới, Vinaconex sẽ không sử dụng ống composit cốt sợi thủy tinh vốn được xem là một 'sáng tạo' được sử dụng cho hàng chục ki-lô-mét truyền tải trước đó, mà thay bởi ống thép hàn xoắn công nghệ Nhật sản xuất tại Việt Nam.
Những điềm báo chẳng lành
Dự án đường ống nước Sông Đà được đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng, sở hữu và kinh doanh) bằng nguồn vốn tự có của DN và vốn vay thương mại, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước khi hoàn thành thực sự là một thành công và mang lại hiệu quả cho sự phát triển đô thị Hà Nội.
Tuy nhiên, những sự cố liên tiếp và ngày càng dày đặc của hệ thống đường ống Vinaconex đã gây ra nghi ngờ về chất lượng công trình và năng lực của chủ đầu tư. Hơn thế nó còn như một điềm báo về một giai đoạn khó khăn trong hoạt động kinh doanh của DN này.
Trên thực tế, những sự cố đường ống có lẽ đã được báo trước. Nếu đúng như tính toán, Vinaconex đã phải làm thêm tuyến ông cấp nước giai đoạn 2 từ năm 2006. Tuy nhiên, DN đã không thể thu xếp được nguồn vốn. Đến năm 2009, DN này cũng đã không thể đầu tư tiếp hệ thống cấp nước giai đoạn 2. Lý do cũng là bởi Tổng công ty không đủ khả năng tài chính đi cùng với đó là những vướng mắc về cơ chế ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực công ích chưa có.
Và hậu quả là, một phần lớn thủ đô chủ phụ thuộc vào hệ thống cấp nước độc đạo. Trong khi hệ thống thứ 2 đang thiếu tiền để triển khai thì không ai ngờ tlà công trình lại bị sự cố nhiều đến thế.
Không chỉ chịu những tai tiếng từ vỡ đường ống nước, hiện tại Vinaconex cũng đang có những khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Là một DN lớn trong ngành xây dựng với vốn hơn 4.400 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 5.600 tỷ đồng nhưng VCG đã không có tiền trả cổ tức trong 4 năm qua. Trong các năm mà VCG định làm đường ông thứ 2, DN này nợ hàng chục nghìn tỷ: 16,4 nghìn tỷ năm 2007; 20 nghìn tỷ 2008; 22,8 nghìn tỷ 2009; 26,2 nghìn tỷ 2010; 24,7 nghìn tỷ 2011 và cuối 2013 con số vẫn còn là gần 16 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận nhiều năm rất thấp như: 2009 (5,8 tỷ đồng); 2011 (40 tỷ đồng); 2012 (87 tỷ đồng) và thường xuyên bị chênh lệch lớn sau kiểm toán.
Tỷ lệ nợ quá lớn có lẽ khiến nhiệm vụ chính của DN này trong nhiều năm gần đây là tái cấu trúc, chứ không phải là đầu tư phát triển vào các dự án như một thời huy hoàng trước đây. Nhiệm vụ của DN là thu các nguồn tiền về, tái cấu trúc để tránh tình trạng mất cân đối do nợ quá nhiều, đầu tư dàn trải rất nhiều dự án lớn, nhiều dự án BĐS và năng lượng...
Sự đi xuống của thị trường BĐS và khối nợ hàng chục nghìn tỷ đã khiến Vinaconex liên tục phải bán cổ phần tại các dự án lớn như: Parcity, Xi Măng Cẩm Phả, đang chào bán cổ phần tại dự án Bắc An Khánh (Splendora).
Tuy nhiên, với quyết định trao cho Vinaconex xây dựng để khắc phục nhanh tình trạng thiếu nước, phòng trước khả năng tiếp tục vỡ ống nước trong tương lai nhiều năm tới... như đã trao một cơ hội cho Vinaconex thoát khỏi những khó khăn. Ngay sau đó,BIDV cũng đã cam kết cho vay 80% vốn thực hiện đường ống thứ 2. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã chỉ đạo các chủ đầu tư thanh toán các khoản nợ cho Vinaconex... Điều còn lại là Vinaconnex phải làm gì để cứu vãn uy tín và phục hồi năng lực của mình trên vị thế một ông lớn của xây dựng và BĐS để không còn phải thêm một lần... xin lỗi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét